Nửa chặng đường thực hiện NQ 35: Số người học trường ngoài công lập mới đạt 7%

19/07/2022 06:36
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP, công tác huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục và đào tạo tại các địa phương đến nay thế nào?

­Năm 2019, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025.

Theo đó, mục tiêu của Nghị quyết là: Đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỉ lệ 8,75% số cơ sở và 8,9% người học vào năm 2020 và lần lượt là 13,5% và 16% vào năm 2025. Đặc biệt, Nghị quyết 35 đặt mục tiêu mở rộng số cơ sở cũng như số lượng người học ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập đối với từng cấp học.

Đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỉ lệ 8,75% số cơ sở và 8,9% người học vào năm 2020 và lần lượt là 13,5% và 16% vào năm 2025. (Ảnh minh họa: Ngân Chi).

Đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỉ lệ 8,75% số cơ sở và 8,9% người học vào năm 2020 và lần lượt là 13,5% và 16% vào năm 2025. (Ảnh minh họa: Ngân Chi).

Thực tế cho thấy, hệ thống giáo dục ngoài công lập đã và đang khẳng định vai trò là một thành phần quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam, gánh vác một phần tải trọng cho giáo dục của cả nước. Tuy nhiên sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP, công tác huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục và đào tạo tại các địa phương chưa đạt như mục tiêu Chính phủ đặt ra.

Theo niên giám thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2020-2021, toàn quốc có hơn 4.000 trường ngoài công lập với trên 1,8 triệu học sinh, sinh viên (chiếm tỉ lệ 7% so với tổng số học sinh, sinh viên cả nước). Số lượng nhà giáo đang làm việc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập có khoảng 135.000 người (chiếm tỉ lệ khoảng 11% so với tổng số giáo viên/giảng viên cả nước) (1)

So với mục tiêu của Nghị quyết 35 là đạt 8,9% người học vào năm 2020 thì rõ ràng con số 7% người học của năm học 2020-2021 cho thấy tiến độ triển khai còn rất chậm, chưa đáp ứng mục tiêu đã đặt ra.

Được biết, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm học 2020-2021 cho thấy, sau khi các địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, so với năm học 2019-2020, tổng số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giảm 0,59%, trong đó tiểu học giảm 2,69%; trung học cơ sở giảm 2,86%, mầm non tăng 0,56%, trung học phổ thông tăng 0,08% và trường liên cấp tăng 12,25%.

Số lượng giảm tập trung ở hệ thống cơ sở giáo dục công lập, trong khi đó hệ thống giáo dục ngoài công lập lại có xu hướng gia tăng so với năm học trước, đặc biệt là cấp mầm non (tăng 5,38%), tiểu học (tăng 3,73%) và trung học cơ sở (tăng 22,22%).

Hệ thống các cơ sở giáo dục ngoài công lập tiếp tục mở rộng, chiếm tỉ lệ ngày càng cao, giúp giảm áp lực cho các địa phương có nhu cầu cao về trường, lớp, đáp ứng quy mô học sinh tăng nhanh, đặc biệt là ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp. Các địa phương đã triển khai các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng để hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập, huy động các nguồn lực của xã hội để phát triển giáo dục, đào tạo.

Số lượng trường, lớp thuộc hệ thống giáo dục ngoài công lập bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đều tăng từ năm học 2019-2020 đến năm học 2020-2021. (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Số lượng trường, lớp thuộc hệ thống giáo dục ngoài công lập bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đều tăng từ năm học 2019-2020 đến năm học 2020-2021. (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Đối với giáo dục đại học, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, làm cơ sở pháp lý để các cơ sở giáo dục đại học triển khai thực hiện tự chủ theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học như:

Về tự chủ tài chính: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Tài chính để bổ sung các nội dung tự chủ thu, chi, quản lý, sử dụng kinh phí của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng vào Nghị định quy định cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo; đây là lần đầu tiên có các quy định về điều kiện tự chủ tài chính của cơ sở giáo dục đại học với các quy định cụ thể về nguồn tài chính, sử dụng nguồn tài chính và phân phối kết quả tài chính trong năm của các cơ sở giáo dục đại học;

Tính đến ngày 31/7/2021, tỉ lệ kiện toàn Hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục đạ học đạt 81,1%. (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Tính đến ngày 31/7/2021, tỉ lệ kiện toàn Hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục đạ học đạt 81,1%. (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Về tự chủ hoạt động chuyên môn: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh, xác định chỉ tiêu tuyển sinh nhằm đẩy mạnh quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học trong công tác tuyển sinh , các quy chế đào tạo, quy định về chuẩn chương trình đào tạo, liên kết đào tạo, đánh giá chất lượng chương trình;

Về tổ chức: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản về quy chế tổ chức và hoạt động, hướng dẫn thực hiện dân chủ và tiêu chuẩn chức danh đối với đội ngũ, công văn đôn đốc và hướng dẫn các bộ, ngành địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc kiện toàn hoặc thành lập Hội đồng trường theo quy định.

Kết quả thực hiện tự chủ ở các cơ sở giáo dục đại học cho thấy, thực hiện tự chủ trong việc mở ngành đào tạo/chương trình liên kết đào tạo là một nội dung quan trọng trong hoạt động tự chủ.

Bên cạnh việc mở ngành đào tạo mới, phát triển các chương trình liên kết đào tạo trong và ngoài nước, các trường cũng tích cực thay đổi nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy tiên tiến, tiếp cận với chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo quốc tế, chủ động tăng cường công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục. Quy mô tuyển sinh sau tự chủ có xu hướng giảm, trong đó giảm mạnh đào tạo đại trà và tăng đào tạo chất lượng cao.

Tài liệu tham khảo:

(1) https://giaoducthoidai.vn/thao-luan-de-xuat-chinh-sach-cho-cac-nha-giao-ngoai-cong-lap-nha-giao-nguoi-nuoc-ngoai-post599020.html

Ngân Chi