Thầy cô giáo thực tập hãy cẩn thận với các chiêu trò của học sinh

05/02/2020 06:41
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Một số học trò chưa ngoan, nghịch ngợm bày ra đủ chiêu trò để "hành", "làm khổ" các giáo sinh, nhất là nữ giáo sinh.

Sau Tết Nguyên đán, có sự hiện hiện của các giáo sinh thực tập ở lớp, trường mình, các cô, cậu học trò, nhất là bậc Trung học phổ thông vui mừng, hớn hở lắm.

Vì họ mới lạ, trẻ trung (hơn học sinh lớp 11, lớp 12 có 6, 7 tuổi) khác hẳn với các thầy, cô giáo quen thuộc, già cả ở trường, lớp.

Các tập thể lớp, học sinh sẵn sàng hợp tác, ủng hộ, giúp đỡ thầy, cô giáo sinh hoàn thành nhiệm vụ của đợt thực tập chủ nhiệm và giảng dạy.

Biết các thầy cô giáo sinh còn lúng túng, non nớt, dễ bị tâm lý, run sợ mỗi khi lên lớp, có giáo viên hướng dẫn dự giờ, đánh giá ngồi ở bên dưới nên các em thường tập trung hơn, giơ tay phát biểu, làm bài tập nhiệt tình, sôi nổi hơn hẳn những tiết dạy của các giáo viên tại trường.

Các lớp chủ nhiệm cũng thế, các em rất sốt sắng, hăng hái tham gia các hoạt động, phong trào, hội thi do nhà trường tổ chức mỗi khi có giáo sinh về thực tập.

Qua quan sát, nhiều thầy cô giáo nhận xét, một số tập thể lớp và học sinh có những chuyển biến tích cực về thái độ, ý thức học tập và rèn luyện trong và sau có các giáo sinh đến thực tập.

Khi về các trường phổ thông thực tập, các giáo sinh cần chuẩn bị các kỹ năng sư phạm cơ bản để ứng xử tốt với học sinh. (Ảnh minh họa: Thegioitre.vn)
Khi về các trường phổ thông thực tập, các giáo sinh cần chuẩn bị các kỹ năng sư phạm cơ bản để ứng xử tốt với học sinh. (Ảnh minh họa: Thegioitre.vn)

Có thể nói, thực tập sư phạm như một làn gió mát lành, tươi mới phả vào nhà trường làm cho mọi hoạt động của thầy và trò thêm phần khí thế, sôi động, đa màu sắc.         

Bên cạnh cái được ấy, một số học trò chưa ngoan, nghịch ngợm bày ra đủ chiêu trò để "hành", "làm khổ" các giáo sinh, nhất là nữ giáo sinh.

Năm trước, có một nữ giáo sinh thực tập mạnh dạn phản ánh với Ban giám hiệu chúng tôi:

"Thưa thầy, một số em học sinh lớp 12 ở khu vực, dãy phòng đó hay trêu chọc chúng em mỗi khi đi ngang qua dãy phòng học đó. Mấy em nam ấy gọi:“Ê, em gì đó, xinh quá, cho anh nắm cái tay tí nào.”

Chúng em cố lặng thinh, coi như không hay biết gì, tiếp tục bước đi, thì mấy em ấy lại càng gọi to. Hôm sau, cũng dãy phòng học đó, chúng em còn bị ném giấy , phấn vào đầu nhưng rất may không bị sao cả.”

Chỉ đến khi ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm lớp 12 ấy xử lý, nhắc nhở cách nói năng và hành vi không đúng mực của mấy em nam lớp 12 đối với các giáo sinh nữ thì hiện tượng trêu chọc đó mới chấm dứt.

Thầy Đỗ Tấn Ngọc kể chuyện thực tập của mình 25 năm trước
Thầy Đỗ Tấn Ngọc kể chuyện thực tập của mình 25 năm trước

Có hai học sinh lớp 8, một trường trung học cơ sở ở huyện S. từng bị nhà trường phê bình, xếp hạnh kiếm yếu của tháng 3 vì “tội” cố tình cột tà áo dài của cô giáo thực tập vào chân ghế và “tội” để ngang chân giữa lối đi phòng học, gạt ngã cô giáo khi đi lên xuống giảng dạy tiết ở trên lớp.

Có thầy cô thực tập bị coi là quá khó tính, thiếu thiện cảm với một số học sinh cá biệt, chưa ngoan nên các em không hợp tác, thậm chí đến tiết dạy của thầy cô thực tập gây khó dễ, nói chuyện rào rào, mất trật tự, hỏi chẳng thèm trả lời, nói câu gọn trơn: "Em không biết".

Nếu thầy cô giáo sinh quá dễ dãi, hay “chiều” học trò thì một số tập thể, học sinh “vẽ” thầy cô phải chiêu đãi mỗi khi làm xong một việc, hoạt động nào đó.

Chưa hết, các em tụ tập, lên kế hoạch rủ rê thầy cô đi chơi, liên hoan, tắm biển… khi mà chưa được phép của nhà trường và phụ huynh. Đúng là “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba là học trò”.

Cho nên, khi về các trường phổ thông thực tập, các giáo sinh cần chuẩn bị các kỹ năng sư phạm cơ bản để ứng xử tốt với học sinh, không để học sinh lôi cuốn mình theo, không để xảy ra bất cứ sự việc đáng tiếc nào xảy ra giữa mình với các em học trò trong mấy tháng thực tập.

SÔNG TRÀ