Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gồm 15 thành viên
Sáng 16/6, Tỉnh ủy Bà Rịa Vũng Tàu đã tổ chức hội nghị công bố Quyết định số 507-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gồm 15 thành viên, đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu làm Trưởng ban chỉ đạo |
Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gồm 15 thành viên, đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu làm Trưởng ban chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu làm việc theo Quy định 67-QĐ/TW, ngày 2/6/2022 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Viết Thanh nhấn mạnh việc thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành trực thuộc Trung ương là sự nối dài của Ban chỉ đạo cấp trên, thể hiện sự lãnh đạo thống nhất toàn diện của Đảng.
Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyệt đối chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu. |
Tuyệt đối chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương
Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyệt đối chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ban Chỉ đạo sẽ triển khai, thực hiện quán triệt yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn Đảng bộ tỉnh.
Trưởng Ban Chỉ đạo Phạm Viết Thanh đề nghị các cấp cơ sở đảng phổ biến tuyên truyền đầy đủ các quy định trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để cán bộ, đảng viên và nhân dân biết, ý thức chấp hành nhằm ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai một cách đầy đủ công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực trong tất cả các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm như: Đất đai, đầu tư công, mua sắm sử dụng nguồn ngân sách nhà nước... nhằm giúp cán bộ, đảng viên có nhận thức đúng và hiểu rõ hơn chức trách, nhiệm vụ, góp phần nâng cao uy tín của Đảng trước nhân dân.