Nhân loại vừa trải qua 6 tháng đầu năm 2015 với mức nhiệt độ được cho là cao nhất trong lịch sử do hiện tượng El Nino tăng cường.
Bảng hiển thị nhiệt đô toàn cầu trong tháng 6 nóng kỷ lục năm 2015. |
Theo số liệu của cơ quan Đại dương và Khí quyển (NOAA) của Mỹ công bố hôm 20/7, tháng 6 là tháng nóng kỷ lục trong năm 2015 và các kỷ lục trong 135 năm qua.
Nhiệt độ bề mặt Trái Đất trung bình trên toàn cầu trong tháng 6 là 2,27 độ F (1,26 độ C), cao hơn cả mức trung bình của thế kỷ 20. Đây là mức cao nhất trong tháng 6 kể từ năm 1880-2915, vượt qua cả kỷ lục được thiết lập trong năm 2012 là 0,06 độ C.
Cả NASA và Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cũng đưa ra các con số tương tự khi họ phát hành các báo cáo của mình vào tuần trước. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo rằng tình trạng này sẽ chưa dừng lại mà có thể còn tiếp diễn trong các năm sau này.
Nhiệt độ toàn cầu tăng là hệ quả tất yếu của sự ấm lên của Trái Đất. Nguyên nhân chính của hiện tượng này chính là do sự thiếu ý thức bảo vệ môi trường của con người dẫn tới sự tăng lượng khí thải carbon dioxide vào khí quyển, tờ Sputnik dẫn lời Tiến sĩ khí tượng học Jeff Masters cho biết.
Sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu thường kéo theo những tác động đáng lo ngại. Tháng trước, các nhà khoa học cảnh báo rằng sự gia tăng nhiệt độ trong nhiều thập kỷ ở khu vực Biển Đen đã tạo ra một lượng mưa kỷ lục dẫn tới các trận lũ quét khiến hơn 170 người thiệt mạng tại khu vực Krymsk của Nga.
Trong tháng này, NASA đã cho công bố kết quả nghiên cứu cho thấy một phần lớn của thềm băng 10.000 năm tuổi tại Nam Cực đang tan chảy với tốc độ cực nhanh và có thể biến mất hoàn toàn vào năm 2020. Ước tính, nếu thềm băng ở Nam Cực tan hết thì mực nước biển sẽ dâng lên khoảng 240 feet (khoảng 72 cm).