Giữa thời điểm Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển Việt Nam, bên cạnh việc lên án mạnh mẽ hành động này của Trung Quốc, dư luận trong nước và quốc tế cũng lo ngại nếu sự việc tiếp tục căng thẳng kéo dài, kinh tế Việt Nam sẽ bị thiệt hại bởi nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.
Để làm rõ vấn đề này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế độc lập (thành viên chuyên trách Ủy ban chiến lược phát triển Ngân hàng Eximbank).
Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. |
- Hiện có nhiều ý kiến cho rằng kinh tế Việt Nam bị phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, vì thế khi quan hệ giữa hai nước căng thẳng, nếu Trung Quốc gây áp lực kinh tế, Việt Nam sẽ gặp khó khăn, nhận định này có chính xác không, thưa ông?
TS Đinh Thế Hiển: Nói "phụ thuộc" là không đúng bản chất, thật ra kinh tế hai nước đang có lợi ích khá lớn trong giao thương. Trong đó, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên vật liệu cho công nghiệp, hàng công nghiệp gia dụng, tiêu dùng, thực phẩm chế biến chất lượng trung bình trở xuống và xuất khẩu mặt hàng nông thủy sản thô hoặc chế biến, một số mặt hàng công nghiệp nhẹ, than đá...
TS Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế độc lập |
Theo đánh giá hiện nay thì Trung Quốc đang hưởng lợi hơn Việt Nam với mức xuất siêu vào Việt Nam khoản 20 tỷ USD. Mức xuất siêu này tuy không lớn so với quy mô xuất siêu của Trung Quốc nhưng nó đặc biệt quan trọng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của Trung Quốc, những doanh nghiệp đang xuất khẩu rất nhiều mặt hàng vào Việt Nam.
- Theo ông, trên khía cạnh kinh tế, có cách nào để giảm nhập siêu từ Trung Quốc không?
TS Đinh Thế Hiển: Để giảm bớt phụ thuộc nhập siêu từ Trung Quốc, chúng ta phải có kế hoạch đồng bộ và dài hơi từ cấp Chính phủ - doanh nghiệp cho đến người tiêu dùng.
Trước hết với người tiêu dùng, cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe tránh ham rẻ mua hàng kém chất lượng từ Trung Quốc; nâng cao tin thần tiêu dùng hàng Việt để ủng hộ doanh nghiệp và tạo việc làm.
Đối với doanh nghiệp thương mại, phải nâng dần chất lượng hàng bán, tìm những mặt hàng Việt Nam và những mặt hàng các nước khu vực có chất lượng tốt, giá cả hợp lý để thay thế; thay vì ham lời mua hàng giá rẻ, không có xuất xứ, chất lượng rỏ ràng từ Trung Quốc, nhất là dạng buôn tiểu ngạch.
Đối với doanh nghiệp sản xuất, cần từng bước nâng chất lượng sản phẩm, sản xuất những mặt hàng có giá trị gia tăng, do đó đủ chi phí để mua nguyên vật liệu, phụ kiện từ các nước khác. Ngoài ra cần có những doanh nghiệp lớn đầu tư vào ngành vật tư, phụ liệu để thay thế nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đối với chính quyền, nhất là chính quyền địa phương, phải cương quyết và thường xuyên kiểm tra không cho mặt hàng không xuất xứ, trốn thuế, không đúng tiêu chuẩn từ Trung Quốc bán tại địa phương, cạnh tranh không lành mạnh làm các mặt hàng đúng tiêu chuẩn không cạnh tranh lại. Chính phủ cần rà soát để đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật và giám sát hàng nhập lậu để tránh cho hàng Trung Quốc chất lượng kém, giá rẻ do trốn thuế vào Việt Nam.
- Đặt trường hợp, nếu Trung Quốc gây áp lực kinh tế, liệu chúng ta có thể gặp những khó khăn nào?
TS Đinh Thế Hiển: Cần phải thẳng thắn rằng, nhiều mặt hàng tiêu dùng của ta không bằng hàng Trung Quốc xét trên tiêu chí giá cả và mẫu mã, đã đáp ứng nhu cầu giới công nhân và người bình dân. Hàng vật tư, phụ kiện, bán thành phẩm làm nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp như may mặc, công nghiệp tiêu dùng của Trung Quốc cũng phong phú và rẻ hơn Việt Nam.
Do vậy, với 70% dân số còn thu nhập kiêm tốn, cũng như ngành công nghiệp phụ trợ của chúng ta chưa phát triển thì việc chúng ta nhập siêu là tất yếu. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là kinh tế chúng ta đang phụ thuộc vào Trung Quốc mà chỉ là sự chọn lựa có lợi cho doanh nghiệp sản xuất và thương mại để cạnh tranh giá rẻ bán cho người tiêu dùng.
Nếu vì lý do bất khả kháng mà chúng ta bị mất dòng sản phẩm hàng hóa, vật tư từ Trung Quốc, chúng ta hoàn toàn đủ phương án thay thế từ gia tăng sản xuất của công nghiệp nội địa, từ các nước trong khu vực ASEAN và các nước phát triển.
Chúng ta có thể phải chấp nhận giá sản phẩm có tăng lên gây khó khăn cho người tiêu dùng một thời gian; nhưng chất lượng sản phẩm cũng tăng nên. Vấn đề quan trọng là chúng ta cần giải quyết thị trường tiểu ngạch cho khu vực nông thôn, vì nhóm này có thể bị thiệt hại nặng nhất do bị mất thị trường Trung Quốc.
Tóm lại, chúng ta có thể khó khăn trong vài tháng đầu, nhưng chúng ta hoàn toàn đủ sức giải quyết và người thiệt hại nhiều hơn chính là Trung Quốc như đã nêu trên.
- Cũng có ý kiến cho rằng Trung Quốc có thể gây áp lực khó dễ cho những dự án đang triển khai tại Việt Nam và điều đó sẽ khiến môi trường đầu tư ở Việt Nam không được những nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao, ý kiến của ông thế nào?
TS Đinh Thế Hiển: Nếu Trung Quốc tiếp tục gây sức ép thì có khả năng số Doanh nghiệp FDI sẽ giảm, hoặc giảm kế hoạch sản xuất kinh doanh. Nhưng tôi tin rằng phần lớn doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục các hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của mình, cũng như sẽ có những doanh nghiệp mới đầu tư vào Việt Nam bởi vì Việt Nam được đánh giá là môi trường kinh doanh hấp dẩn kể cả 2 khu vực cung ứng cho nội địa và xuất khẩu.
- Xin cảm ơn ông!