Theo thông báo của Sư đoàn 372 (thuộc quân chủng Phòng không – Không quân, Bộ Quốc Phòng) thì từ ngày 6 đến ngày 10/10, các doanh nghiệp thuê đất quốc phòng ở khu vực phía Tây vành đai sân bay Đà Nẵng phải bàn giao lại cho quân đội, để sử dụng cho mục đích quốc phòng khi cần thiết.
Thu hồi đất quốc phòng cho thuê
Theo Sư đoàn 372, thời gian qua, đơn vị này đã triển khai các hoạt động quản lý, sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế.
Nhiều nhà xưởng trên đất quốc phòng quanh khu vực phía Tây vành đai sân bay Đà Nẵng sẽ bị thu hồi. |
Trong đó có việc hợp tác, tận dụng khai thác quỹ đất hàng chục ngàn mét vuông cho doanh nghiệp thuê sản xuất, kinh doanh.
Mục đích là tạo nguồn thu tài chính cho bổ sung ngân sách, bù đắp vốn đầu tư tải sản và tăng thêm nguồn bổ sung kinh phí phục vụ nhiệm vụ.
Nhiều doanh nghiệp đã hợp tác với Sư đoàn 372 để thuê đất, xây dựng nhà xưởng, trang bị cơ sở vật chất đồ sộ, nhiều máy móc thiết bị hoạt động nhiều năm qua.
Vấn đề đất quốc phòng tại Tân Sơn Nhất: Bộ Quốc phòng vì lợi ích chung |
Tuy nhiên, đến ngày 22/9, Bộ tư lệnh Phòng không – không quân đã ra quyết định thanh lý, chấm dứt hợp đồng giữa Sư đoàn 372 với các doanh nghiệp đã thuê đất tại khu vực này, báo cáo kết quả trước ngày 10/10/2017.
Quyết định này không nói rõ lý do vì sao thu hồi.
Ngày 27/9, Sư đoàn 372 đã gặp gỡ các doanh nghiệp để thông báo chỉ đạo của Bộ Quốc Phòng về việc thu hồi đất quốc phòng sân bay Đà Nẵng, thanh lý các hợp đồng kinh tế.
Thực hiện khắc phục những thiếu sót trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng. Khôi phục nguyên trạng tường rào vành đai sân bay Đà Nẵng, không để xảy ra khiếu kiện.
Theo đó, các doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm chỉ đạo của Bộ Quốc Phòng về việc chấm dứt hợp đồng hợp tác với Sư đoàn 372.
Thực hiện việc di dời các trang bị, phương tiện, hàng hóa… ra khỏi khu đất và bàn giao nguyên trạng đất quốc phòng cho Sư đoàn 372 đúng thời gian quy định.
Lộ trình buộc di dời bắt đầu từ ngày 29/9 đến 6/10.
Từ ngày 6 đến ngày 15/10, đơn vị chức năng tiếp nhận bàn giao đất quốc phòng, tổ chức canh gác đảm bảo an toàn vành đai sân bay, tổ chức xây dựng tường rào vành đai sân bay Đà Nẵng.
Kêu cứu vì bị thu hồi quá gấp
Theo đại diện các doanh nghiệp, việc Bộ quốc phòng yêu cầu thanh lý hợp đồng, thu hồi toàn bộ diện tích đất cho thuê tại khu vực sân bay Đà Nẵng là đúng, không có gì sai.
Cử tri Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị chấm dứt sân golf, nhà hàng trong sân bay |
Tuy nhiên, Bộ cần cho doanh nghiệp thêm thời gian để di chuyển kho tàng, bến bãi, nhà xưởng và tìm thuê các khu đất mới.
Ông Nguyễn Trọng Khải - giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Chuyển giao công nghệ K&H cho biết, đơn vị này thuê hơn 2.800 m2 đất khu vực vành đai sân bay Đà Nẵng để lắp đặt máy móc, sản xuất đến tháng 6/2018 mới hết hạn hợp đồng.
“Công ty đang hoạt động ổn định, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Nay Bộ Quốc Phòng thu hồi đất cho thuê trong thời gian gấp rút (hạn cuối ngày 10/10 là giao đất) khiến chúng tôi không thể nào xoay sở kịp”.
Theo ông Khả, doanh nghiệp đã đầu tư rất nhiều tiền của vào kinh doanh máy móc, thiết bị cơ khí. Nếu di chuyển ngay thì không thể tìm được vị trí tập kết, bảo quản, trong khi khoản nợ tại ngân hàng sẽ khiến công ty phá sản.
Nghiêm trọng hơn là việc nhà máy dừng hoạt động cũng sẽ khiến hàng trăm công nhân rơi vào cảnh thất nghiệp.
Tương tự trường hợp ông Khả, ông Lương Đình Hùng - giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ tổng hợp Đình Hùng đang thuê hơn 30.000 m2 đất khu vực vành đai sân bay cũng thấp thỏm không yên.
Sau khi đã thuê được đất, công ty ông Hùng đầu tư hơn 40 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, bến bãi, tuyển dụng 500 lao động vào làm việc.
“Hợp đồng thuê đất được ký giữa hai bên mới nhất là từ năm 2016 đến năm 2019. Nhưng nay nhận được kế hoạch thu hồi đất của Sư đoàn 372 yêu cầu phải bàn giao mặt bằng trước ngày 10/10 thì quá gấp.
Chúng tôi ủng hộ chủ trương thu hồi đất quốc phòng nhưng cũng phải có lộ trình để công ty sắp xếp, bàn giao”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, những vùng đất mà các doanh nghiệp thuê của Sư đoàn 372 trước đây là đất hoang hóa, bỏ trống.
Do nghĩ rằng sẽ rất lâu nữa, diện tích đất trên mới sử dụng cho mục đích quốc phòng nên các doanh nghiệp mới mạnh dạn thuê và đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị để sản xuất kinh doanh.
Thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 14 doanh nghiệp rơi vào tình cảnh phải “nhổ neo sớm” như trường hợp ông Hùng, ông Khả...
“Chúng tôi chỉ mong Bộ Quốc Phòng cho các doanh nghiệp một lộ trình hợp lý để di dời tài sản, chứ gấp quá sao chuyển hết máy móc, trang thiết bị đi được”, đại diện một doanh nghiệp cho hay.
Ông Khả cho biết, đã cùng nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn ký đơn xin cứu xét về việc thu hồi đất kính gửi lên Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng các cơ quan chức năng.
Trong đó nêu rõ, hiện các doanh nghiệp đều có cơ sở vật chất đồ sộ, máy móc thiết bị nhiều, không dễ gì di chuyển trong ngày một ngày hai.
Do đó, kiến nghị gian hạn thời gian giao mặt bằng lên 6 tháng để doanh nghiệp chuẩn bị.