Lễ bế mạc phiên khảo sát chính thức kiểm định chất lượng 5 chương trình đào tạo tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã diễn ra vào ngày 3/10.
Tham dự chương trình, về phía đoàn đánh giá ngoài có: Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức - Trưởng đoàn; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Toàn – Phó Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Quốc gia Hà Nội, Thành viên thường trực; Tiến sĩ Hoàng Thị Xuân Hoa – Thư ký đoàn; Thạc sĩ Nguyễn Hòa Huy – Giám sát viên cùng 9 thành viên.
Ngoài ra, buổi lễ còn có sự tham dự của Tiến sĩ Tạ Thị Thu Hiền – Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng Đại học Quốc gia Hà Nội bằng hình thức trực tuyến.
Về phía Trường Đại học Nguyễn Tất Thành có Tiến sĩ Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Nhà trường; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Hồng – Phó hiệu trưởng; Tiến sĩ Hoàng Hữu Dũng – Phó hiệu trưởng; Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh – Phó hiệu trưởng cùng sự có mặt của các Thầy/cô là đại diện các khoa có ngành tham gia đánh giá, các phòng ban, viện, trung tâm liên quan.
Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức, đánh giá cao các kết quả thực hiện khảo sát tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. |
Báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát, Trưởng đoàn đánh giá ngoài - Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức, đánh giá cao các kết quả thực hiện khảo sát tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
Trong đó, nhiều điểm mạnh đã được đoàn đánh giá ngoài nêu rõ như: Có bộ công cụ quản trị chất lượng tích hợp theo cách riêng từ các tiêu chuẩn MOET - QA, AUN - QA, QS - Stars, UPM;
Bắt đầu thử nghiệm đánh giá mức độ chuẩn đầu ra sử dụng tiếp cận Hoa Kỳ; Học liệu của các chương trình đào tạo được sắp xếp theo chương trình đào tạo trong thư viện rất dễ quản lý và tìm kiếm;
Cơ sở vật chất và một số trang thiết bị phục vụ dạy học hiện đại; Đặc biệt là tinh thần khởi nghiệp và hỗ trợ sinh viên được quan tâm, nhiều môn học về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, năng lực số đã được Nhà trường cập nhật …
Trong đó, Giáo sư Đức nhấn mạnh việc Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã phát huy được “output ấn tượng” với sự có mặt hàng loạt trong các bảng xếp hạng quốc tế hay được các tổ chức kiểm định có uy tín trong và ngoài nước đánh giá, gắn sao.
Bên cạnh đó, Giáo sư Đức cũng chỉ rõ 3 điểm thách thức mà Nhà trường phải đối mặt trong thời gian tới: Một là, quản trị quy mô lớn với sự cộng hưởng chính sách cho toàn hệ thống các phòng ban, khoa, trung tâm; Hai là, năng lực thực thi hệ thống với việc triển khai các thông tin từ hệ thống quản trị cấp trung; Ba là, tính chuyên nghiệp trong khoa học giáo dục, khoa học phát triển chương trình đào tạo.
Ngoài ra, Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức đã thay mặt đoàn đánh giá ngoài đưa ra các khuyến nghị ở 6 điểm gồm: Chương trình đào tạo, giảng viên, cán bộ phục vụ, hỗ trợ sinh viên, chuyển đổi số và cải tiến chất lượng.
Kết quả đánh giá sơ bộ cho thấy, 5 chương trình đào tạo gồm Đông Phương học, Quản lý tài nguyên và môi trường, Thiết kế nội thất, Thanh nhạc và Y học dự phòng đều đáp ứng yêu cầu của 11 tiêu chí với nhiều tiêu chí được đánh giá cao như: Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên; Cơ sở vật chất và trang thiết bị; Người học và hoạt động hỗ trợ người học...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Toàn – Phó Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu. |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Toàn – Phó Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Quốc gia Hà Nội, Thành viên thường trực cho rằng, 3 yếu tố nền tảng quan trọng để phát triển Trường Đại học Nguyễn Tất Thành là chiến lược phát triển, nguồn lực phát triển, quản trị hiệu quả các nguồn lực và phát huy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong tổ chức.
“Đây chính là thời điểm mà Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cần chủ động và thích ứng có hiệu quả để khai thác tiềm lực cho phát triển” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Toàn khẳng định.
Trong 5 ngày làm việc từ ngày 29/9/2023 đến ngày 3/10/2023, bên cạnh việc khảo sát cơ sở vật chất, nghiên cứu minh chứng, đoàn đánh giá ngoài đã thực hiện phỏng vấn 6 nhóm đối tượng với hơn 310 người tham gia phỏng vấn, khảo sát. Ngoài ra, đoàn đánh giá ngoài còn nhận được hơn 430 phiếu trả lời ý kiến của các nhóm đối tượng, đặc biệt có hơn 180 cựu sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tham gia trả lời phỏng vấn, khảo sát thông tin.
5 chương trình đào tạo tham gia kiểm định lần này có đến 3 chương trình đào tạo mang tính đặc thù là Y học dự phòng, Thanh nhạc và Thiết kế nội thất. Đặc biệt, Y học dự phòng và Thanh nhạc là 2 chương trình đào tạo đầu tiên tại Việt Nam tham gia kiểm định chất lượng theo Thông tư 04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tiến sĩ Tạ Thị Thu Hiền – Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng Đại học Quốc gia Hà Nội tham dự buổi lễ bằng hình thức trực tuyến. |
Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng Đại học Quốc gia Hà Nội – Tiến sĩ Tạ Thị Thu Hiền cho biết, với 5 chương trình đào tạo tham gia kiểm định đợt này, trong đó có 2 chương trình lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện kiểm định đã thể hiện được tính dẫn dắt, tinh thần chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học, mà ở đây là Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
Tiến sĩ Tạ Thị Thu Hiền cho biết thêm, để thực hiện kiểm định các chương trình đào tạo tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, đặc biệt là các chương trình đào tạo đặc thù, Trung tâm kiểm định chất lượng Đại học Quốc gia Hà Nội đã đối sánh với các dự án, soi chiếu với các cơ sở dữ liệu kiểm định chất lượng của 924 chương trình đào tạo đạt chuẩn.
Đồng thời sử dụng 7 nguyên tắc kiểm định chất lượng giáo dục, đặc biệt 6 phương thức đã sử dụng không chỉ soi chiếu với bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà còn dựa trên các tiêu chuẩn tiên tiến, đối sánh với các tổ chức kiểm định trong nước và quốc tế.
Trong khuôn khổ chương trình, Đoàn đánh giá ngoài, Trung tâm kiểm định chất lượng Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã ký biên bản hoàn thành đợt khảo sát chính thức 5 chương trình đào tạo: Đông Phương học, Quản lý tài nguyên và môi trường, Thiết kế nội thất, Thanh nhạc và Y học dự phòng theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo được ban hành tại Thông tư 04/2016/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kết quả chính thức sẽ được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Quốc gia Hà Nội công bố sau khi hoàn tất tất cả các quy trình.
Tiến sĩ Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành |
Thay mặt Hội đồng Trường, Ban giám hiệu, Tiến sĩ Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã gửi lời cảm ơn đến đoàn đánh giá ngoài vì đã thực hiện đánh giá 5 chương trình đào tạo tại Trường một cách công tâm, hiệu quả, đồng thời đưa ra nhiều ý kiến hỗ trợ Nhà trường những mặt đã làm được và chưa làm được.
Tiến sĩ Trần Ái Cầm cho biết, thực hiện công tác đổi mới giáo dục đặt ra thách thức lớn, đặc biệt là đối mới một có sở giáo dục đại học ngoài công lập như Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, chính vì thế các khuyến nghị mà đoàn đánh giá đưa ra sẽ được Trường Đại học Nguyễn Tất Thành thực hiện không chỉ 5 chương trình đào tạo mà còn triển khai tổng thể cho các chương trình đào tạo tại Trường.
Tính đến thời điểm hiện tại, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã hoàn thành công tác kiểm định chất lượng 24 chương trình đào tạo, trong đó 18 chương trình đạt chuẩn theo Thông tư 04, 8 chương trình đào tạo đạt chuẩn AUN-QA.
Đạt lần 2 kiểm định cấp cơ sở theo TT 12/2017 với tỷ lệ 97%; Đạt 4 sao theo QS; 5 sao theo Hệ thống đối sánh UPM Trường theo định hướng ứng dụng, 8 chương trình đào tạo đạt gắn sao theo UPM.
Những thành tựu đã đạt được chính là sự cố gắng, nỗ lực, đoàn kết của tập thể cán bộ nhân viên giảng viên của Nhà trường trong việc lấy chất lượng là nền tảng của các hoạt động, cũng là cơ sở để tập thể Nhà trường tiếp tục thực hiện sứ mạng này.
Thay mặt 5 chương trình đào tạo phát biểu tại chương trình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạnh Nguyên – Trưởng khoa Kiến trúc – Nội thất – Mỹ thuật ứng dụng đã gửi lời cảm ơn chân thành đến đoàn đánh giá ngoài, Ban giám hiệu và đội ngũ sư phạm Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Đồng thời, Phó Giáo sư Nguyễn Thị Hạnh Nguyên cho biết, thông qua việc kiểm định chương trình đào tạo đã mang đến một cái nhìn toàn diện về các tiêu chuẩn, tiêu chí, đồng thời nhìn nhận rõ những mặt đã làm được, chưa làm được đối với chương trình đào tạo đã được triển khai thực hiện.