Ngay khi kết quả bay thử nghiệm trong Hệ thống buồng lái giả định (SIM) đường bay thẳng Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh qua không phận Lào và Campuchia được Cục hàng không (HK) công bố ngày 4/9, các chuyên gia ngành hàng không đã đặt ra những nghi vấn về độ chính xác của kết quả này.
Trong động thái mới nhất (ngày 5/9), Cục HK cho biết đang đề nghị Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tham gia kiểm tra lại kết quả bay thử nghiệm. Đưa ra lý do đề xuất JICA kiểm tra, Cục HK cho rằng nhằm cùng JICA bằng phương pháp, thiết bị máy móc của họ tính toán xem đường bay, phương thức bay mà Cục HK đưa ra đã là tối ưu hay chưa.
So sánh đường bay thẳng (hình bên phải) và đường bay hiện nay (hình trái) |
Theo Cục HK, việc đề nghị một cơ quan độc lập kiểm tra lại kết quả bay thử nghiệm là cần thiết. Nếu còn dư địa thì sẽ điều chỉnh lại để xem xét khả năng có thể rút ngắn thêm được thời gian bay hay không.
Tuy nhiên việc mời JICA tham gia kiểm tra tính toán đường bay, phương thức bay của Cục HKVN chỉ diễn ra sau 1 ngày công bố kết quả kiểm nghiệm khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi: Phải chăng kết quả vừa công bố chưa đáng tin cậy hay Cục HKVN chưa tự tin vào kết quả thử nghiệm do chính Cục đưa ra?
Mặt khác, nhằm giải tỏa tất cả các nghi vấn, nên chăng Cục HK tổ chức một cuộc bay thử nghiệm có sự chứng kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia và kể cả các cơ quan truyền thông thay vì cách làm âm thầm như vừa qua?
Cục HK và VNA đang làm “ảo thuật gia" trước công luận?
Nhận định về kết quả cuộc thử nghiệm vừa qua, TS Trần Đình Bá - Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam khẳng định: Công luận khát khao được minh bạch vì trong đó có quyền lợi chính đáng của họ.
“Tiết kiệm được bao nhiêu để đưa vào hạch toán là vấn đề cần thiết để “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” chứ không thể làm bí mật âm thầm", TS Bá nói.
Theo TS Trần Đình Bá, việc thử nghiệm đường bay thẳng mang tầm quốc gia, rất quan trọng để giảm chi phí, giảm khó khăn cho Ngành Hàng không. Tuy nhiên Cục HKVN lại thực hiện một cách thiếu minh bạch do đó, kết quả thử nghiệm vừa qua chưa thể thuyết phục. Bởi lẽ một cuộc thử nghiệm khoa học bao giờ cũng phải lập quy trình, xét duyệt thẩm định sơ đồ tính, công thức tính, cơ sở khoa học để tính…
Trong khi đó nếu thử nghiệm sai, chỉ cần một thông số xét nghiệm máy sai lệch có thể gây thảm họa chết người, xét nghiệm sức bền vật liệu cẩu thả không tuân thủ quy trình có thể làm sập công trình, chìm tàu bè... Thông số kinh tế sai có thể làm sập đổ một dự án, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế mà Nhà nước phải gánh. Cụ thể hôm nay là ngành hàng không đang thua lỗ nặng nề, chậm chuyến hủy chuyến tăng, nguy cơ tai nạn hàng không do thiết bị cũ kỹ, máy bay trục trặc...
Theo TS Trần Đình Bá, việc Vietnam Airlines nộp đơn lên Chính phủ xin trợ cấp trước giờ IPO trước đó cũng là hành động bất bình thường bởi chỉ mới trước đó không lâu (ngày 11/6/2013), tại Hội nghị tổng kết 5 năm “Tối ưu hóa đường hàng không năm 2008-2012” , Cục HKVN đã lạc quan công bố: Riêng Vietnam Airlines được hưởng lợi trọn vẹn tới 3.000 tỷ đồng nhờ nắn chỉnh đường bay, giảm giờ bay trên những đường bay tối ưu do Cục HKVN lập ra. Lãnh đạo Vietnam Airlines cũng đã ngợi ca thành tích này.
Vậy họ đã làm lợi 3.000 tỷ nắn chỉnh đường bay như thế nào, sơ đồ đường bay, số liệu tính toán, 3.000 tỷ đó đang nằm ở đâu mà nay lại xin trợ cấp? Đó là những câu hỏi mà Cục HK, Vietnam Airlines cần nói rõ.
Việt Nam đã có Luật kế toán, Luật thống kê, Luật đo lường và những Pháp lệnh liên quan 3 bộ luật này đề cao vai trò trung thực của các số liệu có ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc dân, sức khỏe, đời sống dân sinh, chất lượng công trình và hoạt động minh bạch của Doanh nghiệp.
"Cục HK và Vietnam Airlines đang làm “ảo thuật gia" trước công luận và sẽ phải trả lời trước công luận về số liệu thiếu minh bạch và thiếu công khai của một cuộc thử nghiệm mang tầm quốc gia vừa qua", TS Trần Đình Bá nhấn mạnh.
Thuê JICA: Không cần thiết
Về động thái Cục HKVN mời JICA kiểm định kết quả thử nghiệm, TS Trần Bá cho rằng không cần thiết.
Ông Bá phân tích, người Việt Nam có đủ năng lực trình độ, có cả Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ, Viện Toán học cao cấp. “Chúng ta đã tính được quỹ đạo cho tàu Apolo 11 lên mặt trăng từ 1969, là cường quốc về Toán học, Vật Lý, Tin học… vì sao không tự tin mà phải dựa vào nước ngoài những chuyện như thế”, TS Bá nêu vấn đề.
“Cục HKVN cái gì cũng đòi đi thuê, từ thiết kế đường bay, nay lại thẩm định. Vậy 100 TS hàng không làm cái gì? Đóng vai trò gì? Vì vậy không cần phải thuê người nước ngoài thẩm định, chỉ có người làm có trách nhiệm với luật pháp của chính mình”, TS Trần Đình Bá thẳng thắn.
Cùng khẳng định như TS Trần Đình Bá, cựu phi công Mai Trọng Tuấn cho rằng không nhất thiết phải bay thử nghiệm bởi ngay trên bản đồ cũng đưa ra kết quả chính xác.
Ông Tuấn cũng cho rằng, kết quả quãng đường bay giảm đi không đáng kể từ cuộc thử nghiệm vừa qua có thể do máy bay khi cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất hướng 250o (hướng từ Đông – Tây, do đài đặt hướng đông), vì vậy máy bay phải lượn vòng hết vòng 1, quay lại ngang sân bay sau đó đi về hướng đông... như vậy quay đúng 180o. Quãng đường quay lại đó phải được trừ đi cũng như trừ đi mức nhiên liệu tiêu thụ hay không, hao mòn động cơ hay không. Ngược lại nếu tính cả quảng đường bay vòng lại thì đã “ăn gian” cả chục km.
Về vấn đề Cục HKVN thuê đơn vị nước ngoài kiểm tra lại, ông Tuấn cũng khẳng định là không cần thiết. Thực tế đường bay, phương thức bay nếu thực hiện đúng sẽ cho kết quả chính xác. Hơn nữa việc thuê đơn vị nước ngoài kèm theo chi phí sẽ tốn kém cho Nhà nước.