Năm học 2021-2022, thu nộp ngân sách hơn 70 triệu đồng
Tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ công tác thanh tra năm học 2022-2023 được tổ chức ở Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã đề cập đến những khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra khối Sở Giáo dục và Đào tạo.
Khó khăn có lẽ là tình trạng chung của đội ngũ Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Hoàng Bá Hùng - Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ về thực tiễn công tác thanh tra tại địa phương trong thời gian qua.
Theo ông Hoàng Bá Hùng: “Về công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh, đặc biệt là Giám đốc Sở, rất quan tâm đến đội ngũ, mặc dù tình hình biên chế phải giảm theo chủ trương chung, song, đội ngũ thanh tra vẫn được bố trí 5 người. Hiện nay đội ngũ, công chức, viên chức thanh tra gồm 5 người (trong đó, có 2 thanh tra viên chính; 2 thanh tra viên; 1 viên chức biệt phái). Tổng số cộng tác viên thanh tra giáo dục của Sở đã được bồi dưỡng nghiệp vụ và được cấp giấy chứng nhận theo quy định là 124 người.
Thanh tra Sở được nhận các chính sách, chế độ và các điều kiện đảm bảo theo đúng quy định của Nhà nước”.
Ông Hoàng Bá Hùng - Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: NVCC). |
“Trong những năm qua tại Hà Tĩnh, công tác quản lý đối với các cơ sở giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt là quy trình quản lý, việc thực hiện cơ chế dân chủ tại các đơn vị đã được đẩy mạnh, ý thức, trách nhiệm, tinh thần thái độ, của đại bộ phận đội ngũ được nâng lên.
Tương tác giữa giáo viên với học sinh, giáo viên với cán bộ quản lý, giữa nhà trường với phụ huynh, nhà trường với cấp ủy chính quyền cũng ngày càng tốt hơn. Sự chăm lo của cấp ủy, chính quyền đối với ngành giáo dục cũng ngày càng được quan tâm đúng mực, nhiều nghị quyết về chủ trương phát triển giáo dục cũng như chế độ chính sách đã được ban hành tạo điều kiện cho giáo dục Hà Tĩnh phát triển bền vững hơn.
Trong thành công chung của ngành, công tác thanh tra, kiểm tra cũng góp phần quan trọng nhằm phát hiện những điểm mạnh, nhân tố tích cực để phát huy đồng thời phát hiện ra sai sót cần được uốn nắn, chấn chỉnh tạo sự thay đổi, tiến bộ trong quản trị tại các cơ sở giáo dục.
Cụ thể, trong năm học 2021-2022, Sở đã tổ chức 14 cuộc thanh tra, gồm: 4 cuộc thanh tra hành chính, 10 cuộc thanh tra chuyên ngành. Qua thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện một số sai phạm, bất cập trong công tác quản lý của các cơ sở giáo dục, kịp thời chấn chỉnh, yêu cầu khắc phục các sai phạm tại các đơn vị được thanh kiểm tra và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý các sai phạm, ban hành các văn bản hướng dẫn, điều chỉnh hoạt động quản lý đúng quy định.
Về xử lý về kinh tế: Các đoàn thanh tra đã kiến nghị thu hồi về quỹ số tiền 23.400.000 đồng, thu nộp ngân sách Nhà nước 74.400.000 đồng.
Đối với các vụ xử phạt vi phạm hành chính, số tiền thu được không nhiều, nhưng có tác dụng răn đe mạnh mẽ đối với công tác quản lý tại các nhà trường, bởi lâu nay ở các nhà trường rất ít khi có xử phạt, chủ yếu là nhắc nhở, uốn nắn, tư vấn trong quản trị” - vị Chánh Thanh tra thông tin thêm.
Nhiều khó khăn, bất cập trong thực tiễn
Bên cạnh những thuận lợi, Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh cũng chỉ ra một số khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai, hoạt động thanh tra, kiểm tra hiện nay.
Cụ thể, ông phân tích: “Trước hết, về hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng bộ. Có nhiều văn bản ban hành từ rất lâu, trong khi, thực tiễn trong những năm qua đã thay đổi mạnh mẽ, nhưng hệ thống văn bản pháp luật vẫn chưa thay đổi kịp. Điều đó dẫn đến việc vận dụng các văn bản đó khi thực thi công vụ gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính đã và đang diễn ra mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực hành chính công. Tuy nhiên, trong lĩnh vực thanh tra, dường như bị chậm hơn. Minh chứng cho điều đó, có thể kể đến việc Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo ở nhiều địa phương vẫn chưa có chữ ký số, trong khi Hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, trung học có thể đều đã được cấp chữ ký số.
Khó khăn thứ hai là về đặc thù thanh tra. Làm thanh tra, đầu tiên là phải có tính chuyên nghiệp, có tính nguyên tắc, tuân thủ quy định, thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, khi tương tác với các đối tượng là các cán bộ quản lý hay các nhà giáo, đều là thầy cô, đồng nghiệp nên khi tiếp cận và xử lý cũng có phần khó khăn...
Vì người Việt mình vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo, nên dễ xảy ra tình huống: Đáng lẽ phải xử phạt, nhưng lại vì nể, nên chủ yếu là nhắc nhở. Xu hướng chung của thanh tra giáo dục hiện nay đang là nhắc nhở, uốn nắn, tư vấn, hướng dẫn để làm theo đúng quy định của pháp luật, hơn là áp dụng các quy định của pháp luật vào đối tượng thanh tra. Điều đó cũng phần nào thể hiện tính nhân văn, nhưng rõ ràng, hiệu lực về quản lý Nhà nước không cao.
Thứ ba, do đặc thù của ngành giáo dục nên nội hàm thanh tra hành chính với thanh tra chuyên ngành thường trùng nhau... Thực chất, các hoạt động về chuyên môn nghiệp vụ ở các nhà trường được điều chỉnh bằng các văn bản quy phạm pháp luật. Và văn bản đó cũng là những quá trình điều hành, quản lý hành chính, quản trị nội bộ ở các nhà trường.
Thứ tư, thực tế, mặc dù, đội ngũ thanh tra có ưu đãi như phụ cấp trách nhiệm, được cấp kinh phí trang phục, nhưng ở vị trí này khó tránh được việc va chạm, trong khi, tâm lý của người Việt nhìn chung thường ngại va chạm nên nhiều người mặc dù có đủ năng lực và bản lĩnh, lại không muốn nhận nhiệm vụ”.
Cán bộ thanh tra cần tự trau dồi, bổ sung, cập nhật kiến thức
Từ những khó khăn trong thực tiễn, ông Hoàng Bá Hùng cũng đưa ra một số kiến nghị, đề xuất: “Đội ngũ Thanh tra hiện nay chủ yếu là cán bộ quản lý và giáo viên từ các nhà trường, nên hiểu biết chủ yếu là các văn bản quy phạm về ngành giáo dục. Khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra, phải sử dụng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, như các văn bản nội bộ ngành giáo dục, văn bản về pháp luật thanh tra, phòng chống tham nhũng,...
Vì vậy, những người làm công tác thanh tra cần có hiểu biết sâu về văn bản quy phạm pháp luật đó, nhưng bản thân lại không được đào tạo, tức là không phải tốt nghiệp từ ngành luật ra, chỉ xuất phát là giáo viên. Đó là một trong những bất lợi.
Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh kiểm tra việc thu chi đầu năm tại cơ sở giáo dục. (Ảnh: NVCC). |
Có những vấn đề đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao nhưng nhiều khi đội ngũ thanh tra không có vị trí đáp ứng để thực hiện. Mặc dù trước khi được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra, công chức đều được bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra, song, theo tôi, như vậy là chưa đủ, mà cần tiếp tục bổ sung, cập nhật kiến thức bằng nhiều hình thức khác nhau, bổ túc kiến thức về luật pháp một cách bài bản, tổng thể để đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác thanh tra trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Thứ hai, đối với các cơ quan có thẩm quyền, cần rà soát thường xuyên các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời điều chỉnh để tạo sự đồng bộ và phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, đối với ngành giáo dục, cần ban hành các văn bản quản lý điều hành về chế độ chính sách kịp thời, tạo sự đồng bộ, phân định rõ phạm vi, đối tượng áp dụng, dự liệu được mức độ tác động, ảnh hưởng.
Có thể lấy ví dụ, trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, quy định hoạt động giáo dục bắt buộc là hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, khung thời lượng môn học 3 tiết/tuần, với sự tham gia, phối hợp, liên kết của nhiều lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường như: giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên môn học, cán bộ tư vấn tâm lý học đường, cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cán bộ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cán bộ phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, cán bộ quản lý nhà trường, cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT, giáo viên chủ nhiệm lớp ở cấp tiểu học được giảm 3 tiết/tuần, ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được giảm 4 tiết/tuần.
Vậy cách tính tiết cho giáo viên chủ nhiệm sẽ như thế nào? Giáo viên chủ nhiệm nếu tham gia sẽ được tính thêm tiết hay trừ vào số tiết được giảm?
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai, tuy nhiên, quy định về định mức tiết dạy, hoạt động giáo dục của giáo viên vẫn chưa được thay đổi. Tại thời điểm này, nếu muốn thanh tra, kiểm tra về định mức tiết dạy, định mức hoạt động của giáo viên cũng rất khó!”.
“Thứ ba, cần tăng cường công tác phổ biến và giáo dục pháp luật ở các cơ sở giáo dục, trong đó, chú trọng đối tượng là cán bộ quản lý, giáo viên; các văn bản quy phạm pháp luật về ngành giáo dục cần được phổ biến rộng rãi hơn, để bản thân các đối tượng liên quan chủ động điều chỉnh hành vi, hạn chế sai phạm.
Ví dụ, khi Chính phủ ban hành Nghị định 04/2021/NĐ-CP về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, có những nội dung đã triển khai, phổ biến, nhưng mới đến cấp Sở, Sở đã có văn bản hướng dẫn phổ biến về các cơ sở giáo dục nhưng chưa tập huấn, do đó khi xảy ra vi phạm, cán bộ thanh tra xử lý cũng khó khăn. Bản thân đối tượng thanh tra cũng chưa biết hành vi đó sẽ bị xử phạt.
Nên ngành giáo dục cần đẩy mạnh tuyên truyền để tất cả các cơ sở giáo dục, các cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh các lực lượng tham gia trong ngành giáo dục phải biết được những hành vi không được phép, nếu vi phạm là có thể xử phạt” - vị Chánh Thanh tra Sở nhấn mạnh.
“Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong 3 năm trở lại đây, Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh cũng tiếp nhận một số vụ việc, đều đã được xử lý đúng quy định, quy trình, cơ bản công khai, không có khiếu nại, tố cáo kéo dài.
Hiện nay, tại Hà Tĩnh, có một số vụ việc được phản ánh qua báo chí, chủ yếu là về thu chi đầu năm.
Cũng phải nói rằng, những nội dung báo chí phản ánh là có hiện tượng. Tất nhiên, không phải do chủ trương sai, mà do những người thực hiện có lúc, có nơi do không hiểu bản chất của các quy định nên khi thực hiện chưa đúng, lại có những phát ngôn không chuẩn chỉnh, dẫn đến bức xúc trong dư luận. Khi dư luận phản ánh, báo chí thông tin, Thanh tra Sở luôn kịp thời xác minh, xử lý theo quy định. Mặt khác, qua phản ánh của báo chí mà các cơ sở giáo dục khác rút ra bài học kinh nghiệm để có cách tuyên truyền, tiếp cận phù hợp để phụ huynh, nhân dân tích cực hỗ trợ tinh thần, vật chất, chung tay với ngành giáo dục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của mình” - ông Hoàng Bá Hùng thông tin thêm.