Thay đổi giờ học: Những "người trong cuộc" phản ứng dữ dội

03/02/2012 08:54
Độc giả Hà Ngọc Thảo/VNE
Sao lại thay đổi giờ học của chúng cháu? Các bác làm thế khác nào bảo chính bọn cháu gây ra việc ách tắc giao thông cho xã hội này?

Cháu là một học sinh của trường THPT Chu Văn An ạ!

Mấy hôm nay cháu nằm vắt trán suy nghĩ mệt cả người vì không biết Hà Nội sẽ thay đổi múi giờ như thế nào, cháu chưa được đi nước ngoài bao giờ nên không biết thay đổi có sao không?

Tự dưng ngẫm lại chuyện Táo Quân ở đoạn đầu, Bắc Đẩu có bảo với anh Nam Tào là bây giờ đã lùi sớm lại một tiếng lên Thiên Đình các táo phải tới sớm hơn và anh Nam Tào đã nói: "ÔI DỜI, CÒN LÂU MỚI THỰC HIỆN" đã chạm phải lòng tự ái của các vị BIỂN XANH mà ra một quyết định bất ngờ và nhanh đến như vậy...

Thay đổi giờ học khiến cho nhiều các em học sinh phải dậy đi học sớm hơn mọi khi
Thay đổi giờ học khiến cho nhiều các em học sinh phải dậy đi học sớm hơn mọi khi

Chưa nói đến chuyện thay đổi giờ làm, cháu có nhớ trước Nhà nước ta làm việc rất cẩn thận như việc dự định không thi đại học nữa. Đã cho các tỉnh lân cận cạnh Hà Nội thử nghiệm và đã thấy được có khá nhiều bất cập và thiếu sót để Nhà nước ta có thể điều chỉnh và hoàn thiện nó một cách đúng đắn hơn. Hay như đội mũ bảo hiểm trong nội thành cũng không vội như quyết định này, cháu nhớ không nhầm thì thông báo đó trước lúc đưa vào thành luật pháp cũng phải mấy tháng đến gần một năm ...

Cháu năm nay đã lớp 12 rồi, có vẻ nói hơi tiêu cực một tí nhưng sự thật là cháu có khá nhiều ca học thêm và nó toàn xảy ra vào các buổi tối. Nói rõ hơn là thế này, các thầy cô dạy thêm chúng cháu là giáo viên của các trường THPT và ĐH nên không thể dạy thêm vào ban ngày được. Việc học tập ở Việt Nam đã khá áp lực rồi, bây giờ lại càng áp lực hơn...

Nhớ lại những lúc tắc đường ngột ngạt miệng bịt khẩu trang, hơi thở làm mờ hết cả kính sau lưng mẹ... cháu nhìn xung quanh cháu mà nói thật học sinh như cháu ít lắm, toàn các bác công chức nhà nước, có học sinh thì là ngồi sau lưng cha mẹ. Vậy nếu giờ công chức nhà nước vẫn giữ nguyên giờ làm, thiếu đi một người trên xe thì chiếc xe đó có bé được đi không ạ, đường có rộng được ra không ạ?

Các bậc phụ huynh hơi lúng túng trong việc thay đổi giờ học của con em mình
Các bậc phụ huynh hơi lúng túng trong việc thay đổi giờ học của con em mình


Xe buýt dường như là phương tiện đi lại 100% của cháu. Bây giờ các bác bảo tăng chuyến xe buýt lên vì thay đổi giờ làm việc mới thì cháu lại hết sạch ý định đi xe buýt nữa, nhà cháu thì ở khá xa, nhà cháu ở khu chung cư Trung Hòa Nhân Chính so với trường Chu Văn An (phải đi 3 xe nếu muốn đến nơi ạ). Mẹ cháu đang tính mua cho cháu một chiếc xe máy cho tiện di chuyển, vì cháu còn học thêm nữa ạ.

Tình trạng đi xe trái phép lại tăng lên, con cái đi xe là lại quản lí khó hơn… Những trường hợp cha mẹ không có thời gian đón con như các báo mạng, báo giấy viết khác thì mình không nói nữa, nói nhiều rồi. Bây giờ như thế, lại đi xe ôm thời gian dài tiền đâu cho đủ, giá xăng lại rục rịch đấy, lại mua cho cái xe có khi còn tiết kiệm hơn.

Phương tiện giao thông đã được đề cập đến nhiều nhất vì mọi người nghĩ khá nhiều đến cái sự tắc đường, nhưng đề cập đến cả vấn đề kinh tế như trên chắc hẳn ai cũng phải suy nghĩ, mình chưa kiếm được tiền nên có thể chưa suy nghĩ nhưng bố mẹ lại thêm cái nặng đầu: Bây giờ ở trường muộn thế lại phải ăn luôn ở trường, cho con thêm ít tiền để có sức mà học vậy…

Vậy cái sức trẻ trâu của chúng cháu bây giờ sẽ phụ thuộc vào các bữa ăn ven đường hay căng tin trường mà thấy có cơ hội là tăng giá ngay. Một hay hai ngày thì bình thường, còn thời gian dài thì sẽ thế nào, cũng đỡ nước rửa bát được đấy.. Chắc bố mẹ chỉ đợi đến cuối tuần để thấy con ăn cơm tối với gia đình mất.

Từ một vấn đề giao thông bây giờ lo cả thêm vấn đề sinh hoạt, sức khỏe, kinh tế, quản lí, giáo dục... Vậy liệu các bác BIỂN XANH đã nghĩ kỹ chưa khi nhanh chóng thực hiện quyết định này?

Năm sau cháu trượt đại học cháu phải học tại chức buổi tối thì biết thế nào đây? Lại phải lùi 2 tiếng so với hiện tại... Vấn đề giao thông chưa biết thế nào nhưng những hậu quả để lại thì cháu đã nhìn thấy rõ.

Cho cháu hỏi: Sao lại thay đổi giờ học bọn cháu? Các bác làm thế khác nào bảo chính bọn cháu gây ra việc ách tắc giao thông cho xã hội này?

                                          Phản ứng đồng loạt

Không ổn: Độc giả có ý kiến: may mà thành phố HCM chưa thực hiện phương án này.tôi cũng ko đồng ý mang trẻ con ra làm thí nghiệm như thế này.con tôi tan học lúc 4h30 10 phút thì về đến nhà nghỉ ngơi ăn uống xong là 7h ,học bài xong 9h là xem TV .Muốn tránh nạn kẹt xe thì có thể bắt buộc đang cư trú tại đâu thì phải cho con mình học đúng tuyến ,vừa đỡ công đi lại vừa tránh kẹt xe .mà nói thật kẹt xe đâu phải do trẻ con đi học đâu mà hành hạ chúng nó thế.

Đừng nên trách móc nữa: các bạn nên ủng hộ phương pháp của bộ trưởng đi. hãy nghĩ mình vì mọi người! Bạn cho hay.

Tắc hơn: Độc giả Trần Chung: Tôi thấy còn tắc hơn khi chưa thay đổi giờ.

Hay quá: Đồng quan điểm với bạn Trần Chung, độc giả Nguyễn Thị Thu Hồng nói: Cháu nói đúng quá, ước gì các vị lãnh đạo ngồi lại mà xem, ước gì các vị có con và cháu đi học giờ này thì mới thấy khổ.

Hệ lụy kéo theo: Bài viết hay. Một hệ lụy của xã hội đổ lên đầu các cháu học sinh. Việc thay đổi giờ học kéo dài đến 19h khiến học sinh phải học trong ánh sáng đèn, nếu ánh sáng không đủ sẽ làm cho các cháu dễ bị hỏng mắt nhiều lên, ngoài ra nhà trường phải trả thêm tiền điện hàng tháng, tiền này phụ huynh lại chịu. Không thấy Ông Điện lực lên tiếng nhỉ. Độc giả cho biết.

bài viết rất hay đấy chứ: mặc dù ko phải người dân HN nhưng đọc bài viết của em tôi thấy em có những suy nghĩ hết sức đúng. Đúng thật là đề ra giải pháp vì...không còn giải pháp. Mong rằng các nhà chức trách sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn nữa trước những thay đổi gấp gáp làm thay đổi cả 1 hệ thống. Có thể khẳng định việc đổi giờ làm sẽ chỉ là biện pháp trước mắt và không thể có hiệu quả tích cực đối với người dân như việc bắt buộc đội mũ BH. Mà có thể sẽ còn gây nhiều tác động tiêu cực hơn như bố mẹ, gia đình sẽ khó quản lý được con cái,... Độc giả khẳng định.

Đường vẫn tắc như thường
Đường vẫn tắc như thường

Đóng góp là việc của toàn xã hội

Đã có ai nêu câu hỏi là tại sao mọi người toàn chọn trường xa để đưa con em đi học chưa? Đã có ai nghĩ tới chính việc tập trung chọn trường cho con em mình làm lệch lạc hệ thống các trường chưa? Đã có ai nghĩ tới chính từng lợi ích cá nhân vì muốn đưa con em mình tới trường tốt đã làm cho giao thông xã hội quá tải chưa? Nếu bạn không muốn đau đầu vì đưa con đi học xa, hãy chọn cho con mình trường gần mà học. Chính quyền đã sắp xếp 1 hệ thống trường học tương đối đầy đủ mà. Hơn nữa, sau 1 thời gian, chất lượng trường gần sẽ tăng dần lên, và cả xã hội sẽ hưởng lợi từ việc thay đổi này. Một ý kiến nữa, chính quyền đã rất có lý khi chọn nhóm học sinh cấp III để điều chỉnh giờ học rồi. Học sinh cấp III là có thể tự đi xe bus, xe đạp được rồi. Lý do gì mà các bạn cứ than phiền nhỉ. Tại sao học sinh cấp III đã có thể yêu đương được, đánh nhau được, mà không thể tự đi tới trường được. Đấy là do nhận thức, chứ đâu phải do tâm sinh lý chưa phát triển để có thể tự đi được. Bàn tính chuyện xã hội, mà cứ toàn đem lợi ích cá nhân ra để điều chỉnh thì ....

Tôi ủng hộ những ý tưởng đột phá để thay đổi thói quen của xã hội. Xã hội đang phản ứng thái quá với những sự thay đổi, và lãng quên đi những lợi ích dài hạn mà thay đổi mang lại. Chúng ta không thể chấp nhận sống chung với những sai lầm, với thói quen xấu mãi được. Nếu ngày hôm nay không sửa, thì đợi tới khi nào sẽ sửa được. Gần đây, tôi thấy xã hội Việt Nam có nhiều ý tưởng tốt đẹp, như đội nón bảo hiểm, dẹp bỏ lòng lề đường, cấm uống rượu bia khi điều khiển phương tiện, thu phí giao thông vào trung tâm thành phố, hạn chế xe cá nhân, nhưng khi triển khai thì đều vướng, vì không cá nhân nào muốn từ bỏ các lợi ích. Hình như, với nhiều người Việt Nam, bài học đạo đức là để dành cho người khác.

 

Đã ở thành phố thì phải chấp nhận!

Giả sử một nhà có 5 người như sau: 01 tiểu học, 01 PTTH, 01 Cán bộ công chức, 01 doanh nhân, 01 người về hưu. Hiện thành phố thay đổi giờ và cháu PTTH gào lên, thành phố thay đổi vào đ/c Cán bộ công chức thì đ/c CBCC gào lên, TP thay đổi vào tiểu học thì tiểu học gào lên, ... Nói chung kiểu gì cũng phải có 01 người bị ảnh hưởng, chả nhẽ có người nào gào lên thì phải thay đổi à. Mà có phải một người ở mãi cái vị trí đó đâu, tiểu học rồi sẽ thành PTTH rồi thành CBCC hoặc doanh nhân rồi về hưu. Hãy chấp nhận nếu mình đã ở trong môi trường như thế. Xã hội sẽ tự sàng lọc những người không thể thích nghi.

 

Người dân sẽ mua thêm xe

Được biết Hà Nội đổi giờ học,... lý do cho rằng giảm ùn tắc giao thông. Tôi nghĩ vấn đề giải quyết ùn tắt giao thông thì chưa biết ra sao, nhưng tôi tin chắc nhiều phụ huynh sẽ mua thêm xe cho Con họ vì làm sao họ có thể sắp xếp thời gian để đưa con đến trường được trong khi giờ làm và giờ học chéo nhau. Tiếp theo người Việt Nam ta luôn có phong tục cả gia đình ăn cơm chung với nhau, trong buổi cơm họ có thể trao đổi hoặc dạy con họ, bây giờ muốn gặp nhau chắc phải chờ đến cuối tuần, nếu gia đình nào có con đang có dấu hiệu xao lẵng việc học, tụ tập thì khó mà kiểm soát được. Và chắc hẳn xã hội sẽ thêm nhiều gánh nặng mới. Một số vị cho rằng cuộc sống của họ không bị ảnh hưởng, câu trả lời ấy tôi cho rằng thiếu sự quan tâm đến người khác, những người làm việc công chức có con nhỏ....

 

nên điều chỉnh giờ giấc lại như cũ

Giờ giấc thay đổi làm xáo trộn nhiều mặt hoạt động của học sinh. tôi nghĩ nhà chức trách nên xem xét lại vấn đề này.

 

các cháu cứ yên tâm học nhé

Lập thêm các trường thiếu sinh quân, bỏ hết PTTH, THCS và tiểu học đi. Cả tuần các cháu về thăm nhà 1 lần vào chủ nhật, thứ 7 các cháu đi học thêm. Đấy là giải quyết chuyện ăn ở học. Còn tắc đường đâu phải do các cháu. Do đó chuyện đổi giờ học của các cháu chả liên quan đến chuyện đổi giờ làm đâu, nó liên quan đến chuyện khác mà chỉ các bác "Biển xanh" biết thôi cháu nhé, cháu yên tâm đi.

 

Kết quả gặt hái của thay đổi giờ học

Việc thay đổi giờ học của các cháu lại là một gánh nặng tài chính cho gia đình trong thời buổi bão giá hiện nay. Các cháu không phải là các thiên thần trên thiên đàng, các cháu là thiên thần hiện hữu trong các gia đình, các cháu vẫn cần phải ăn để học, ăn để lớn trở thành thế hệ kế cận trong tương lai. Vậy gia đình lại phải hàng ngày "tăng ca" tiền ăn cho các cháu khi thay đổi giờ học. Tiền đó có được lấy từ thu nhập của các bậc ra quyết định thay đổi giờ học của các cháu không? Và còn thời gian đâu cho các bạn nữ sinh có thời gian học nữ công gia chánh nhỉ. Ước gì thế giới chỉ có một giới tính để các bạn nữ khỏi bị chạnh lòng cho thiên chức nội tướng trong gia đình sau này

 

đổi giờ làm cơ quan hành chính và sinh viên

Cơ quan hành chính là để phục vụ dân nên lùi giờ về của các cơ quan này để thuận tiện cho dân đến làm việc, và cơ quan này cũng nên nghỉ ngày thứ 2 và thứ 3 đi làm thứ 7 và chủ nhật thuận tiện cho dân dến làm việc mà không phải nghỉ làm. Đổi giờ học nên là của sinh viên vì sinh viên tự di chuyển bằngng xe buýt hoặc tự lái xe, rồi thì từ từ chuyển tất cả trường đại học ra ngoại thành

 

Đồng ý với ý kiến bạn Việt

Mình hoàn toàn đồng ý với quan điểm của bạn này , xin trích lời :" tôi thấy tác giả chỉ nghĩ 1 chiều mà ko nghĩ nhiều chiều. Cả đất nước phải đáp ứng nhu cầu chung, nhu cầu riêng ko đáp ứng hoặc đáp ứng đặc biệt khi đất nước có nhiều phúc lợi hơn. Việc con cái đi học lớn rổi phải tự túc lo bản thân. Đã học chính rồi sao lại phải học thêm ? Bản thân không đủ tự lực học hay sao phải cần đến thầy cô dạy thêm. mà việc học thêm là việc cá nhân, nhu cầu anh cần thì anh phải tự thu xếp để có giờ mà học, còn việc công thì cứ theo chủ trương." KO phải cái gì làm bộp cái là được, như cái vụ đội mũ bảo hiểm, cũng có những ý kiến trái triều các kiểu, làm mạnh tay và lâu dần hẵng thấy tác dụng thực sự của nó! Mới thực hiện việc đổi giờ làm có 1, 2 ngày mà đã kêu ca rằng chưa có tác dụng, thói quen thì phải dần dần, lâu lâu mọi người có thói quen mới sẽ thấy đc tac dụng bớt ùn tắc giao thông của nó chứ! Mọi người hãy chấp hành nghiêm chỉnh, nếu một thời gian nữa (đủ để mọi ngươi thay đổi thói quen làm việc vào khung giờ mới) mà ko có tác dụng thì hãy bỏ, còn có tác dụng thì hãy tiếp tục. Chưa gì mà một số người đã kêu ầm trời lên rồi

 

Biết hay không?

Chuyện giao thông cũ mà mới, mới lại mà cũ, đến nỗi xem ra Táo giao thông cũng kêu với ngọc hoàng theo kiểu kệ tôi cần gì!. Nguyên nhân chính và chủ yếu của vấn nạn giao thông là: 1. Ý thức tham gia giao thông và tuân thủ luật của người dân quá kém. Nên chúng ta thấy văn hoá nhường nhau đợi đến lượt ở việt nam ta là một cái gì đó quá xa xỉ. 2. Cơ sở hạ tầng còn thiếu đồng bộ. 3. Địa chính và mật độ tập trung dân số. Vậy yếu tố 2 và 3 chúng ta đang làm tích cực, nhưng đó là yếu tố không xong ngay được. Cần triển khai tiếp. Còn yếu tố 1 là yếu tố tiên quyết. Mà muốn làm được yếu tố này đừng phí tiền vào việc áp đặt hay chờ sự tự nguyện của người dân. Sinh ra luật để làm gì, luật để xã hội trở nên quy củ và trật tự, mà muốn người dân nhớ luật và làm theo luật là phải tăng cường giám sát và xử phạt. Xin hãy mạnh tay giám sát và xử phạt các hành vi vi phạm giao thông. Phạt thật nặng, nhớ ngay thôi mà không nhớ thì chả ai điên mà cứ mất tiền hoài vào việc nộp phạt!

 

Không hợp lý

Tôi đang ở nước ngoài, và tôi chưa ở đây họ điều chỉnh giờ học của trẻ con đến 7h tối!!! Chỉ đến 6h là cùng. Tôi thấy, điều chỉnh giờ đến 7h là bất hợp lý, nhất là ở VN. Dù có học thêm hay không học thêm, việc kết thúc giờ học như vậy sẽ ảnh hưởng đến thời gian ăn và nghỉ ngơi của các cháu. Chưa kể về nhà đường tối, không an toàn cho các cháu, nhất là bé gái.
Và đúng là theo như sinh hoạt ở VN thì kết thúc giờ học lúc này, các cháu sẽ không có bữa ăn tối cùng gia đình. Còn nói đến chuyện học thêm, nhà nước đẩy giờ học của các cháu muộn đi thì những người tổ chức dạy thêm cũng sẽ biết đường đổi giờ lớp học thêm lên sớm hơn, tức là trưóc giờ học chính của các cháu! Tôi nghĩ, đâu lại hoàn đấy!
Giờ học buổi sáng sớm hơn, nếu vào mùa đông thì thật sự sẽ rất vất vả cho trẻ con cấp 1... Phải dậy từ tờ mờ sáng...
Tôi không có đủ trình độ để nghĩ ra đề xuất nào khác nhằm khắc phục giao thông, nhưng thấy rằng thay đổi giờ học của các cháu thì không hợp lý...

 

Cần phải có lộ trình

Gửi tòa soạn, Hiện này mình đang học tập tại nước ngoài nhưng cũng rất quan tâm đến tình hình xã hội tại VN. Mình thiết nghĩ cái gì cũng cần phải có lộ trình, phải có cái gọi là chuẩn bị tâm lý cho người dân, phải để họ thích nghi 1 cách từ từ chứ ko thể bụp 1 cái bắt đổi là đổi được ngay. Đúng như các bác Biển xanh nói ở nước ngoài đổi h rất phổ biến, ở nước mình đang học, học sinh PTTH học đến 7h tối, thậm chí với các em chuẩn bị thi đại học còn học đến 10-11h mới về nhà nhưng vì sao họ làm đc. 1. Về vấn đến sinh hoạt: trong các trường như vậy đều có 1 nhà ăn tập thể dưới sự quản lý của nhà trường để các em có thể ăn trưa, ăn tối và quan trọng hơn là đảm bảo dinh dưỡng và các bữa ăn đầy đủ ( như vậy sẽ ko có tình trạng phụ huynh học sinh sợ con em mình đói vì về quá muộn ) 2. Cần phải có các phòng như phòng sinh hoạt chung để các em trống tiết có thể chơi thể thao hay đơn giản là ngối học bài ( bù vào thời gian học bài ở nhà ) 3 Thiết lập các tuyến xe bus của trường đưa đón học sinh về sau h học muộn ( xe bus chuyên dụng để đưa đón học sinh )> Đây là cách làm ở nước mình đang học tập. Không biết các bác Biển Xanh đã học hỏi thế nào ??? nhưng hình như các bác chứ tính đến những phương án này.

 

Mong các nhà chức trách đọc bài này

Bài viết rất hay, hợp tình hợp lý. Mong sao các quan chức cũng đọc được bài này.

 

Tai sao phai hoc them

Bài này chẳng phải đứa trẻ học lớp 12 viết mà là người lớn viết, tôi thấy tác giả chỉ nghĩ 1 chiều mà ko nghĩ nhiều chiều. Cả đất nước phải đáp ứng nhu cầu chung, nhu cầu riêng ko đáp ứng hoặc đáp ứng đặc biệt khi đất nước có nhiều phúc lợi hơn. Việc con cái đi học lớn rổi phải tự túc lo bản thân. Đã học chính rồi sao lại phải học thêm ? Bản thân không đủ tự lực học hay sao phải cần đến thầy cô dạy thêm. mà việc học thêm là việc cá nhân, nhu cầu anh cần thì anh phải tự thu xếp để có giờ mà học, còn việc công thì cứ theo chủ trương.

 

góp ý

Cháu học lớp 12 rồi mà cứ tưởng là mới lớp 1. Cái gì cũng kêu? Khổ tý cũng kêu? Ích kỷ quá. Không dám thử nghiệm cái mới thì làm sao mà thành công ở tương lai?

Độc giả Hà Ngọc Thảo/VNE