Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống Covid-19 ngày 22/4, đồng ý với phương án tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 (thay vì Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia như mọi năm), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố chịu trách nhiệm toàn diện tổ chức kỳ thi này.
Thủ tướng thống nhất với báo cáo về phương án thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng ý kiến phát biểu tại cuộc họp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình về vấn đề này.
Thủ tướng kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 22/4. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Đánh giá cao sự chủ động của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng phương án thi trung học phổ thông phù hợp với tình hình dịch bệnh, Thủ tướng đồng thời yêu cầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành quy chế và hướng dẫn công tác thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng như xét tuyển đại học, cao đẳng.
Trong đó tập trung vào một số việc: Bộ ra đề thi trên tinh thần không đánh đố, học gì thi nấy, nhưng phải nâng cao chất lượng.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến ủng hộ Bộ, dứt khoát tổ chức thi quốc gia |
“Kỳ thi này do chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố chịu trách nhiệm toàn diện, đảm bảo trung thực, an toàn, chất lượng trong điều kiện có dịch bệnh.
Cần tăng cường thanh tra, giám sát của các cấp, các ngành như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an. Cần tăng cường sử dụng công nghệ để đảm bảo tính trung thực của kỳ thi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế cụ thể để áp dụng toàn quốc chặt chẽ, nề nếp, an toàn, trong đó có việc Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức thanh tra, giám sát kỳ thi tại các địa phương, chứ không thể buông lỏng” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý việc đảm bảo phòng, chống dịch trong quá trình tổ chức kỳ thi.
Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng đánh giá cao ngành Giáo dục, các địa phương thời gian qua đã quán triệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo Thủ tướng, ở một đất nước mà hơn 25 triệu học sinh, sinh viên phải ở nhà thì rất nhiều bức bối nhưng từng gia đình, từng cơ sở giáo dục và ngành Giáo dục đều đã chia sẻ, trong đó có không ít cơ sở giáo dục đang gặp khó khăn do dịch bệnh.
Thủ tướng yêu cầu ngành Giáo dục tổ chức cho học sinh đi học trở lại an toàn, chu đáo, trong đó cần phát huy học qua mạng và truyền hình đã rất thành công thời gian qua.
“Vì thời gian học còn lại của học kỳ II ít nên nội dung học phải được ngành Giáo dục tính toán có trọng tâm trọng điểm” - Thủ tướng chỉ đạo.