Khi quân đội Mỹ rời Iraq vào năm 2011, họ tin rằng một kẻ thù khủng khiếp - nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) - đã bị đánh đến mức không thể gượng dậy, tờ The New York Times cho biết trong bài bình luận đăng tải hôm 19/11.
Mỹ tin rằng mối đe dọa từ IS không còn đáng kể và hạ phần thưởng cho việc bắt giữ những kẻ cầm đầu của IS đã giảm từ 5 triệu USD xuống còn 100.000 USD.
Khủng bố IS. Ảnh The New York Times |
Trong thực tế, các dấu hiệu cho thấy IS có thể ngóc đầu trỗi dậy đã được ghi nhận nhưng không được chú ý đúng mực.
Năm 2012, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ đã nêu trong báo cáo rằng sự hỗn loạn của cuộc nội chiến Syria có thể thúc đẩy các chiến binh Hồi giáo và nhóm IS "công bố thành lập một nhà nước Hồi giáo, một liên minh với các tổ chức khủng bố khác ở Iraq và Syria."
Tuy nhiên, báo cáo này đã bị bỏ qua, Trung tướng Michael Flynn Chánh Văn phòng tình báo quốc phòng Mỹ thời điểm đó cho biết.
Sự phát triển lây lan của IS diễn ra nhờ một chuỗi các sự kiện. Lỗi nhiều nhất là từ chính quyền Tổng thống George W. Bush và các đồng minh của mình, những người làm suy yếu giới tinh hoa chính trị và quân sự của Iraq, dẫn đến một số đại diện của nó gia nhập thành phần cốt lõi của IS.
Tiếp nối sai lầm trên, chính quyền Tổng thống Barack Obama và các đồng minh của mình đã không xem xét một cách nghiêm túc về mối đe dọa của IS.
"Có một niềm tin mạnh mẽ rằng các phong trào nổi dậy bạo lực không tưởng sẽ tự hủy diệt bởi chính nó mà không cần phải làm gì cả", William Makkents - chuyên gia tại Viện Brookings ở Washington nói.
Theo Giám đốc CIA John Brennan, khi quân đội Mỹ ở Iraq, IS đã chịu tổn thất đáng kể và chỉ có thể tồn tại như một phong trào nhỏ lẻ với 700 thành viên.
Nhưng đến nay, sau 4 năm, IS đã trở thành một đội quân mạnh mẽ có thể phá vỡ biên giới hàng trăm năm tại Trung Đông, kiểm soát hàng triệu người và vùng lãnh thổ rộng lớn tại Syria và Iraq bằng những hành vi tàn ác không kể xiết.
Cuộc tấn công ở Paris đã được báo trước. Nhiều chuyên gia phân tích tình báo đã từng bày tỏ quan ngại về việc các nhóm khủng bố sẽ tiến hành tấn công vào châu Âu.
Nhưng các nhà phân tích của Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ tiếp tục sai lầm khi quá lạc quan về cách sửa chữa sai lầm của họ hay sự tiến bộ của các cuộc không kích.
"Người Mỹ ném bom các mục tiêu 14 tháng ở Syria, và nó đã không ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng ở Paris", cựu Đại sứ Mỹ tại Syria Robert Ford nói.
Theo ông, các cuộc không kích sẽ không giúp giải quyết vấn đề trong dài hạn và giải pháp duy nhất cho vấn đề này là một giải pháp chính trị , trong đó bao gồm giúp người Sunni có chỗ đứng trong đời sống của Iraq./.