Thời gian qua, hợp tác kinh tế thương mại là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Indonesia vẫn duy trì vị trí là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Indonesia trong ASEAN với kim ngạch thương mại 11 tháng đầu năm 2023 đạt gần 13 tỷ USD. Hai bên phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 15 tỷ USD và cao hơn ở mức 18 tỷ USD trước năm 2028.
Tại đối thoại, doanh nghiệp hai bên bày tỏ quan tâm về các chính sách phát triển kinh tế của hai nước; cơ chế chính sách và giải pháp nhằm tăng cường hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực của hai nền kinh tế.
Các đại biểu cũng chia sẻ về những xu hướng phát triển, đầu tư mới, các định hướng đầu tư trong thời gian tới; đồng thời đưa ra những đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác, hướng đến sự thành công chung của các doanh nghiệp mỗi nước.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho rằng Indonesia và Việt Nam có có tầm nhìn chung là phấn đấu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045; hy vọng các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam sẽ hợp tác, đầu tư nhiều hơn nữa vào Indonesia, cùng Indonesia hiện thực hóa mục tiêu của mình, nhất là đầu tư vào khu vực Thủ đô mới của Indonesia.
Tổng thống mong muốn Vinfast mở rộng đầu tư vào lĩnh vực xe điện; Vietjet Air mở thêm các đường bay tới các điểm du lịch của Indonesia; Sovico group đầu tư các dự án du lịch, bất động sản; FPT software đầu tư vào lĩnh vực công nghệ. Bên cạnh đó mong muốn có nhiều nhà đầu tư Việt Nam đầu tư vào Indonesia trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, giáo dục, khoa học công nghệ, chế tạo…
Chia sẻ tầm nhìn của Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Chính phủ cho biết, sau gần 70 năm thiết lập, quan hệ Việt Nam – Indonesia không ngừng phát triển. Tuy nhiên hợp tác kinh tế chưa tương xứng tầm với quan hệ chính trị và tầm vóc của hai nền kinh tế hai nước, cũng như mong muốn của hai bên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoanh nghênh các doanh nghiệp Indonesia đã đầu tư vào Việt Nam; cho biết, Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các ngành kinh tế mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ và các ngành mà Indonesia có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu khác như ngành Halal, nông nghiệp...; mong muốn doanh nghiệp Indonesia hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng tại Indonesia và toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, Việt Nam luôn tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh ổn định, lâu dài, thành công tại Việt Nam, trong đó có việc hoàn thiện thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, với phương châm “thể chế chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh” để các doanh nghiệp đầu tư thuận lợi.