Thực hiện NQ35: Cần ban hành quy định đặc thù ưu đãi đất để xã hội hóa GD

01/08/2022 06:33
Linh Hương (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Tỷ lệ trường mầm non NCL vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, việc thu hút khu vực tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chưa đáp ứng yêu cầu.

LTS: Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025.

Mục tiêu của Nghị quyết là đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỷ lệ 8,75% số cơ sở và 8,9% người học vào năm 2020 và lần lượt là 13,5% và 16% vào năm 2025.

Trong đó, Nghị quyết nêu: “Đối với giáo dục mầm non, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh hoặc có số trẻ em trong độ tuổi đi học mầm non, mẫu giáo tăng nhanh do di dân cơ học, phấn đấu đến năm 2020, số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đạt tỷ lệ ít nhất là 20%, tương ứng với số trẻ em theo học đạt khoảng 25%; đến năm 2025, số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đạt 25% với số trẻ em theo học đạt 30%”.

Sau 3 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Ngô Thị Minh – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, hiện đang là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, người có nhiều năm gắn bó với bậc giáo dục mầm non về các mục tiêu trên.

Phóng viên: Được biết, khi còn công tác ở Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội với vai trò Phó Chủ nhiệm, bà từng có nhiều khảo sát đối với bậc giáo dục mầm non. Qua khảo sát, bà đánh giá như thế nào về thực trạng một số địa phương cơ sở giáo dục mầm non chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân nhất là ở các đô thị lớn, tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất?

Tiến sĩ Ngô Thị Minh: Trong những năm qua, do tốc độ phát triển đô thị và khu công nghiệp, dân số cơ học tăng nhanh, nên hệ thống trường mầm non công lập chưa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân.

Người dân/công nhân đa số lựa chọn cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục để gửi trẻ vì cơ sở được bố trí trong khu vực sinh sống (nhà ở, mặt sàn chung cư…) thuận tiện cho việc đưa đón trẻ, có mức học phí vừa phải, đáp ứng được thời gian làm việc theo ca của bố mẹ. Tuy nhiên, một số cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục không đảm bảo điều kiện, có nguy cơ gây mất an toàn đối với trẻ.

Tiến sĩ Ngô Thị Minh – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, hiện đang là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Ngô Thị Minh – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, hiện đang là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (ảnh: NVCC)

Nguyên nhân của thực trạng trên bao gồm:

Dân số cơ học tăng nhanh, công tác dự báo, xây dựng trường mầm non không đáp ứng nhu cầu gửi trẻ; khả năng cung ứng các dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ (cả công lập và ngoài công lập) không theo kịp;

Các cơ chế chính sách, chế tài chưa đủ mạnh để bảo đảm phát triển trường mầm non ngoài công lập đúng hướng, đúng quy hoạch; chưa có chính sách đặc thù đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non dành cho con công nhân nên chưa thu hút được nhà đầu tư; hầu hết không còn quỹ đất sạch tại địa bàn có khu công nghiệp;

Cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục có mức thu học học phí thấp, không có nguồn lực hỗ trợ nên không có kinh phí để đầu tư, sửa chữa cơ sở vật chất thường xuyên.

Nếu để khái quát vai trò của giáo dục ngoài công lập hiện nay ở bậc giáo dục mầm non thì bà sẽ nói điều gì? Và theo bà đâu là nguyên nhân dẫn tới bất cập trong phát triển giáo dục ngoài công lập thời gian qua?

Tiến sĩ Ngô Thị Minh: Trong những năm gần đây, cấp học giáo dục mầm non được toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Thực hiện chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước trong giáo dục, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã tích cực tham gia phát triển giáo dục mầm non, số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đã có những bước phát triển đột phá cả về số lượng và chất lượng, góp phần đáng kể trong việc đảm bảo quyền học tập, chăm sóc, nuôi dưỡng của trẻ em mầm non, giảm bớt gánh nặng và tình trạng quá tải cho các trường mầm non công lập, đặc biệt là ở khu vực đô thị, khu đông dân cư, khu vực có khu công nghiệp, đóng góp quan trọng trong sự phát triển chung của cấp học giáo dục mầm non.

Tính đến hết năm học 2020-2021, cả nước có 3.299 trường mầm non ngoài công lập và hơn 16 ngàn cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục, huy động hơn 1,2 triệu trẻ em tới trường lớp mầm non. Tỷ lệ trường mầm non ngoài công lập đạt 21,3% so với tổng số trường mầm non toàn quốc và là cấp học có tỷ lệ cơ sở giáo dục ngoài công lập cao vượt trội so với các cấp học khác trong hệ thống giáo dục quốc dân (khối phổ thông tỉ lệ trường ngoài công lập mới chiếm khoảng 3%).

Tuy nhiên, tỷ lệ trường mầm non ngoài công lập vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, việc thu hút khu vực tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chưa đáp ứng được yêu cầu.

Theo báo cáo của các địa phương, ở nhiều vùng có điều kiện kinh tế phát triển nhưng tỷ lệ trường mầm non ngoài công lập vẫn còn rất khiêm tốn (Hà Nội 31%; Bắc Ninh 21%; Đồng Nai 43,2%...)

Nguyên nhân là do các cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để thu hút phát triển trường mầm non ngoài công lập vì các quy định ưu đãi đối với giáo dục mầm non vẫn thực hiện theo các quy định chung về xã hội hóa (Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường), chưa có chính sách đặc thù để phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập.

Mục tiêu của Nghị quyết 35 đặt ra “đến năm 2025, số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đạt 25% với số trẻ em theo học đạt 30%”. Bà đánh giá như thế nào về con số này?

Tiến sĩ Ngô Thị Minh: Theo số liệu thống kê năm 2021, toàn quốc có 15.480 trường mầm non và 16.013 nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập (gọi chung là cơ sở giáo dục mầm non độc lập).

Trong đó, có 3299 trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ ngoài công lập (chiếm 21,3% tổng số trường) và 16.013 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục (100% số cơ sở giáo dục mầm non độc lập ngoài công lập) đảm nhiệm việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục hơn 1.241.025 trẻ em mầm non (chiếm 23% số trẻ trong toàn hệ thống).

So với năm 2015, số trường ngoài công lập tăng 55,3%, tỉ lệ trường ngoài công lập trên tổng số trường tăng 6,5% (năm 2015, số trường ngoài công lập chiếm tỉ lệ 14,5%); Tỉ lệ số trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở ngoài công lập đã tăng 8,5% (năm 2015, số trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở ngoài công lập chiếm tỉ lệ 14,5%).

Điều này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của loại hình trường ngoài công lập cũng như nhu cầu xã hội về dịch vụ giáo dục mầm non.

Thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành khảo sát trên phạm vi toàn quốc việc đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non; việc phát triển giáo dục mầm non tại các vùng kinh tế khó khăn, địa bàn các khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động; tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 9 năm 2020 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, trong đó quy định cụ thể Chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển giáo dục mầm non; Ban hành Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT: trao quyền chủ động cho địa phương, cơ sở giáo dục mầm non, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình giáo dục mầm non.

Căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch phát triển giáo dục mầm non trong đó ưu tiên lồng ghép các nội dung xã hội hóa, phát triển cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trong các chương trình, kế hoạch phát triển phù hợp điều kiện, mức độ phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục mầm non tại địa phương.

Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố cũng chủ động phối hợp với các sở, ngành tổ chức xây dựng kế hoạch, lộ trình thu hút các nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2019-2025, phấn đấu đạt mục tiêu của Nghị quyết 35 đặt ra đến năm 2025.

Ở cương vị mới là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì khi làm việc với các địa phương bà đã đề cập những khó khăn, vướng mắc vừa nêu chưa? Tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp như thế nào để cùng với các địa phương hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết 35 đặt ra?

Tiến sĩ Ngô Thị Minh: Bộ Giáo dục và Đào tạo trong những năm qua đã khảo sát nắm bắt tình hình, kiểm tra, đánh giá những khó khăn, vướng mắc và đề nghị các địa phương như:

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục đầu tư công theo hướng ưu tiên các dự án xây dựng cơ sở giáo dục mầm non tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực đông dân cư, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn hoặc sử dụng một phần kinh phí trích từ nguồn kinh phí thu từ khu công nghiệp, khu chế xuất để tái đầu tư xây dựng trường, lớp mầm non chuyển giao cho các cá nhân, tổ chức quản lý, điều hành hoạt động theo hình thức đối tác công tư PPP.

Xem xét quy định lại các chính sách xã hội hóa về đất đai cho phù hợp với Luật Quy hoạch, làm cơ sở giải quyết các ưu đãi cho nhà đầu tư được hưởng chính sách xã hội hóa theo quy định

Ngoài ra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có báo cáo thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP theo các nhiệm vụ được giao và đề xuất, kiến nghị các giải pháp đối với Chính phủ và Bộ, ban ngành như:

Đối với Chính phủ:

Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý về địa vị pháp lý, quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức đầu tư cho giáo dục và các cơ sở giáo dục ngoài công lập; tạo cơ chế mở thu hút các nhà đầu tư cho giáo dục; tháo gỡ các bất cập trong các quy định hiện hành về quy hoạch, đất đai; giảm các thủ tục hành chính trong kinh doanh giáo dục.

Thứ hai, ban hành các quy định đặc thù trong việc ưu đãi đất, cho thuê đất và tài sản công để thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút nhà đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo; bổ sung một số quy định của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP để đảm bảo phù hợp với điều kiện hiện nay như “Xây dựng cơ sở vật chất cho thuê để thành lập các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập với phí cho thuê hấp dẫn, đủ khuyến khích ở những nơi không thể phát triển cơ sở giáo dục mầm non công lập”.

Đây là một giải pháp đột phá để giải quyết dứt điểm những khó khăn về thiếu trường, lớp mầm non ở khu vực có khu công nghiệp tồn tại trong thời gian qua. Giải pháp này thể hiện sự quan tâm đầu tư của Nhà nước đối với địa bàn có khu công nghiệp (là địa bàn được ưu đãi đầu tư, áp dụng đối với địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo pháp luật về đầu tư quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế).

Đồng thời không làm tăng gánh nặng của ngân sách nhà nước trong chi thường xuyên để duy trì hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Thứ ba, xây dựng, ban hành các chính sách đảm bảo công bằng về quyền lợi đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập để thu hút các nhà đầu tư.

Thứ tư, khuyến khích một số tỉnh, thành phố (nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, đông dân cư, vùng khó kinh tế đặc biệt khó khăn, nơi mà mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non công lập không đáp ứng đủ) thí điểm triển khai cấp ngân sách hỗ trợ hoạt động chi thường xuyên cho cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể mức hỗ trợ, tùy thuộc vào số lượng trẻ được huy động và quy định mức hỗ trợ học phí cho trẻ em của cơ sở đó. Hàng năm cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập quyết toán khoản chi này với ngân sách nhà nước theo đúng quy định.

Thứ năm, bổ sung Dự án xây dựng cơ sở giáo dục mầm non tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn vào Danh mục các dự án được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước theo Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/03/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Thứ sáu, xây dựng cơ chế, chính sách chuyển đổi một số cơ sở giáo dục mầm non công lập thành ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa.

Thứ bảy, tăng cường các mô hình liên kết, hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài với các mức ưu đãi hấp dẫn.

Đối với các bộ, ngành: Đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan sớm tham mưu, xây dựng trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục xã hội hóa giáo dục; hướng dẫn nhà đầu tư tham gia đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và có cơ chế quản lý, giao quyền tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; tạo cơ chế công bằng đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ, phối hợp với các Bộ, Ban, ngành để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Ngô Thị Minh.

Linh Hương (thực hiện)