LTS: Trước sự băn khoăn của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết về sự đồng thuận của người dân trong việc đổi mới giáo dục, thầy giáo Nguyễn Cao cho rằng vấn đề là những cơ quan có trách nhiệm làm thế nào để người dân có thể đồng tình ủng hộ những chính sách mới.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Kể từ khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được thông qua cho đến nay, thầy Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới đã nhiều lần phát biểu nói về những khó khăn khi thực hiện chương trình mới.
Quan điểm của thầy Tổng chủ biên vẫn không thay đổi khi nói về khó khăn, trong đó có 2 khó khăn được nói nhiều lần là “một bộ phận không nhỏ giáo viên có tính thụ động, chậm đổi mới” và sự đồng thuận của “lòng dân”.
Những khó khăn này một lần nữa được thầy Tổng chủ biên chia sẻ trong buổi tọa đàm “Chương trình giáo dục phổ thông mới, có gì mới?” vừa diễn ra ở Hà Nội.
Thầy Nguyễn Minh Thuyết đã băn khoăn như sau: “Điều khó khăn lớn nhất đó là lòng dân. Nếu không có sự đồng thuận xã hội thì rất khó thực hiện”.
Hiệu quả của việc đổi mới giáo dục là điều người dân đều mong muốn. Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn |
Và, thầy Tổng chủ biên đã trăn trở thêm: “Hiện tại, vẫn còn một bộ phận không nhỏ giáo viên có tính thụ động, chậm đổi mới thì liệu có đáp ứng kịp chương trình khi thời gian còn rất ngắn?”.
Vấn đề về giáo viên thì thầy Thuyết đã phân trần như sau: “Nhược điểm đó không phải là bản chất của giáo viên. Đó là do cách quản lý khiến giáo viên phải “co” lại.
Ví dụ khi đi dự giờ, người quản lý mang cuốn sách giáo khoa ra để tìm những chỗ giáo viên đề cập khác (hoặc thiếu) so với sách. Như vậy giáo viên sẽ không còn hứng thú giảng dạy”.
Từ lâu, dư luận đã nghe nhiều về thầy Nguyễn Minh Thuyết là một nhà giáo tâm huyết và thầy là người đã luôn sát sao với giáo dục suốt mấy chục năm qua.
Đặc biệt, khi thầy Thuyết là đại biểu Quốc hội đảm nhận vai trò Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì thầy các phát huy các sở trường của mình để hướng tới những vấn đề nóng nhất của giáo dục, của xã hội.
Thầy Nguyễn Minh Thuyết nắm chắc Nghị quyết 88, nhưng có hiểu cái khổ của Dân? |
Đặc biệt, thầy Thuyết là chủ biên, đồng chủ biên của nhiều bộ sách giáo khoa phổ thông, sách bài tập của chương hiện hành (năm 2000).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở cấp Tiểu học, thầy Thuyết là chủ biên sách giáo khoa, sách bài tập Tiếng Việt từ lớp 2 đến lớp 5.
Như vậy, với 4 lớp học, thầy Thuyết là chủ biên 8 cuốn sách giáo khoa, cùng với 8 cuốn sách bài tập của 4 khối lớp.
Lên đến cấp Trung học cơ sở, thầy Thuyết là chủ biên phân môn Tiếng Việt của 8 cuốn sách giáo khoa (mỗi lớp 2 cuốn) Ngữ văn.
Đối với 8 cuốn bài tập thì thầy Thuyết lại là đồng chủ biên cùng với các thầy Nguyễn Khắc Phi, Nguyễn Hoành Khung và thầy Trần Đình Sử.
Cộng lại tất cả, đối với cấp Tiểu học thầy Thuyết làm chủ biên 16 cuốn sách, cấp Trung học cơ sở thì thầy Thuyết là chủ biên phân môn Tiếng Việt 8 cuốn sách giáo khoa và đồng chủ biên 8 cuốn sách bài tập.
Sở dĩ chúng tôi muốn liệt kê ra như vậy để thấy rằng thầy Thuyết đang có nhiều “lợi thế” khi làm Tổng chủ biên cho chương trình giáo dục phổ thông mới lần này.
Và, dĩ nhiên dư luận cũng hiểu rõ vì sao thầy Thuyết lại luôn lặp lại những khó khăn khi thực hiện chương trình mới.
Bởi thực tế, trường phổ thông hiện nay đang học với hơn 10 môn học.
Nhưng, chỉ mỗi môn Văn từ lớp 2 đến lớp 9 - trong 8 năm học đó thì phụ huynh đã phải mua tới 32 cuốn sách giáo khoa và bài tập (chưa kể sách tham khảo) cho con em mình.
Thử hỏi, làm sao “lòng dân” có thể “đồng thuận” được đây?
Sao thầy Tổng chủ biên lại ví giá thành chương trình mới với chuyện…làm đường? |
Theo chúng tôi, 2 khó khăn mà thầy Tổng chủ biên còn băn khoăn thực sự không đáng lo ngại nếu lần thay đổi chương trình, sách giáo khoa lần này của Bộ Giáo dục và những nhà viết sách không đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích người dân.
Vì thế, 2 vấn đề này không phải là trở ngại lớn nhất cho chương trình giáo dục phổ thông mới trong những năm tới đây mà trở ngại lớn nhất theo chúng tôi là cách làm chương trình, cách viết và xuất bản sách giáo khoa.
Bên cạnh đó là cách hướng dẫn, định hướng tiếp cận, bồi dưỡng, tập huấn chương trình mới của Bộ Giáo dục mà thôi.
Vì thế, những khó khăn mà thầy Tổng chủ biên đã nêu không phải là vấn đề nan giải bởi các lý do sau:
Thứ nhất: “lòng dân” không hề phản đối sự đổi mới của ngành giáo dục lần này bởi ai cũng biết giáo dục không thể giậm chân tại chỗ mà phải phát triển đi lên.
Giáo dục Việt Nam phải tiếp cận với giáo dục tiên tiến của thế giới và rút dần được khoảng cách giữa các nền giáo dục với nhau.
Muốn xã hội “đồng thuận” thì cần tính đến sự hài hòa lợi ích của nhau.
Người dân hiểu rõ rằng, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai nên phần lớn người dân ngày nay đều tập trung đầu tư cho con em mình một cách tốt và đầy đủ nhất.
Nhưng, không phải là đầu tư bằng mọi giá khi hàng năm, phụ huynh học sinh phải bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng mua sách giáo khoa, sách bài tập học xong thì bỏ xó.
Tiết kiệm được tiền của dân cũng là để góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh như mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đang thực hiện.
Muốn hài hòa lợi ích, trước mắt ngành giáo dục phải bỏ được độc quyền sách giáo khoa.
Sửng sốt với con số 1000 tỷ đồng/năm để mua sách giáo khoa sau đó bán giấy vụn |
Những nhà khoa học tham gia viết sách cần tập trung cao độ để hạn chế sai sót, hướng tới việc ổn định nội dung sách giáo khoa trong một thời gian nhất định.
Chứ không thể là hàng năm cứ phải chỉnh lý vài chỗ để thay sách.
Các nhà biên soạn sách giáo khoa cũng không nên chia nhỏ những cuốn sách ra làm gì.
Sách giáo khoa đã có phần bài tập ở phía sau thì để học sinh làm vào vở của mình.
Đừng tách ra sách bài tập, thêm vào đó vài bài tập mới rồi bán với giá gấp 2, 3 lần sách giáo khoa.
Làm như vậy, người dân không chỉ tốn tiền mua sách mà còn tốn tiền học thêm cho con em mình.
Học sinh cứ phải chúi đầu vào học cả ngày mà chủ trương giảm tải của Bộ cũng không thực hiện được.
Nếu làm được như vậy, lòng dân sẽ đồng thuận, người dân sẽ phấn khởi trước việc thay đổi chương trình và sách giáo khoa mới lần này.
Và, thầy Tổng chủ biên cũng sẽ thanh thản lòng khi có một chương trình tốt, có nhiều bộ sách giáo khoa tốt mà bản thân thầy là người đóng vai trò quan trọng.
Chương trình giáo dục mới vừa ra mắt, nhưng thầy Thuyết nói sẽ luôn cập nhật |
Thứ hai: Vì sao giáo viên thụ động, vì sao giáo viên không muốn tích cực thì thầy Tổng chủ biên cũng đã chỉ ra rồi.
Chính vì cách quản lý nặng hành chính của một số cán bộ quản lý giáo dục đã khiến giáo viên phải “co” mình lại.
Vì thế, lần đổi mới này, Bộ cần “giải phóng” cho giáo viên để giáo viên có thể sáng tạo và phát huy khả năng, sở trường vốn có của mình để tận tâm cống hiến cho ngành giáo dục.
Là một giáo viên đang trực tiếp giảng dạy ở trường phổ thông, bản thân chúng tôi cũng như hàng triệu giáo viên cả nước đang rất trông chờ vào sự đổi mới lần này của Bộ Giáo dục.
Chúng tôi trông chờ vào những ưu việt của chương trình mới, chúng tôi tin tưởng vào thầy Tổng chủ biên và ban biên soạn chương trình cũng như các bộ sách giáo khoa mới sẽ không phải chỉnh lý, sửa đổi hàng năm.
Vì thế, thầy Tổng chủ đừng sợ dư luận xã hội không đồng tình. Vấn đề là làm thế nào để người dân đồng tình là chuyện của Bộ Giáo dục và các thầy đang giữ vai trò kiến tạo chương trình, sách giáo khoa mới.
Tài liệu tham khảo:
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/sach-giao-khoa-moi-cac-nhom-tac-gia-dang-vua-viet-vua-dieu-chinh-477123.html