Nên có cơ chế linh hoạt đối với GS, PGS kéo dài thời gian làm việc sau nghỉ hưu

14/11/2024 06:27
Thùy Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Kéo dài thời gian làm việc sau tuổi nghỉ hưu của GS, PGS không chỉ giúp tận dụng nguồn tri thức, giúp các cơ sở giáo dục duy trì đội ngũ nhân lực chất lượng cao.

Hiện nay, theo Nghị định 50/2022/NĐ-CP ngày 2/8/2022 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, các giáo sư, phó giáo sư chỉ được kéo dài thời gian công tác tối đa không quá 5 năm (60 tháng).

Dự thảo Luật Nhà giáo gần đây đã đề xuất tăng thời gian làm việc sau khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn không quá 5 năm đối với nhà giáo có trình độ tiến sĩ, không quá 7 năm đối với nhà giáo có chức danh phó giáo sư, không quá 10 năm đối với nhà giáo có chức danh giáo sư.

Cơ sở giáo dục đại học cho rằng, việc điều chỉnh này là cần thiết và phù hợp, giúp các trường đại học giữ lại đội ngũ nhà giáo có trình độ cao, từ đó thúc đẩy phát triển các ngành đào tạo và nghiên cứu.

Thực trạng thiếu hụt đội ngũ giáo sư, phó giáo sư

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Thiều Đình Phong, Trưởng phòng Tổ chức - Cán bộ, Trường Đại học Vinh chia sẻ, quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định số 50/2022/NĐ-CP đã nảy sinh một số bất cập trong thực tiễn triển khai công việc tại nhà trường.

Khi chính sách được áp dụng, số lượng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ làm việc giảm sút đáng kể khiến các nhà trường thiếu hụt dần đội ngũ nhân lực chất lượng cao để mở ngành và duy trình ngành, đặc biệt là các ngành đào tạo sau đại học, thiếu người dẫn dắt các nhóm nghiên cứu, hướng dẫn nghiên cứu sinh...

giaosu.jpg
Các nhà giáo của Trường Đại học Vinh đón nhận giấy chứng nhận đạt chuẩn Phó Giáo sư tại Hà Nội. Ảnh: Trường Đại học Vinh.

Tiến sĩ Thiều Đình Phong cho biết, từ năm 2022 đến nay, Trường Đại học Vinh đã có 9 phó giáo sư nghỉ hưu theo quy định, kéo theo sự thiếu hụt nhân sự chất lượng cao ở một số ngành, đặc biệt là các ngành khối khoa học xã hội. Việc các giáo sư, phó giáo sư còn đủ sức khỏe và đam mê nhưng phải dừng làm việc theo quy định đã dẫn đến một số khó khăn trong công tác đào tạo sau đại học của nhà trường, cũng là lãng phí nguồn tri thức quý báu. Kiến thức và kinh nghiệm của họ là tài sản vô giá không chỉ cho nhà trường mà còn cho cả cộng đồng học thuật và xã hội. Cần có cơ chế hợp lý để tiếp tục khai thác tiềm năng của họ sẽ là một lợi ích lớn cho cả nền giáo dục và khoa học của đất nước.

Hiện tại, Trường Đại học Vinh có 6 nhà giáo đang kéo dài thời gian làm việc sau khi nghỉ hưu trong đó có 2 giáo sư và 4 phó giáo sư. Thực tiễn cho thấy đội ngũ trí thức có trình độ cao như giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ là đội ngũ lao động đặc thù nên việc kéo dài thời gian làm việc đối với đội ngũ này khi đủ tuổi nghỉ hưu là chính sách cần thiết, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả cá nhân nhà giáo và các cơ sở giáo dục.

Cùng chia sẻ về chủ đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, Trưởng phòng Tổ chức - Cán bộ, Trường Đại học Mỏ - Địa chất hoàn toàn đồng tình với quy định về thời gian làm việc sau nghỉ hưu của nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo và cũng cho rằng thực hiện Nghị định số 50/2022/NĐ-CP đã nảy sinh một số bất cập trong thực tiễn.

"Để đào tạo ra giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ – những người đầu ngành trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học không phải là điều dễ dàng. Các thầy cô này không chỉ đóng vai trò giảng dạy mà còn dẫn dắt công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực của họ. Nếu không có những thế hệ đi trước để dẫn dắt, các thế hệ sau sẽ mất nhiều thời gian để tiếp cận và kế thừa những nghiên cứu quan trọng.

Đây là đội ngũ nhân lực chất lượng cao mà tất cả các trường đại học đều muốn giữ lại, vì khi thời gian làm việc sau nghỉ hưu ít thì họ chuyển sang làm việc tại các trường tư, tạo ra sự cạnh tranh giữa các trường công và tư'', thầy Khánh nhấn mạnh.

Việc kéo dài thời gian giảng dạy sau nghỉ hưu của GS, PGS là rất cần thiết

Theo Tiến sĩ Thiều Đình Phong, khi được kéo dài thời gian làm việc sau khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ là cơ hội để các nhà giáo tiếp tục cống hiến, đóng góp kiến thức và kinh nghiệm cho sự nghiệp giáo dục. Họ là đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn và uy tín cao, là đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành, không dễ dàng đào tạo trong một sớm một chiều; là nguồn nhân lực quý báu của nhà trường, nhất là khi đội ngũ này đang chiếm tỷ lệ không lớn trong trường.

Do vậy, việc kéo dài thời gian công tác đối với các nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc nhà giáo có trình độ tiến sĩ là thực sự cần thiết đối với các cơ sở giáo dục nói chung và Trường Đại học Vinh nói riêng.

pgs2023(2).jpg
Phiên họp của Hội đồng giáo sư cơ sở Trường Đại học Vinh xét đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2023. Ảnh: Trường Đại học Vinh.

Việc kéo dài thời gian làm việc sau nghỉ hưu đối với các nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc các nhà giáo có trình độ tiến sĩ có thể mang lại nhiều lợi ích cho công tác đào tạo, đặc biệt là hệ đào tạo sau đại học và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh.

Thực tế cho thấy với nhiều năm làm việc liên tục trong môi trường đại học, các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và có khối kiến thức sâu rộng. Nếu được kéo dài thời gian làm việc sẽ tạo điều kiện cho các thầy, cô được cống hiến, dìu dắt, hướng dẫn, hỗ trợ học viên sau đại học và nghiên cứu sinh một cách hiệu quả hơn, giúp cải thiện chất lượng nghiên cứu và đào tạo.

Đồng thời, ngoài năng lực giảng dạy, các thầy cô là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ còn có độ chín trong nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế; họ cũng là một trong các yếu tố tác động việc thu hút nhân tài, thu hút đội ngũ giảng viên trẻ cùng xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác nghiên cứu quốc tế và thu hút nguồn lực tài chính từ các dự án, đề tài.

Bên cạnh đó, việc kéo dài thời gian làm việc sau nghỉ hưu cho các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ còn giúp duy trì sự ổn định và liên tục trong các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy, đảm bảo những mục tiêu dài hạn của nhà trường được thực hiện một cách bền vững.

Còn theo Tiến sĩ Phạm Trí Thành - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, việc kéo dài thời gian làm việc của đội ngũ giáo sư và phó giáo sư sau tuổi nghỉ hưu mang lại nhiều lợi ích cho cơ sở đào tạo, đặc biệt là trong việc tận dụng tri thức quý báu của họ.

Tuy nhiên, khi chỉ đảm nhiệm vai trò giảng dạy (không tham gia vào công việc quản lý) thì nên có cơ chế làm việc linh hoạt hơn cho các thầy cô này thay vì áp dụng các quy định sinh hoạt cứng nhắc như với giảng viên cơ hữu, tránh tạo áp lực không cần thiết trong quá trình công tác.

Cần có chính sách, cơ chế tạo giữ chân đội ngũ giáo sư, phó giáo sư sau tuổi nghỉ hưu

Trong lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là các ngành biểu diễn và kỹ thuật biểu diễn, thầy Thành cho rằng việc duy trì giảng dạy của các giáo sư và phó giáo sư càng trở nên đặc thù hơn, vì số lượng người có học hàm này vốn đã hiếm. Cần có cơ chế linh hoạt trong việc hợp tác với các giảng viên sao cho đảm bảo phù hợp với đặc thù của ngành, đồng thời đáp ứng nhu cầu của cả nhà trường và giảng viên.

GDVN_thầy Thành.jpg
Tiến sĩ Phạm Trí Thành – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Ảnh: Thùy Trang.

"Đội ngũ tiến sĩ cũng cần được khuyến khích cống hiến thêm để mang lại lợi ích lâu dài cho cơ sở đào tạo. Việc quyết định thời gian giảng dạy sau nghỉ hưu không nên chỉ dựa vào học hàm, bởi tiến sĩ cũng hoàn toàn có đủ năng lực để đảm nhiệm tốt công việc giảng dạy và nghiên cứu. Nên xem xét áp dụng chung một mốc thời gian giảng dạy sau nghỉ hưu cho cả giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ", thầy Thành đề xuất.

Tại Trường Đại học Vinh, Tiến sĩ Thiều Đình Phong chia sẻ, hiện tại, nhà trường đã áp dụng các biện pháp như tăng cường đào tạo, phát triển nội bộ, khuyến khích, tạo điều kiện các giảng viên trong giảng dạy, nghiên cứu tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo để nâng cao kỹ năng và chuyên môn của giảng viên hiện tại. Tuyển dụng giảng viên mới, thực hiện tuyển dụng mới, trong đó có chính sách thu hút đội ngũ nghiên cứu trẻ, đội ngũ có chức danh giáo sư, phó giáo sư. Ứng dụng công nghệ, sử dụng các công nghệ giáo dục hiện đại để tối ưu hóa quy trình giảng dạy và nghiên cứu.

Việc khuyến khích các giáo sư, phó giáo sư tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu sau khi đã đến tuổi nghỉ hưu có thể mang lại nhiều lợi ích cho chất lượng giáo dục của đất nước. Thầy Phong cũng đề xuất thêm một số cơ chế có thể được triển khai khuyến khích các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ tiếp tục làm việc sau khi đã đến tuổi nghỉ hưu nếu họ có đủ sức khỏe và có nguyện vọng. Cần có các chính sách đãi ngộ phù hợp, đủ hấp dẫn để giữ chân các nhà giáo là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Hỗ trợ trong công tác nghiên cứu, tạo môi trường làm việc linh hoạt.

Các cơ chế này sẽ tác động tích cực đến chất lượng giáo dục của đất nước. Giúp tận dụng tri thức và kinh nghiệm phong phú của các giáo sư, phó giáo sư, tăng cường khả năng hướng dẫn và đào tạo các thế hệ sinh viên và nghiên cứu sinh, đồng thời đóng góp vào sự phát triển của các nhóm nghiên cứu mạnh và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học. Góp phần tạo ra một hệ sinh thái giáo dục bền vững, nơi kiến thức được truyền thụ và phát triển liên tục, góp phần xây dựng nền giáo dục vững mạnh và tiên tiến hơn.

Thùy Trang