Quan điểm trái chiều của Liên bộ
Qua ba lần tăng giá xăng vào các ngày 11/3, 5/5 và 20/5 vừa qua, giá xăng đã tăng thêm 4.800 đồng mỗi lít. Mức tăng chóng mặt của giá xăng bắt đầu ngay sau thời điểm điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường mới.
Cụ thể, kể từ ngày 01/5/2015, mức thuế bảo vệ môi trường đối với một số mặt hàng xăng dầu có điều chỉnh tăng. Mặt hàng xăng, nhiên liệu bay thuế bảo vệ xăng dầu tăng từ 1.000 đ/lít lên 3.000 đ/lít; Mặt hàng dầu diezel: tăng từ 500 đ/lít lên 1.500 đ/lít; Mặt hàng dầu mazut: tăng từ 300 đ/lít lên 900 đ/lít; Mặt hàng dầu hoả: giữ nguyên mức thuế là 300 đ/lít.
Ngay sau thời điểm điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường, giá xăng dầu bắt đầu tăng, ngày 5/5 giá xăng điều chỉnh tăng lên 2.000 đồng mỗi lít, tiếp đó đến ngày 20/5 giá xăng điều chỉnh tăng tiếp lên 1.200 đồng/ lít.
Bài viết của Bộ Tài chính nhằm bảo vệ quan điểm thuế bảo vệ môi trường không tác động đến giá xăng (ảnh chụp màn hình) |
Việc giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng ngoài tác động thị trường xăng dầu thế giới, dư luận cho rằng giá xăng tăng do tác động thuế bảo vệ môi trường.
Trước băn khoăn này của người dân, ngày 2/6 trong bài viết có nhan đề: “Tương tác giữa thuế bảo vệ môi trường và thuế nhập khẩu trong giá cơ sở không làm tăng giá xăng dầu trong nước”, Bộ Tài chính tiếp tục bảo vệ quan điểm việc tăng thuế bảo vệ môi trường lên 300% với mặt hàng xăng không tác động đến giá mặt hàng này trong các đợt điều chỉnh giá, nhất là đợt điều chỉnh ngày 20/5.
Để dẫn giải và chứng minh cho quan điểm của mình, Bộ Tài chính liệt kê so sánh giá mặt hàng và tác động của chính sách điều hành.
Theo đó, Bộ Tài chính cho rằng ngày 14/4/2015, sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng, xăng sinh học (E5, E10), dầu sinh học (B5, B10), dầu hỏa từ 35% xuống 20%, dầu diesel từ 30% xuống 20%, dầu mazut giảm từ 35% xuống 25% và nhiên liệu bay từ 25% xuống 10%.
Đến ngày 4/5/2015, thuế nhập khẩu dầu diesel tiếp tục được giảm còn 12% và còn 10% từ ngày 20/5.
Theo Bộ Tài chính, đến trước thời điểm áp dụng thuế bảo vệ môi trường mức mới thì thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng xăng dầu đã giảm sâu, với xăng giảm 15% (từ 35% xuống 20%) dầu diesel giảm 20% (từ 30% xuống 10%).
Trong khi ngày 1/5/2015, thuế bảo vệ môi trường điều chỉnh tăng đối với xăng, dầu mới được áp dụng do đó Bộ Tài chính cho rằng thuế bảo vệ môi trường không tác động đến giá xăng tăng.
Dẫn số liệu chứng minh, Bộ Tài chính cho hay giá dầu thô thế giới tại thời điểm 31/5 ở mức 58,68 USD/thùng với thuế nhập khẩu như trước là 35%, cộng thuế bảo vệ môi trường mức mới là 3.000 đồng/lít thì giá cơ sở của mặt hàng xăng tại Việt Nam phải là 23.582 đồng/lít.
Nhưng khi thay đổi mức thuế nhập khẩu xăng về 20%, giá cơ sở thực tế của xăng chỉ là 21.540 đồng/lít.
Bộ Tài chính khẳng định: “Việc giảm thuế nhập khẩu theo tính toán đã giúp giá cơ sở giảm 2.042 đồng/lít. Mức giảm của giá xăng cao hơn mức tăng thuế bảo vệ môi trường là 2.000 đồng/lít (từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít).
Điều này chứng tỏ việc tăng thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1/5 vừa qua không làm tăng giá xăng, dầu trong nước thông qua việc tính toán tương tác giữa thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường trong cơ cấu giá cơ sở”.
Trái ngược với khẳng định của Bộ Tài chính, trả lời báo chí bên lề hành lang Quốc hội mới đây sau đợt tăng giá xăng dầu ngày 20/5, Bộ trưởng Bộ Công thương đưa ra phân tích và thừa nhận, thuế bảo vệ môi trường tác động khiến giá xăng tăng thêm 162 đồng/lít.
Có thể thấy, cùng là cơ quan điều hành giá mặt hàng xăng dầu, nhưng quan điểm của Bộ Công thương và Tài chính đã có sự “vênh” nhau.
Chuyên gia kinh tế lên tiếng
Trước quan điểm khác nhau của Bộ Tài chính và Công thương, đứng ở góc nhìn chuyên gia về giá, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả cho biết: “Giữa hai quan điểm ấy cách tính của Bộ Tài chính không chuẩn xác, cách tính Bộ Công thương tương đối đúng tuy nhiên chưa thực sự chính xác”.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nếu tính toán đúng thì thuế bảo vệ môi trường làm tăng thêm 305 đồng mỗi lít xăng.
Cụ thể, thuế suất thuế nhập khẩu xăng giảm 15%, nhưng giảm 15% đó mới là giá nhập khẩu xăng. Trong khi giá nhập khẩu chỉ bằng 1/2 giá bán lẻ. Với giá xăng hiện 20.430 đồng/lít thì giá nhập khẩu khoảng 10.000 đồng.
Sự chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá nhập khẩu xăng, theo PGS.TS Ngô Trí Long do từ giá nhập đến giá bán lẻ giá mội lít xăng phải cộng thêm các chi phí khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, chi phí vận tải, chi phí bảo hiểm… Tất cả chi phí này khiến giá bán lẻ tăng lên gấp đôi so với giá nhập.
Mặt khác, thuế bảo vệ môi trường hiện nay 3.000 đồng/lít (chiếm khoảng 15% giá xăng bán lẻ).
Như vậy việc giảm 15% thuế suất thuế nhập khẩu không thể bằng với việc tăng 15% thuế bảo vệ môi trường do giá xăng nhập khẩu chỉ bằng nửa giá bán lẻ.
Nói cách khác giảm 15% của 1 đồng không thể bù cho việc tăng 15% của 2 đồng
“Cách tính của Bộ Công thương đúng nhưng chưa đầy đủ, đúng ra việc tăng thuế bảo vệ môi trường khiến 1 lít xăng tăng thêm 305 đồng, như vậy lý giải của Bộ tài chính không chính xác”, PGS.TS Ngô Trí Long kết luận.
Trước đó tại cuộc họp thường kỳ Bộ Công Thương chiều 1/6, đại diện Vụ Chính sách thị trường trong nước cho biết, tính từ sau đợt điều chỉnh lần trước (ngày 20/5), giá xăng dầu trên thị trường thế giới hiện đang có xu hướng giảm. Do đó, đây sẽ là cơ hội để xem xét điều chỉnh giảm giá xăng dầu hoặc giảm mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Cụ thể, từ ngày 20/5 giá dầu thô thế giới là 81.343 USD/thùng, đến ngày 31/5 giá 81.307 USD thùng, giá đã giảm vài chục cent. Dầu diesel từ mức giá bình quân 79 USD/thùng nay đã hạ xuống chỉ còn khoảng 76 USD/thùng. Cả dầu thô giao ngay và dầu diesel đã có xu hướng giảm là rõ rệt.
So với giá bình quân được cơ quan điều hành giá xăng dầu công bố hôm 20/5 (lần công bố gần nhất) thì giá xăng RON92 tương đương, hai loại dầu giảm gần 2 đô la Mỹ/thùng.
Nhờ vậy, giá cơ sở tính đến ngày 2/6 của mặt hàng xăng A92 hiện còn cao hơn giá bán lẻ hiện hành khoảng 1.000 đồng/lít; dầu diesel tương đương còn dầu hỏa thì thấp hơn 400 đồng/lít.
Hiện tại, doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đang được cho phép sử dụng từ quỹ bình ổn 1.054 đồng cho mỗi lít xăng; 328 đồng cho mỗi lít dầu diesel (riêng dầu hỏa không xả quỹ).
Nếu xu hướng giá này tiếp tục kéo dài đến ngày 4/6, ngày cơ quan liên ngành công bố thông tin giá tiếp theo thì giá bán lẻ trong nước sẽ tránh được áp lực tăng giá như đã diễn ra hai lần liên tiếp trong tháng 5.