Biên đội máy bay chiến đấu JH của Không quân Trung Quốc |
Hoàn Cầu thời báo nói trang mạng “Nhật báo phố Wall” ngày 2/7 có bài viết đánh giá về khả năng tác chiến thực sự của Quân đội Trung Quốc, xem đây có phải là một con “rồng giấy” hay không. Một mặt, về lý thuyết, bài viết nêu lên sự phát triển hiện đại hóa của các lực lượng Hải quân, Không quân, Pháo binh 2 của Quân đội Trung Quốc, mặt khác, tìm ra các điểm yếu của Quân đội Trung Quốc trên các phương diện như huấn luyện tác chiến, hệ thống chỉ huy, hệ thống kiểm soát tổn thất trong chiến đấu.
Chuyên gia Mỹ cho rằng, cho dù phương Tây đánh giá thấp hay đánh giá cao sự phát triển sức mạnh quân sự Trung Quốc, Mỹ đều phải áp dụng các hành động thực tế tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tạo sự kiềm chế đối với Trung Quốc.
Những yếu điểm lớn của Quân đội Trung Quốc
Bài viết có nhan đề “Quân đội Trung Quốc là rồng giấy?” đã tiến hành đánh giá về sức mạnh quân sự của Quân đội Trung Quốc trên nhiều phương diện, nhưng kết luận lại là “đáp án rất phức tạp”.
Theo bài viết, hiện nay Quân đội Trung Quốc đã có ý định phát triển thành một quân đội lớn thứ hai thế giới. Hải quân Trung Quốc đã có thể thực hiện các hành động ở vùng biển cách xa lãnh thổ. Như biên đội Hải quân Trung Quốc đang tiến hành nhiệm vụ chống cướp biển ở vịnh Aden trong thời gian dài, lực lượng tuần tra trên biển duy trì sự hiện diện thường xuyên ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Việc xây dựng lực lượng tác chiến tàu ngầm 70 chiếc và chạy thử tàu sân bay đầu tiên đều đã thể hiện đầy đủ Trung Quốc kiên trì xây dựng một lực lượng hải quân tầm xa.
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Trung Quốc. |
Không quân Trung Quốc cũng đang hiện đại hóa nhanh chóng, ngoài trang bị máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư tiên tiến, cũng đang nâng độ khó huấn luyện, tiến hành huấn luyện nhiều hơn tác chiến ban đêm và tác chiến liên hợp, hình thành khả năng chi viện tác chiến đối với hải quân, lục quân. Mặc dù hiện nay không quân vẫn là một lực lượng mang tính tự vệ, nhưng đã có thể bao trùm lên hầu hết biển Đông.
Đồng thời, lực lượng tên lửa của Trung Quốc cũng không thể coi thường. Các loại tên lửa như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tăng lên nhanh chóng bắt đầu từ thập niên 1990. Hiện nay, bên ngoài đều đang tập trung chú ý vào việc Trung Quốc phát triển các phiên bản của tên lửa DF-21, một loại tên lửa đạn đạo chống hạm có thể tấn công tàu sân bay Mỹ.
Nhưng, bài viết dẫn các quan điểm phản bác cho rằng, con số hoàn toàn không thể đại diện cho tất cả. Cường độ huấn luyện của Quân đội Trung Quốc không bằng quân đội các nước phương Tây, thời gian bay của phi công ít, lực lượng tàu ngầm chỉ có thể chạy xuyên qua vùng biển ở sát căn cứ. Quân đội Trung Quốc thiếu đội ngũ binh sĩ chuyên nghiệp to lớn, điều này thường là nòng cốt của quân đội.
Các sĩ quan phương Tây từng tiếp xúc với tàu chiến Hải quân Trung Quốc cho rằng, tàu nổi Trung Quốc thiếu hệ thống kiểm soát tổn thất trong tác chiến, làm cho tàu chiến khó tồn tại trên chiến trường. Mức độ dự trữ đạn dược của Quân đội Trung Quốc như thế nào, bên ngoài không thể biết được, Quân đội Trung Quốc rất có thể thiếu thốn đạn dược trong giai đoạn đầu chiến đấu.
Hệ thống kiểm soát chỉ huy của Quân đội Trung Quốc cũng gây nghi ngờ. Ngoài ra, điều lệnh của Quân đội Trung Quốc rất xơ cứng, khiến cho sĩ quan chỉ huy ở chiến trường/mặt trận khó đưa ra ý kiến mang tính sáng tạo.
Tàu khu trục, Hải quân Trung Quốc. |
Phê phán Mỹ không thiết thực tăng cường hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương
Bài viết cho rằng, mặc dù Quân đội Trung Quốc có điểm yếu, nhưng nhấn mạnh quá sẽ coi thường điểm then chốt. Hiện nay, Quân đội Trung Quốc đã xưng hùng ở châu Á, có quy mô lớn hơn, khả năng lớn hơn so với bất cứ nước nào khác, kể cả Nhật Bản.
Mỹ đang cố gắng kiềm chế mưu đồ khu vực của Trung Quốc, nhưng Mỹ đang đối mặt với vấn đề tự thân. Làm thế nào để bảo đảm cho các đồng minh có lòng tin vào sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là một thách thức rất lớn.
Mặc dù về lời nói, Mỹ thể hiện duy trì tích cực can dự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng lại chưa áp dụng được nhiều các hành động mang tính thực chất. Đồng thời, các nhà quy hoạch chiến lược cũng chưa từng xem xét nghiêm túc thực tế tên lửa của Trung Quốc có thể phá hủy các căn cứ tiền duyên của Mỹ, chưa áp dụng các hành động thực tế để bảo vệ các căn cứ này, đề phòng khả năng tác chiến điện tử liên tục tăng lên của Quân đội Trung Quốc, cũng chưa xem xét 7 căn cứ lực lượng hàng không trên mặt đất của quân Mỹ có đủ đáp trả sự phát triển của lực lượng hàng không Trung Quốc hay không.
Bài viết cho rằng, nếu Mỹ đã mất đi khả năng phát động các hành động tác chiến nhanh chóng và kéo dài từ khoảng cách xa, khi Quân đội Trung Quốc ngăn chặn quân Mỹ xâm nhập chiến trường hoặc xâm nhập chiến trường cũng không thể tự do hành động, Trung Quốc sẽ bước lên con đường bá quyền khu vực thoải mái hơn. Một con “rồng giấy” có thể biến thành “đại bàng oai phong”.
Tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc. |
Những năm gần đây, giới quân sự, tình báo, nghiên cứu và truyền thông phương Tây đã tập trung đánh giá và phân tích về sự phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc, hơn nữa thường có các quan điểm mâu thuẫn lẫn nhau.
Đầu tháng 4/2012, tạp chí “Nhà kinh tế học” Anh có bài viết cho rằng, ít nhất 30 năm nữa Quân đội Trung Quốc vẫn là “rồng giấy”. Tạp chí này cho rằng, hơn 30 năm qua, Quân đội Trung Quốc không có kinh nghiệm tác chiến thực sự, hơn nữa quân Mỹ luôn chiến đấu và học tập từ thực tế; lực lượng tên lửa và tàu ngầm của Trung Quốc sẽ tạo ra mối đe dọa cho tàu sân bay Mỹ, nhưng không phải là ở biển xa.
Bài báo cho rằng, các hoạt động biển xa của Hải quân Trung Quốc chỉ giới hạn ở tuần tra chống cướp biển ở Ấn Độ Dương và sơ tán công nhân Trung Quốc ở Libya; Trung Quốc có lẽ không lâu nữa sẽ triển khai 2-3 tàu sân bay, nhưng học cách sử dụng tàu sân bay cần nhiều năm nữa.
Hầu như đồng thời, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung, trực thuộc Quốc hội Mỹ, cũng đưa ra báo cáo cho rằng, 10 năm qua, dưới sự “đánh lừa mang tính chiến lược” của Trung Quốc, Mỹ “rất sai lầm” khi đã đánh giá thấp sự phát triển quân sự của Trung Quốc.
Tên lửa Đông Phong của Trung Quốc. |
Một chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên nói với tờ “Thời báo Hoàn Cầu” rằng, không ít những đánh giá của chuyên gia Mỹ đối với sức chiến đấu của Quân đội Trung Quốc là khách quan. Sức chiến đấu của hải, không quân Trung Quốc hiện vẫn thấp hơn trình độ quân Mỹ khi tiến hành Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.
Nhưng mười mấy năm gần đây, vốn, chính sách và trang bị của Quân đội Trung Quốc đang tập trung cho các quân binh chủng công nghệ cao như hải quân, không quân, Pháo binh 2. Khả năng tác chiến của Không quân đã được nâng lên rất lớn, sự phát triển của Hải quân đang tích lũy sức mạnh, vài năm nữa có thể sẻ có tăng trưởng mang tính bùng nổ.
Trung Quốc tập trung phát triển các loại máy bay không người lái. |
Vũ khí chống vệ tinh. |
Trung Quốc tích cực cải tạo, nghiên cứu chế tạo tàu sân bay với tham vọng lớn. |