Phân tích về điểm mạnh - yếu của văn hóa Việt, bạn Thanh Huyền - thủ khoa đầu ra trường Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ: “Văn hóaViệt Nam là văn hóa nhân bản và tinh thần ấy đã tạo ra điểm mạnh cũng như những điểm yếu của người Việt”.
Phát huy mạnh trong thời chiến
Việt Nam là một nước có nền văn hóa đặc sắc. Tinh thần chung của văn hóa Việt Nam là thiết thực, linh hoạt, dung hòa, yêu thương đồng loại.
Thanh Huyền cho rằng: “Điểm mạnh nhất của văn hóa Việt Nam là tinh thần nhân bản. Tinh thần này phát huy tác dụng nhất trong những việc duy trì hòa bình của một quốc gia. Người Việt Nam yêu hòa bình, ghét chiến tranh, ưa sự yên ổn. Tinh thần này được kế thừa từ đời này sang đời khác, không thể chối bỏ rằng việc được sinh sống, học tập, làm việc trong một môi trường ổn định, yên ấm là một niềm hạnh phúc lớn lao”.
Điểm mạnh nhất của văn hóa Việt Nam là tinh thần nhân bản. Tinh thần này phát huy tác dụng nhất trong những việc duy trì hòa bình của một quốc gia. Ảnh minh họa. |
Nhưng nhân bản không có nghĩa là mềm yếu, nhu nhược. Dân gian Việt Nam có câu "Trong nhu có cương", "Lạt mềm buộc chặt", người dân Việt ta đã thấm đẫm được tư tưởng ấy.
Điều này thể hiện thật rõ nét qua thời chiến. Tuy đất nước ta là một nước nông nghiệp, còn nhiều lạc hậu nhưng nhân dân ta quyết không vì thế mà chùn lòng. Coi đất nước như núm ruột, như máu thịt... nhân dân ta đã bền bỉ chiến đấu bảo vệ từng “tấc đất tấc vàng” cùng với tinh thần đoàn kết, kiên trì, dũng cảm, trung thành, những phẩm chất con người Việt Nam đó đã tạo nên một sức mạnh lớn lao không một thế lực nào có thể vùi dập được. Chính vì thế, nhân dân ta đã giành thắng lợi trong nhiều cuộc chiến không cân sức tưởng chừng như chỉ có trong mơ.
Đồng tình với quan điểm của Thanh Huyền, bạn Nguyễn Như Quỳnh, học tập và làm việc tại Hàn Quốc cũng luôn tự hào với bạn bè quốc tế “vì mình là công dân đất nước mấy ngàn năm văn hiến. Tự hào là con của một dân tộc anh hùng "tay không mà giữ được nước", chiến thắng được những đế quốc bạo tàn”.
Nhưng mặt khác, chính tinh thần nhân bản, yêu sự ổn định, hài hòa đã hình thành nên tư tưởng ngại động chạm, thụ động, sự thiếu sáng tạo của phần lớn người Việt. Thời bình, khi xảy ra mâu thuẫn, hầu hết ai cũng chọn “dĩ hòa vi quý” và coi đó là cách giải quyết thấu đáo nhất. Người Việt coi sự hòa thuận, êm thấm là quý hơn cả ,vì thế từ đó sinh ra tính xuê xoa, không phân biệt phải trái theo kiểu “trăm cái lý không bằng một tý cái tình”.
Đó cũng là gốc rễ tạo ra những cản trở nước ta trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Người Việt “tài lanh, khôn lỏi”
Cũng xuất phát từ một nước nông nghiệp với bản chất “tự cung tự cấp” trong thời gian dài mà người Việt vẫn mang tính thụ động, mất đi gần hết sự nhiệt tình thúc đẩy tinh thần năng động, sáng tạo, một yếu tố có tính quyết định đến sự tiến bộ xã hội ở mọi lúc, mọi nơi. Tính vị kỷ, cá nhân bắt đầu bộc lộ trong thời bình, trong sự phát triển.
Điều nay không mâu thuẫn với sự đoàn kết và tinh thần dân tộc trong chiến tranh, bởi khi đó cả cộng đồng phải đối mặt với sự lựa chọn giữa sự sống và cái chết thì mục tiêu phải sống đã đoàn kết được tất cả mọi người nông dân Việt Nam. Trong những trường hợp như vậy, người Việt chúng ta thể hiện được tinh thần đoàn kết dân tộc, cùng chung một mục tiêu, sẵn sàng hy sinh về tổ quốc.
Nhưng, khi đã an bình thì mỗi người lại chui vào “cái tổ” của riêng mình, chăm chăm lợi ích của bản thân. Đây cũng chính là điều mà Thanh Huyền xấu hổ nhất khi nhắc đến sự "tài lanh, khôn lỏi" của một bộ phận cư dân Việt.
“Cũng vì bản tính nông nghiệp, kinh tế khó khăn nên người Việt đã mang trong mình bản tính bo bo, thu vén, “bóc ngắn cắn dài”. Bản tính chung của người Việt đã ăn sâu vào tư tưởng đó là sự thiếu kỉ luật, ích kỉ, vụ lợi cá nhân, chỉ chăm chăm biết được việc ta, không quan tâm đến ánh mắt người khác nhìn và nhận xét về hành động ấy. Chính vì vậy, thỉnh thoảng khi nghe báo chí đưa tin du học sinh Việt xách hàng buôn lậu hay vượt biên trái phép tôi lại thấy đau lòng. Chính những điều đó đã cản trở không nhỏ trong việc hoà nhập với bạn bè quốc tế”.
“Khôn lỏi” để làm được việc của mình, học sinh coi trọng thi cử hơn là học được những gì. Rồi “một người làm quan cả họ được nhờ”, nhiều quan chức sắp xếp công việc cho con cháu mình mà chưa xem người đó có làm được việc hay không?
Những điều cần phát huy: sự thông minh, khéo léo, đức tính kiên trì, cần cù. Nhưng điều cần loại bỏ trong tư duy đó là sự hời hợt, không cố gắng hết mình, làm việc gì cũng chỉ để cho có, đối phó. Cần chủ động nhận thức mình sống vì mục đích gì, phấn đấu vì mục đích gì. Nhiều bạn trẻ Việt Nam chưa xác định đúng mục đích của việc học tập một cách đúng đắn, học đôi khi chỉ vì gia đình ép buộc, hoặc kiếm bằng cấp để cho bằng bạn bằng bè hoặc đơn giản để xin việc cho dễ chứ không xuất phát từ đam mê, sự ham hiểu biết.
Văn hóa được hình thành bởi con người và chính con người là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của văn hóa. Quan tâm đến văn hóa Việt Nam cũng tức là quan tâm đến chính con người, trang bị kiến thức văn hóa cho con người để con người có thể làm chủ và phát triển văn hóa./.
Trả lời cho câu hỏi: "Điểm mạnh nhất của văn hóa Việt Nam nằm ở đâu, những điểm mạnh này phát huy tác dụng nhất trong những hoàn cảnh nào? Bên cạnh đó, yếu điểm của văn hóa Việt Nam là gì?", Thủ khoa trường ĐH Văn hóa Hà Nội - Nông Thị Yến cho rằng: "Điểm mạnh của văn hóa Việt Nam tiêu biểu là tính cộng đồng, thể hiện ở sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau.
Điều này đã được chứng minh bằng thực tiễn lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc của nước ta, với sức mạnh quân sự không mạnh bằng kẻ thù nhưng với tinh thần đoàn kết, cùng lòng yêu nước, khát vọng tự do của mỗi người dân đất Việt, đồng bào ta đã cùng đứng lên một lòng đánh đuổi kẻ thù và giành độc lập dân tộc. Tuy nhiên sức mạnh ấy chỉ được khơi dậy khi đất nước bị xâm lăng hay có sự ảnh hưởng đến lợi ích của một nhóm người....
Chúng ta cần phát huy, nuôi dưỡng và khơi dậy sức mạnh đoàn kết cộng đồng trên mọi mặt của đời sống xã hội; đồng thời loại bỏ tính ỷ lại dựa dẫm....