Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư sáng ngày 15/6 các đại biểu Quốc hội đã xoáy vào vấn đề đầu tư dự án giao thông trong đó có dự án đường cao tốc. Theo nhiều đại biểu chi phí xây dựng đường cao tốc tại Việt Nam hiện nay đang ở mức cao hơn so với các nước.
Trước chất vấn của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu ông Trương Quang Nghĩa - Bộ trưởng Giao thông vận tải cùng tham gia trả lời.
Theo ông Nghĩa thì suất đầu tư dự án đường cao tốc tại Việt Nam thấp hơn nhiều nước, và nêu ra những so sánh với Mỹ, Áo, Đức...
Trả lời của “tư lệnh” ngành giao thông ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận.
Trả lời chất trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - ông Trương Quang Nghĩa cho biết, suất đầu tư cao tốc của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trên thế giới - ảnh Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Cần kiểm soát suất đầu tư
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, trước những thông tin khác nhau về suất đầu tư đường cao tốc tại Việt Nam nên đại biểu Quốc hội lên tiếng là điều rất đúng nhằm kiểm soát đầu tư công.
Thực tế theo ông Liên suất đầu tư 1km đường cao tốc tại Việt Nam hiện nay đang mức cao do Bộ Giao thông vận tải cho phép đầu tư ồ ạt, làm với bất cứ giá nào, làm theo nhiệm kỳ với căn bệnh phong trào, không quan tâm đến giá thành đầu tư nên suất đầu tư quá cao.
Dẫn chứng cụ thể, ông Liên cho biết: 1 Km đường cao tốc 4 làn được tại 25 bang ở Mỹ chỉ có giá 7 triệu USD, tại Ả Rập Thống Nhất cao tốc 12 làn xe không hạn chế tốc độ chi phí xây dựng chỉ 4 triệu USD/Km. Còn tại Việt Nam chi phí trung bình lên đến 20 triệu USD/Km.
Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam - ảnh: Hoàng Lực. |
Theo ông Liên, dù Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định suất đầu tư đường cao tốc ở Việt Nam thấp tuy nhiên qua thanh tra, kiểm toán thì lại chỉ ra vấn đề ngược lại.
Tháng 10/2015, thanh tra Bộ Kế hoạch và đầu tư sau khi vào cuộc kiểm tra đã chỉ ra chi phí dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua Khánh Hòa chỉ hơn 1.400 tỷ đồng, trong khi tổng mức đầu tư dự án lên đến 2.700 tỷ đồng, chênh lệch lên đến 1.200 tỷ đồng.
Tương tự dự án Quốc lộ 1 Phan Thiết - Đồng Nai hoàn thành chỉ hết 1.600 tỷ đồng chứ không phải 2.000 tỷ đồng như dự toán.
Mới đây nhất, vào tháng 2/2017 Kiểm toán Nhà nước cho biết nhiều dự án trong số 27 dự án kiểm toán phải giảm 5-7 năm thu phí. Tổng cộng tất cả các dự án, giảm tới gần 100 năm thu phí. Điều đó chứng tỏ mức đầu tư so với thực tế chênh lệch.
Ngay tại Hà Nội, hai dự án đường cao tốc được đầu tư theo hình thức BOT phát sinh nhiều vấn đề. Cụ thể, dự án giao thông đầu tư BOT có hiện tượng phí chồng phí, thu phí khống. Chẳng hạn cả 2 giai đoạn dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ có mức đầu tư 6.000 tỷ đồng, giai đoạn 1 đầu tư 2.000 tỷ đồng.
Tương tự là sai quy chuẩn đường cao tốc như tại dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang, dù được thiết kế là đường cao tốc tốc độ cho phép đi 100km nhưng lại thiếu đường gom.
Dù vậy Bộ Giao thông vận tải vẫn cho nhà đầu tư thu phí trên toàn tuyến.
Theo ông Liên nguyên nhân gây ra suất đầu tư đường cao tốc Việt Nam cao do việc xây dựng đầu tư đường cao tốc thời gian qua làm một cách vội vàng.
‘Về mặt lý thuyết đều đúng quy trình thẩm định các cơ quan nhưng về cách làm chưa khoa học thể hiện ở việc các nhà đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc đưa lên Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch đầu tư phê duyệt.
Tuy nhiên sau khi nhà đầu tư đưa lên việc khảo sát thực tế, nghiên cứu mức đầu tư, suất đầu đường cao tốc có phù hợp hay không thì các bộ chưa chưa làm sát sao”, ông Liên đánh giá.
Ông Liên cho rằng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải dù nói suất đầu tư đường cao tốc ở Việt Nam cao hay thấp nhưng rõ ràng qua kết quả kiểm toán đưa ra kết luận giảm năm thu phí ở nhiều dự án có thể thấy mức đầu tư không nhưng không thấp mà đang có sự gian dối giữa đầu tư thực tế và con số báo cáo.
Ô tô và xe máy cùng lưu thông trên đoạn cao tốc Hà Nội - Bắc Ninh (nằm trong tuyến đường BOT cao tốc Hà Nội - Bắc Giang)/Ảnh nguồn: VOV. |
“Do quy trình xét duyệt suất đầu tư chưa đến nơi đến chốn, khảo sát đánh giá các dự án năm nay nhưng phải nhiều năm sau mới thực hiện nên khi thi công phát sinh chi phí là điều dễ hiểu. Để giảm suất đầu tư đường cao tốc chúng ta không nên vội vàng.
Đường cao tốc làm nhanh sẽ giúp phát triển kinh tế đất nước nhưng nếu xảy ra vấn đề sẽ gây tác động lớn”, ông Liên nói.
Phải nhìn vào chất lượng và thời gian thu phí
Theo ông Liên khi đầu tư dự án đường cao tốc cần kiểm soát suất đầu tư để đảm bảo mức thu phí phù hợp.
“Hiện mấy trăm kilômét đường cao tốc mà ngành vận tải, người dân phải chịu đựng phí rất cao, thêm vào đó là khoảng cách các trạm thu phí không đảm bảo, hay việc không đi đường cao tốc phải trả phí…Những vấn đề này cần được khắc phục trước khi bàn việc xây dựng thêm đường cao tốc hay suất đầu tư đường cao tốc”, ông Liên cho biết.
Về việc xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam ông Liên nêu quan điểm không vội vàng. Đặc biệt để tránh việc suất đầu tư bị nâng lên với trước mỗi một dự án ông Liên đề nghị cần làm mẫu 1 km đường. Chi phí đầu tư làm 1 km đường hết bao nhiêu công bố để người dân và dư luận biết để giám sát.
Nghiệm thu cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, thấy rõ bất hợp lý sao vẫn cho thu phí? |
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Bùi Trinh – Chuyên gia nghiên cứu kinh tế đặt câu hỏi: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nói suất đầu tư dự án đường cao tốc ở Việt Nam thấp nhưng mức thu phí và chất lượng đường có tương xứng?
Dẫn chứng chất lượng đường cao tốc Việt Nam đang có vấn đề, Tiến sĩ Bùi Trinh cho biết, hàng loạt tuyến đường cao tốc ở Việt Nam như:
Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây bị lún ngay sau khi đưa vào sử dụng, đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai xuất phát nhiều vết nứt và phải vá lại dù mới đưa vào sử dụng…
“Khi so sánh suất đầu tư dự án cao hay thấp chúng ta không nên chỉ nhìn vào con số mà cần phải đánh giá tổng quan. Thứ nhất chất lượng đường có đảm bảo? Thứ hai thời gian thu phí, mức thu phí có được minh bạch và công bằng không?
Ngay tại tuyến đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, dù tiêu chuẩn đường cao tốc nhưng thiếu đường gom, xe máy ô tô vẫn chạy chung một làn đường như vậy làm sao đảm bảo tốc độ di chuyển 100km/h, làm sao đảm bảo an toàn. Bất cập như vậy nhưng vẫn thu phí là điều không thể chấp nhận được”, Tiến sĩ Bùi Trinh cho biết.
Nguyên nhân xuất phát của chi phí đầu tư đường cao tốc cao theo ông Bùi Trinh là do thay vì đấu thầu công khai thì chúng ta lại chỉ định thầu.
Nếu đấu thầu chúng ta có nhiều lựa chọn và có thể chọn được nhà đầu tư đưa ra suất đầu tư thấp, mức thu phí thấp mà chất lượng vẫn đảm bảo.