Nguy cơ thanh tra mang tính hình thức vì nhân lực ít nhưng đảm đương nhiều việc

27/09/2022 06:45
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để khắc phục khó khăn, Sở GD Cao Bằng kiến nghị nhiều giải pháp, đặc biệt, mở lớp tập huấn, cung cấp tài liệu kiến thức thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tham mưu khắc phục hạn chế trong thực tiễn thanh tra

Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng có đề cập đến một số khó khăn, vướng mắc của công tác thanh tra, kiểm tra khối Sở Giáo dục và Đào tạo. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng bày tỏ mong muốn được lắng nghe những khó khăn, vướng mắc diễn ra ở cơ sở trong trình thanh tra, kiểm tra cùng những giải pháp, đề xuất.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Hoàng Đàm Thanh - Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng chia sẻ về thực tiễn triển khai công tác thanh, kiểm tra của Sở trong thời gian qua.

Ông Hoàng Đàm Thanh - Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: NVCC).

Ông Hoàng Đàm Thanh - Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: NVCC).

Cụ thể, công tác thanh tra trong năm học vừa qua được ông Hoàng Đàm Thanh thông tin: “Công tác thanh tra năm học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, trực tiếp là Thanh tra Bộ hướng dẫn định hướng nhiệm vụ công tác trọng tâm của thanh tra giáo dục năm học 2021-2022. Các hoạt động của Thanh tra được tạo điều kiện thuận lợi và chỉ đạo sát sao của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra tỉnh Cao Bằng, lãnh đạo ngành; sự phối kết hợp giữa Thanh tra với các phòng chuyên môn; với Thanh tra cấp huyện”.

Theo đó, công tác thanh tra của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng trong năm học 2021-2022 như sau:

Thứ nhất, về xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác thanh tra:

Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu xây dựng Kế hoạch thanh tra, trong đó xác định trọng tâm công tác thanh tra năm học, đảm bảo sát thực tiễn, phù hợp với nhiệm vụ trọng tâm của mỗi bậc học, cấp học trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Kế hoạch đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của công tác thanh tra năm học và nhiệm vụ cụ thể từng thời gian để tiến hành thanh tra phù hợp với nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và phối hợp cao giữa các phòng chức năng, chuyên môn thuộc Sở; Đồng thời, phối hợp với Thanh tra tỉnh, Thanh tra các huyện, thành phố, các phòng giáo dục và đào tạo trong công tác xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2021-2022.

Thanh tra Sở đã thực hiện đúng kế hoạch thanh tra đã đề ra (đạt 100%), bao gồm:

Thanh tra hành chính: 06 cơ sở giáo dục trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo;

Thanh tra chuyên ngành: 05 (01 Phòng Giáo dục và Đào tạo và 04 cơ sở giáo dục);

Thanh tra thi: Thực hiện công tác thanh tra các kỳ thi đúng theo quy chế và quy định hướng dẫn hiện hành.

Qua thanh tra, kiểm tra, giám sát thi không có trường hợp vi phạm quy chế và hướng dẫn thi. Các kỳ thi diễn ra an toàn, đảm bảo an ninh, bảo mật, đúng văn bản quy định hiện hành; Thanh tra đột xuất: Không có.

Về giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo: Trong năm học 2021-2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng đã tiếp nhận 13 đơn (trong đó, có: 01 đơn tố cáo, 02 đơn kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; 05 đơn tố cáo, 02 đơn khiếu nại và 03 đơn kiến nghị, phản ánh không thuộc thẩm quyền giải quyết của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo).

Các đơn đã tiếp nhận đều được phân loại và ghi vào Sổ theo dõi đơn, xử lý theo đúng quy định. Không có đơn thư tồn đọng.

Các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo không nhận được đơn khiếu nại, tố cáo.

Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ sở giáo dục trực trong việc tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua đó kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót của các đơn vị đối với các công tác này.

Đối với công tác kiểm tra, thực hiện kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ đầu năm học tại một số cơ sở giáo dục tại các huyện theo kế hoạch.

Sau các cuộc thanh tra, đã tham mưu với lãnh đạo Sở ban hành Kết luận thanh tra; lưu ý những biện pháp khắc phục những điểm còn hạn chế trong khâu quản lý, chỉ đạo của Sở; đánh giá đúng và có kiến nghị phù hợp, kịp thời đối với các đối tượng được thanh tra.

Thực hiện tốt quy định theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

Hoạt động thanh tra thường xuyên được Giám đốc Sở quan tâm chỉ đạo thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước về thanh tra, giúp Giám đốc Sở trong việc phòng ngừa, hạn chế những bất cập trong công tác quản lý, điều hành, đảm bảo việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của toàn ngành có chất lượng, hiệu quả, nghiêm túc tuân thủ đúng các quy định pháp luật, quy định về chuyên môn, nghiệp vụ,...

Thứ hai, về công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra:

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Thanh tra, Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan cho đội ngũ công chức, viên chức của đơn vị thuộc Sở, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở, Thủ trưởng các Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Đối với công tác tham mưu ban hành văn bản về thanh tra: Trong năm học 2021-2022 , Thanh tra Sở đã trực tiếp tham mưu cho Giám đốc Sở văn bản các loại (Kế hoạch thanh tra năm học 2021-2022; Các Quyết định thanh tra; Kết luận thanh tra; văn bản hướng dẫn về công tác thanh tra, kiểm tra;...). Các văn bản do Thanh tra Sở tham mưu kịp thời, có tính chính xác và tính khả thi cao, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Các cuộc thanh tra đều thực hiện đúng trình tự, thủ tục của pháp luật quy định. Các đối tượng được thanh tra đều chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về thanh tra. Chất lượng các cuộc thanh tra tốt, phản ánh đầy đủ các thông tin cần thiết theo yêu cầu của Giám đốc Sở.

Về thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện quy định về thanh tra:

Công tác tổ chức xây dựng lực lượng đội ngũ thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra: 04/05 công chức Thanh tra Sở đã được bổ nhiệm Thanh tra viên. Số lượng và cơ cấu đội ngũ làm cộng tác viên thanh tra của Sở đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Sở đã tạo điều kiện cử các cán bộ thanh tra chuyên trách đi học, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên, thanh tra viên chính...

Công tác thanh tra giáo dục đã góp phần tích cực trong việc phòng ngừa sai sót, tiêu cực. Trong năm học 2021-2022, toàn ngành giáo dục và đào tạo Cao Bằng không có cơ sở giáo dục vi phạm pháp luật; vi phạm các quy định của ngành.

Qua hoạt động thanh tra, đã kịp thời đưa ra được những kiến nghị điều chỉnh những thiếu sót, hạn chế trong chỉ đạo, thực hiện của cơ quan quản lý giáo dục, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục.

Nguy cơ thanh tra mang tính hình thức, thiếu khách quan

Từ thực tiễn triển khai công tác thanh, kiểm tra, ông Hoàng Đàm Thanh đề cập đến những bất cập, gây khó khăn trong thời gian qua: “Trước hết, do sự phân bố hệ thống các cơ sở giáo dục:

Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới, có địa hình rừng núi phức tạp, khí hậu với 4 mùa phân biệt rõ rệt, giao thông đi lại giữa các huyện, xã trong tỉnh còn tương đối khó khăn, mức thu nhập bình quân đầu người thấp, số hộ thuộc diện nghèo còn chiếm tỉ lệ khá cao; mặt bằng dân trí so với cả nước còn thấp, công tác xã hội hoá giáo dục ở các vùng sâu, xa, xã thuộc diện đặc biệt khó khăn rất hạn chế; do đặc điểm vị trí địa lý của tỉnh miền núi, có huyện cách xa trung tâm tỉnh 180km, giao thông từ trung tâm huyện đến các trường còn khó khăn, khoảng cách từ trường chính tới các phân trường, điểm trường, lớp lẻ xa nhau, ảnh hưởng đến thời gian tác nghiệp, khó khăn cho công tác quản lý và thanh tra...

Hội nghị tập huấn công tác thanh tra thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại Cao Bằng. (Ảnh: NVCC).

Hội nghị tập huấn công tác thanh tra thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại Cao Bằng. (Ảnh: NVCC).

Thứ hai, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường gây ảnh hưởng đến tiến độ công tác thanh tra.

Thứ ba, đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chỉ có 04 người (đến tháng 8/2022 được bổ sung thêm 01 viên chức biệt phái) phải kiêm nhiệm thêm nhiều nội dung công việc: công tác pháp chế; công tác kiểm soát thủ tục hành chính nên mất nhiều thời gian, ảnh hưởng phần nào tới nhiệm vụ công tác thanh tra.

Kế đến, cơ sở vật chất phục vụ công tác thanh tra còn thiếu (kinh phí, phương tiện tác nghiệp). Nguyên nhân do nguồn kinh phí địa phương hạn hẹp, tiết kiệm chi của cơ quan...

Đồng thời, đội ngũ cộng tác viên thanh tra chủ yếu đang thực hiện nhiệm vụ tại các phòng chức năng của Sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo..., trình độ nghiệp vụ thanh tra cũng còn một số hạn chế nên ảnh hưởng tới việc thực hiện kế hoạch thanh tra, chất lượng tác nghiệp. Nguyên nhân do ít được trải nghiệm, học hỏi, trau dồi nghiệp vụ.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn nhận được đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, đặc biệt là đơn khiếu nại, tố cáo vượt cấp do các cơ quan khác chuyển đến. Nguyên nhân là do một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện tốt quy chế dân chủ, không nghiên cứu kỹ các văn bản liên quan đến chế độ, chính sách cho viên chức, người lao động và người học nên thực hiện việc chi trả không đúng theo quy định tại các văn bản hướng dẫn hiện hành dẫn đến xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo. Hoặc, người khiếu nại, tố cáo chưa hiểu biết đầy đủ về pháp luật khiếu nại, tố cáo nên vẫn xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp”.

Mặt khác, Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng cũng cho biết thêm: “Hoạt động giám sát đã giúp cho các Đoàn thanh tra chấp hành tốt hơn quy chế hoạt động Đoàn thanh tra, bảo đảm thực hiện đúng trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra; chấp hành tốt quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức; tăng tính tự giác, ý thức chấp hành kỷ luật của các thành viên Đoàn thanh tra, góp phần phòng ngừa tiêu cực, nhũng nhiễu của thành viên Đoàn thanh tra khi thi hành công vụ.

Tuy nhiên, công tác giám sát Đoàn thanh tra vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như sau:

Theo Quy định tại Thông tư số 06/2021/TT-TTCP thì sau khi thành lập Đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải giám sát Đoàn thanh tra hoặc cử người giám sát. Quá trình áp dụng quy định này trên thực tế đã gặp không ít khó khăn, do số lượng biên chế của các cơ quan thanh tra còn hạn chế, trong khi cùng thời điểm có thể phải tổ chức nhiều Đoàn thanh tra, dẫn đến không có người để giám sát.

Ngoài ra, nếu người giám sát là công chức thanh tra thì việc giám sát Đoàn thanh tra do lãnh đạo cơ quan thanh tra làm Trưởng đoàn thì sẽ chỉ mang tính hình thức. Nếu cử lãnh đạo phòng chuyên môn nghiệp vụ của Sở Giáo dục và Đào tạo giám sát Đoàn thanh tra thì lại ảnh hưởng đến tính khách quan trong việc thanh tra cơ sở giáo dục, vì phòng chuyên môn nghiệp vụ của Sở là đơn vị chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ”.

Cần tăng cường tập huấn, trang bị tài liệu cập nhật với thực tiễn

Sau khi chia sẻ về những khó khăn, bất cập,Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh: “Chúng tôi đề xuất, kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tiếp tục chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiệm vụ thanh tra phù hợp với sự đổi mới kinh tế - xã hội của đất nước.

Đồng thời, chỉ đạo đổi mới công tác bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho cộng tác viên thanh tra về nội dung và hình thức đào tạo phù hợp hơn với xu thế phát triển của xã hội.

Hội thảo chuyên môn ngành giáo dục tại Cao Bằng. (Ảnh: NVCC).

Hội thảo chuyên môn ngành giáo dục tại Cao Bằng. (Ảnh: NVCC).

Tiếp tục tham mưu đến cấp ngành liên quan hoàn thiện các nội dung liên quan đến hệ thống pháp luật (qua thực tiễn phát hiện) tạo sự đồng bộ trong quá trình thực hiện.

Đặc biệt, mở lớp tập huấn, cung cấp tài liệu kiến thức thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo cập nhật với thực tiễn cho các Sở Giáo dục và Đào tạo (do hiện tại công chức thanh tra các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đổi mới nhiều)”.

Ngân Chi