Vô địch World Cup nam 'ăn' 30 triệu đô, VĐ World Cup nữ nhận 1 triệu

27/06/2011 03:23
Đội bóng đăng quang tại World Cup nữ 2011 cũng chỉ nhận được tổng số tiền thưởng là 1 triệu USD. Những con số khiến nhiều người phải suy nghĩ.

Đội bóng đăng quang tại World Cup nữ 2011 cũng chỉ nhận được tổng số tiền thưởng là 1 triệu USD. Những con số khiến nhiều người phải suy nghĩ.

Có mặt tại Berlin để dự khán lễ khai mạc World Cup nữ 2011, Chủ tịch FIFA Sepp Blatter nhìn nhận đây sẽ là “một giải đấu mang tính bước ngoặt với bóng đá nữ”. Nhưng bước ngoặt đó như thế nào thì có lẽ ngay cả FIFA cũng chưa định hình được.

Hãy làm một phép so sánh nhỏ. Tại World Cup 2010 dành cho bóng đá nam, nhà vô địch Tây Ban Nha đã thu về tới 30 triệu USD trong tổng số 420 triệu USD tiền thưởng mà FIFA đã chi cho 32 đội tuyển dự giải. Trong khi đó, tổng số tiền thưởng dành cho 16 đội bóng nữ tại Women’s World Cup 2011 chỉ là 6 triệu USD. Mỗi đội bóng nam dự ngày hội bóng đá tại Nam Phi năm ngoái nhận 8 triệu USD tiền hỗ trợ cho công tác chuẩn bị. Con số này của các đội bóng nữ tại Women’s World Cup 2011 chỉ là 1 triệu USD. Chưa kể, đội bóng đăng quang tại World Cup nữ thế giới năm nay cũng chỉ nhận được tổng số tiền thưởng là 1 triệu USD. Những con số khiến nhiều người phải suy ngẫm.

Không nhiều người quan tâm đến World Cup nữ.
Không nhiều người quan tâm đến World Cup nữ.

Ngay cả chủ tịch Blatter cũng cho rằng đó là số tiền quá ít ỏi. “Tôi rất bất ngờ khi chỉ có 6 triệu USD tiền thưởng”, Blatter phát biểu trong buổi họp báo trước giải. Chủ tịch FIFA cam kết sẽ bổ sung tiền vào quỹ thưởng nhưng chỉ là nhằm bù lại phần nào khoản hao hụt do… đồng franc Thụy Sĩ mất giá so với đồng USD.

Chuyện các cầu thủ nữ chịu thiệt thòi so với bóng đá nam không phải mới. Tại Mỹ, thu nhập bình quân của một cầu thủ nữ tại giải VĐQG nước này vào khoảng 27.000 USD/năm, tương đương với một người bán báo. Trong khi đó, cầu thủ nữ duy nhất của Đức có mức thu nhập lên tới hơn 1 triệu USD là Bajramaj.

Nhưng phần lớn trong số tiền này tiền vệ của Đức thu về từ bản hợp đồng quảng cáo cho hãng đồ thể thao Nike (nhờ vào nhan sắc của cô) thay vì từ đồng lương, dù tài năng của Bajramaj là không thể phủ nhận.

Sự bất công tồn tại ở cấp CLB cũng là điều dễ hiểu nhưng đáng ra FIFA cần phải đi đầu trong việc tìm lại công bằng cho các nữ cầu thủ. Cơ hội để FIFA làm một cuộc cách mạng tại môn bóng đá nữ đã đến tại Women’s World Cup 2011 khi nước chủ nhà Đức đã làm rất tốt công tác tổ chức. Lần đầu tiên trong lịch sử, bóng đá nữ có hơn 70.000 khán giả tới xem một trận đấu. Trung bình sẽ có khoảng 42.000 khán giả tới sân để cổ vũ cho các đội (so với 22.000 tại VCK bóng đá nữ 2007 tại Trung Quốc). Điều đó cho thấy, nếu làm tốt công tác truyền thông, bóng đá nữ vẫn thu hút người xem đến sân.

Chỉ tiếc là sự quan tâm của FIFA dành cho môn bóng đá nữ vẫn chỉ ở mức cầm chừng. Chẳng thế mà Blatter đã né tránh phần lớn những câu hỏi hóc búa về bóng đá nữ mà cánh phóng viên dành cho ông. Phải chăng, bóng đá nữ với Blatter thật buồn tẻ? Và nó chỉ lôi cuốn khi các nữ cầu thủ khoác trên mình những bộ áo đấu sexy hơn, như ý tưởng mà ông từng đưa ra trong năm 2004 nhằm “giúp” môn bóng đá nữ trở nên hấp dẫn hơn?

Theo Bóng đá