Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á (WEF Đông Á – tại Manila, Philippines), với tư cách là khách mời danh dự, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên Đối thoại với doanh nghiệp (BIG).
Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nêu bật những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua của Việt Nam. Trong đó đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng trung bình 7,5% trong giai đoạn 1991-2010. Từ một nước kém phát triển, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình từ năm 2010. Năm 2013, GDP bình quân đầu người đạt gần 2.000 USD.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại với các doanh nghiệp dự WEF Đông Á tại Manila, Philippines ngày 22/5/2014. |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, trong giai đoạn suy giảm kinh tế toàn cầu 2011-2013, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế hiệu quả lạm phát, tăng trưởng đạt trung bình 5,6%/năm. Xuất khẩu tăng 22%/năm. Đầu tư nước ngoài tăng mạnh (Vốn đăng ký đầu tư nước ngoài năm 2013 là 23 tỷ USD).
Đáng chú ý, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 4/2014 đã đạt 53,1 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 4/2011. Điều này cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp về sự phục hồi vững chắc của kinh tế Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài là chủ trương lớn của Việt Nam nhằm phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Trong bài phát biểu Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu lên 4 yếu tố nhấn mạnh cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Thứ nhất, Việt Nam chính trị xã hội luôn ổn định vững chắc. Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, hiện đang ở thời kỳ dân số vàng với khoảng 60% dân số trong độ tuổi lao động, có khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng về nhân lực. Với quy mô dân số 90 triệu người, thu nhập và đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, sức mua của thị trường Việt Nam ngày càng tăng.
Thứ hai, với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, Việt Nam không chỉ là cửa ngõ quan trọng của tiểu vùng Mê Công, mà còn là cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN lục địa với ASEAN hải đảo trong không gian kinh tế thống nhất.
Thứ ba, Việt Nam là nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Bên cạnh việc thực hiện các cam kết của WTO và các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đã ký kết, Việt Nam đang tiến hành đàm phán đồng thời nhiều Hiệp định FTA với các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU, Canada, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc,.. với các hiệp định như Hiệp định TPP, RCEP, Hiệp định FTA Việt Nam – EU…
Trong giai đoạn 2015 - 2020, với triển vọng hoàn tất 14 Hiệp định thương mại tự do FTA, Việt Nam sẽ trở thành một đầu mối quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên G-20. Đây là nền tảng cơ bản để Việt Nam hội nhập quốc tế trên tầm cao mới, mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho sự phát triển, tạo môi trường thuận lợi cho các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Thứ tư, Việt Nam đang tích cực thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Chúng tôi đang tiến hành rà soát, sửa đổi hệ thống luật pháp, văn bản pháp lý nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường như: sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Nghị định về mô hình đối tác công - tư (PPP)… Trong giai đoạn 2014-2015, Việt Nam sẽ tiến hành cổ phần hóa hơn 430 doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả những tập đoàn, tổng công ty lớn. Đây là những cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.
“Với những nỗ lực liên tục và thường xuyên của Chính phủ, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện hơn, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn hiệu quả, lâu dài tại Việt Nam. Thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi. Với tinh thần đó, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe và trao đổi" Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tại diễn đàn.