"Lành mạnh hóa" thị trường hàng không
Trong khoảng 3 năm trở lại đây thị trường hàng không Việt Nam chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ. Bên cạnh những thất bại của Air Mekong, Indochina Airlines và Trãi Thiên Cargo khi không chịu nổi thua lỗ là sự vươn mình lớn mạnh của hãng hàng không tư nhân Vietjet và sự chuyển mình mạnh mẽ của Vietnam Airlines, khi hãng bay này thực hiện tái cơ cấu, chuyển sang hình thức doanh nghiệp cổ phần với việc bán 25% cổ phần cho các nhà đầu tư, nhà nước còn nắm giữ 75%.
Cùng với việc cải tổ mô hình Vietnam Airlines, Bộ Giao thông vận tải đang có chủ trương tách Jetstar Pacific ra khỏi Vietnam Airlines để đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường, giúp hành khách đi máy bay mới được hưởng dịch vụ và giá cả hợp lý.
Ảnh minh họa (nguồn Internet) |
Đánh giá về thị trường hàng không nội địa hiện nay với sự cạnh tranh của Vietnam Airlines, Vietjet và Jetstar Pacific, PGS.TS Bùi Quang Bình - Tạp chí Khoa học kinh tế (Đại học kinh tế - Đại học Đà Nẵng) cho rằng, thị trường hàng trong nước đang phát triển lành mạnh hơn trước đây khi tính độc quyền đã dần được cởi bỏ. “Hiện hàng không không còn tính độc quyền khi chỉ có Vietnam Airlines như trước, bắt đầu các hãng hàng không có sự phân tầng khách hàng và đối tượng phục vụ”, PGS.TS Bùi Quang Bình đánh giá.
Trong số các hãng hàng không nội địa lớn hiện nay, nếu Vietnam Airlines hướng đến phục vụ dịch vụ hàng không chất lượng cao cỡ 4 sao, Jetstar Pacific hướng đến giá rẻ thì Vietjet hướng đến phân khúc giá rẻ và trung bình với chất lượng phục vụ tốt.
“Nhờ có sự phát triển của các hãng hàng không mới như Vietjet đã tạo cho thị trường hàng không phát triển lành mạnh, cạnh tranh giữa các hãng hàng không khiến giá vé máy bay đã giảm dần, từ đó giúp người dân có điều kiện đi lại tốt hơn. Tóm lại với sự phát triển và thay đổi này, người tiêu dùng vẫn là người được hưởng lợi nhiều nhất”, PGS. TS Bùi Quang Bình nói.
Theo PGS.TS Bùi Quang Bình, Vietnam Airlines thực hiện tái cơ cấu, bán cổ phần cho nhà đầu tư qua đó sẽ tạo nguồn vốn để đầu tư thêm máy bay, đầu tư nhân lực sẽ nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
“Vietnam Airlines tiến hành tái cơ cấu chuyển mô hình thành doanh nghiêp cổ phần là xu thế tất yếu nhất là khi nguồn vốn nhà nước đang khó khăn, nguồn vốn đó cần để đầu tư vào lĩnh vực khác. Nguồn vốn nhà nước cần được quay vòng đầu tư liên tục vì vậy không chỉ Vietnam Airlines mà hầu hết công ty nhà nước đang có xu hướng cổ phần hóa. Tiến tới sẽ cổ phần hóa hết”, PGS.TS Bùi Quang Bình nhận định.
Cần có nhiều hãng hàng không tham gia thị trường
Trong xu hướng cổ phần hóa giúp giảm gánh nặng nguồn vốn nhà nước, PGS.TS Bùi Quang Bình cho rằng không chỉ hãng hàng không tiến hành cổ phần hóa mà ngay cả những công trình lớn nhà nước cũng sẵn sàng bán, chuyển nhượng hoặc cho thuê để lấy tiền đầu tư. Việc Bộ Giao thông vận tải thực hiện đề án huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư hạ tầng kỹ thuật hàng không qua việc chuyển nhượng Nhà ga T1 (Sân bay Nội Bài), tính toán việc bán sân bay, nhà ga Phú Quốc là chủ trương đúng đắn.
“Cần nhấn mạnh Vietnam Airlines là doanh nghiệp nhà nước, nếu họ không cổ phần hóa thì không thể cạnh tranh được bởi bộ máy lâu nay cồng kềnh, hiệu quả kém vì thế đây là xu thế tất yếu. Bên cạnh đó, sự biến chuyển hàng không ở đây có công rất lớn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải”, PGS.TS Bình cho hay.
Vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, hiện vấn đề chậm chuyến, hủy chuyến đã có chuyển biến tích cực, ngoại trừ yếu tố thời tiết còn lại vấn đề chậm chuyến đã được khắc phục rất nhiều, sự thay đổi này có vai trò rất lớn của Bộ trưởng Đinh La Thăng”, PGS.TS Bình nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để so sánh chất lượng dịch vụ hàng không Việt Nam hiện nay với các nước phát triển, PGS.TS Bình cho rằng chưa thể bằng được nhưng chắc chắn đã cải thiện rất nhiều và ông cũng đánh giá có hai ưu điểm lớn so với trước đây: Thứ nhất giá vé máy bay không thể tăng giá lung tung được do đã có sự cạnh tranh giữa các hãng; Thứ hai các hãng muốn tăng giá vé bắt buộc phải có chất lượng tốt hơn.
"Để hành khách Việt thực sự trở thành thượng đế cần phải có nhiều hãng hàng không tư nhân như Vietjet, phải có càng nhiều nguồn cung để cạnh tranh tạo ra chất lượng tốt hơn”, PGS.TS Bình kết luận.