Thông tư 13 ra đời giúp tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục “tự soi mình”

11/07/2023 06:35
Kim Ngọc
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Sự ra đời Thông tư 13 về giám sát, đánh giá các tổ chức kiểm định là một xu hướng tất yếu, phản ảnh đúng quy trình quản lý chất lượng của các nước trên thế giới.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 13/2023/TT-BGDĐT quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm (Thông tư số 13/2023/TT-BGDĐT).

Theo nhiều chuyên gia, đây là một hướng đi đúng để hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục ngày một thực chất hơn và hiệu quả hơn.

Có thêm hành lang pháp lý cho các trung tâm kiểm định

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết, sự ra đời của Thông tư 13 là yêu cầu bắt buộc nhằm đáp ứng các quy định pháp luật, đặc biệt là Luật Giáo dục đại học.

Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NVCC

Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, việc giám sát, đánh giá hoạt động của các trung tâm kiểm định cũng phù hợp với quy trình quản lý chất lượng của quốc tế.

Bất kỳ một cơ quan tổ chức dù lớn hay nhỏ cũng cần phải được giám sát và đánh giá nhằm đảm bảo cơ quan đó hoạt động đúng với sứ mệnh và chức năng nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các cơ quan sinh ra để đi giám sát, đánh giá các đơn vị khác.

Thời gian qua, xã hội cũng rất quan tâm đến tính độc lập, trung thực và chất lượng của các trung tâm kiểm định. Thông tư 13 ra đời kịp thời, nhằm điều chỉnh những vấn đề còn chưa hoàn chỉnh của hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, tạo niềm tin cho xã hội.

Bản thân các trung tâm kiểm định và các cơ sở giáo dục đại học cũng được hưởng lợi từ Thông tư 13 khi có hành lang pháp lý đầy đủ để có thể yên tâm tổ chức các hoạt động kiểm định chất lượng.

Sau khi Thông tư 13 có hiệu lực, chắc chắn các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục sẽ phải có những điều chỉnh, bổ sung, thậm chí tái cơ cấu để đáp ứng được các yêu cầu về giám sát, đánh giá theo Bộ Tiêu chuẩn được ban hành.

Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung - giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế) nhận định, sự ra đời Thông tư 13 về giám sát đánh giá các tổ chức kiểm định là một xu hướng tất yếu, phản ảnh đúng quy trình quản lý chất lượng của các nước trên thế giới.

Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung - giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế). Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung - giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế). Ảnh: NVCC

Triết lý giám sát phản ánh đúng tinh thần với các nước trên thế giới “các trung tâm kiểm định đánh giá các cơ sở giáo dục như thế nào thì họ cũng được giám sát đánh giá như vậy”. Thông tư có quy trình giám sát 5 năm một lần và có bộ tiêu chuẩn riêng, tương tự với quy trình các tổ chức kiểm định đi giám sát các cơ sở giáo dục.

Thông tư 13 là công cụ giúp cho nhà quản lý đảm bảo các trường đại học và chương trình đào tạo cung cấp hoạt động đào tạo có chất lượng và minh bạch kết quả với các bên liên quan.

Thông tư 13 cũng góp phần “minh bạch” chất lượng hoạt động kết quả kiểm định thông qua quá trình “đánh giá” công bằng, trung thực bởi các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục. Các tổ chức kiểm định có minh chứng minh bạch và tự chịu trách nhiệm với các hoạt động của mình nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo với sinh viên.

Thông qua quy trình báo cáo tự đánh giá 5 năm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của Thông tư 13, các tổ chức kiểm định còn có cơ hội để “tự soi mình” và đưa ra các cải tiến nhằm phát triển trung tâm ngày càng hoạt động tốt hơn.

Có một số tiêu chuẩn tiệm cận với quốc tế

Theo Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, nội dung của Thông tư 13 tập trung vào 2 hoạt động giám sát và đánh giá Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó hoạt động đánh giá với Bộ 5 tiêu chuẩn và 25 tiêu chí được xem là cốt lõi, các trung tâm phải đạt được 21/25 tiêu chí bắt buộc.

Bộ Tiêu chuẩn đã cơ bản bao phủ được các yêu cầu để một Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục có thể hoạt động như: Cơ cấu tổ chức, hệ thống văn bản pháp quy; nhân sự; cơ sở vật chất; hoạt động kiểm định và công khai thông tin.

Theo Thầy San, để Thông tư 13 đạt hiệu quả trong triển khai cần phải chú trọng đến yếu tố “nhân sự” quy định tại Tiêu chuẩn 2. Cần quy định rõ với quy mô nhân sự như thế nào thì số lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo được kiểm định hàng năm được giới hạn trong mức năng lực đó.

Các Trung tâm kiểm định ngoài việc đánh giá ngoài các cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo còn có trách nhiệm theo dõi các báo cáo cải tiến, giám sát các đơn vị đã được đánh giá trong chu kỳ 5 năm.

Đánh giá về tiêu chuẩn 5, Thạc sĩ Nguyễn Vinh San cho rằng, việc công khai, minh bạch thông tin của trung tâm kiểm định và các hoạt động kiểm định là tiêu chuẩn không khó đối với các trung tâm kiểm định hiện nay, các trung tâm hoàn toàn có thể đáp ứng tốt các tiêu chí đề ra.

“Việc công khai minh bạch thông tin ngoài việc giúp cho các trung tâm kiểm định khẳng định về uy tín, chất lượng của mình, còn có thể để xã hội giám sát hoạt động của trung tâm và chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học được đánh giá.

Ví dụ: một cơ sở giáo dục đại học bằng thủ thuật nào đó có thể “qua mặt” được đoàn đánh giá ngoài. Nhưng khi kết quả kiểm định được công khai thì xã hội, đối tác, người học… hoàn toàn có thể phản biện hoặc chứng minh điều ngược lại. Từ đó, yêu cầu cơ sở giáo dục được đánh giá và đoàn đánh giá ngoài phải nghiêm túc thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật”, Thầy San phân tích thêm.

Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung cho rằng, Thông tư 13 đã có một số quy định tiệm cận với quốc tế.

Cụ thể, quy trình giám sát dựa vào các nguồn số liệu phong phú như vừa gián tiếp (thông tin trên hệ thống, báo cáo định kỳ), vừa trực tiếp (quan sát trực tiếp một số hoạt động kiểm định chất lượng của tổ chức kiểm định). Kinh nghiệm Hoa Kỳ là đoàn đánh giá tham gia trực tiếp với đoàn đánh giá ngoài của Trung tâm kiểm định để nắm bắt thông tin và đưa ra quyết định.

Thông tư áp dụng sự tham gia các bên liên quan vào quá trình giám sát, đó là thu thập thông tin phản hồi của cơ sở giáo dục. Đây là một thực hành tốt cũng được Hiệp hội Kiểm định Hoa Kỳ áp dụng, tuy nhiên cách thực hiện có một chút khác. Chỉ khi nào đến chu kỳ đánh giá 5 năm thì tổ chức giám sát sẽ gửi phiếu khảo sát đến các cơ sở giáo dục đã được trung tâm kiểm định đánh giá để thu thập thông tin phục vụ cho quá trình giám sát.

Quy trình này cũng được áp dụng tương tự với các tổ chức kiểm định chất lượng. Trước khi đến đánh giá ngoài các cơ sở giáo dục, các trung tâm kiểm định cũng gửi phiếu khảo sát đến sinh viên và sử dụng các thông tin đó cùng với báo cáo tự đánh giá và kết quả đánh giá ngoài để đưa ra quyết định cuối cùng.

Có 2 tiêu chuẩn của bộ tiêu chí tiệm cận với thế giới là tiêu chí 4.7 tham gia vào mạng lưới các tổ chức quốc tế hoặc có thỏa thuận quốc tế thể hiện được việc tiệm cận với xu thế kiểm định quốc tế và tiêu chuẩn 5 về công khai minh bạch.

Với cơ cấu tổ chức của Hoa Kỳ, các tổ chức kiểm được giám sát bởi 2 tổ chức của Bộ Giáo dục (bắt buộc) và hiệp hội Kiểm định đại học (không bắt buộc). Bộ tiêu chuẩn của Bộ giáo dục Hoa Kỳ tập trung vào các tiêu chí liên quan đến quản lý hành chính và bộ tiêu chuẩn của hiệp hội có nhiều tiêu chí liên quan đến chất lượng.

“Trong bối cảnh Việt Nam chỉ có 1 cơ quan chủ quản giám sát nên bộ tiêu chuẩn của Việt Nam đã có một phần giao thoa giữa quản lý và chất lượng (tiêu chí 4 và 5).

Trong tương lai, để bộ tiêu chuẩn giám sát phát huy được tác dụng tối đa thì chúng ta có thể nghiên cứu tích hợp thêm các tiêu chí chất lượng vào bộ tiêu chí giám sát như như chất lượng đào tạo và thành tích sinh viên”, Tiến sĩ Nhung cho hay.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, bên cạnh việc giám sát, đánh giá thì cũng cần “cởi trói” cho các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục về thời gian cấp phép hoạt động. Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục khi được cấp phép hoạt động thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc theo Thông tư 13; Trung tâm được phép tổ chức hoạt động kiểm định theo quy định của pháp luật, chịu sự giám sát và đánh giá theo chu kỳ 5 năm; kết quả đánh giá đạt thì giấy phép hoạt động được tự động gia hạn, không còn tình trạng Trung tâm bị “treo” hoạt động do chờ giấy phép.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có quyền tạm dừng hoạt động của Trung tâm bất kỳ lúc nào nếu phát hiện các sai phạm.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần xác định rõ, hoạt động đánh giá nhằm kiểm tra Trung tâm có đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động kiểm định, vi phạm 01/21 tiêu chí bắt buộc là có thể tạm dừng hoạt động cho đến khi khắc phục được tồn tại.

Kim Ngọc