Tiến sĩ Trần Thị Hòa tận tâm, tận lực, tận hiến với nghiên cứu khoa học

02/09/2024 06:20
Thúy Hiền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Tận tâm, tận lực, tận hiến là những điều Tiến sĩ Trần Thị Hòa dùng làm kim chỉ nam trên con đường chinh phục tri thức, nghiên cứu khoa học của mình.

Tiến sĩ Trần Thị Hòa, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình với những đóng góp to lớn, hàng chục năm bền bỉ nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ là 1 trong 135 trí thức tiêu biểu được vinh danh tại Lễ tôn vinh trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2024.

Nữ tiến sĩ được mệnh danh là "bông hồng thép", đam mê nghiên cứu khoa học

Trước khi trở thành nhà nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Trần Thị Hòa đã có hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Cô luôn coi nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ song hành, không thể tách rời khỏi công tác giảng dạy.

hoa4.jpg
Tiến sĩ Trần Thị Hòa, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình được vinh danh tại Lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024. (Ảnh: NVCC)

Cô Trần Thị Hòa sinh năm 1979, là tiến sĩ chuyên ngành Điện - điện tử. Trong suốt quá trình công tác, cô đã có nhiều sáng kiến sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh. Cô cũng tham gia và làm chủ nhiệm nhiều đề tài cấp bộ và cấp tỉnh, đồng thời giữ vai trò chủ tịch hội đồng và ủy viên phản biện của nhiều hội đồng khoa học công nghệ.

Tiến sĩ Trần Thị Hòa từng đảm nhận vị trí Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình từ năm 2017 đến năm 2022. Kể từ ngày 18/7/2023, cô Hòa chính thức được bầu làm Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình khóa V, nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo Tiến sĩ Trần Thị Hòa, nghiên cứu khoa học vừa là đam mê vừa là động lực để bản thân cố gắng mỗi ngày trên con đường khám phá tri thức.

“Hành trình nghiên cứu khoa học suốt những năm qua đã giúp tôi rèn luyện kỹ năng nghiên cứu, tư duy phản biện và tính kiên trì trong công việc. Đặc biệt, đó còn là cơ hội để tôi kết nối với những cộng sự cùng đam mê nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài nước, từ đó mở rộng các lĩnh vực nghiên cứu và chạm tới những chân trời tri thức mới”, cô Hòa chia sẻ.

hoa1.jpg
Tiến sĩ Trần Thị Hòa, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình. (Ảnh: NVCC)

Cơ duyên đến với khoa học và công nghệ của Tiến sĩ Trần Thị Hòa là một câu chuyện đầy bất ngờ. Sau khi hoàn thành trung học phổ thông, cô Hòa ước mơ trở thành nhà nghiên cứu trong lĩnh vực kỹ thuật viễn thông hoặc hàng không. Tuy nhiên, sau nhiều đắn đo giữa một loạt trường đại học, cô quyết định chọn ngành Vô tuyến điện, thông tin liên lạc và theo học tại Trường Đại học Giao thông vận tải.

Khi quyết định theo đuổi con đường khoa học và kỹ thuật, Tiến sĩ Trần Thị Hòa đã nhận được sự ủng hộ lớn từ gia đình, điều này đã trở thành nguồn động lực giúp cô vượt qua mọi thử thách. Đến nay, cô Trần Thị Hòa khẳng định rằng mình chưa từng hối hận về sự lựa chọn này mặc dù ngành khoa học và kỹ thuật rất ít phụ nữ tham gia.

Trên hành trình nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Trần Thị Hòa đã gặt hái nhiều thành tựu nổi bật như giải thưởng Kovalevskaia năm 2002 và giải Ba tại Hội thi Sáng tạo Khoa học - Công nghệ và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình vào các năm 2013, 2017 và 2021.

Trong đó, công trình nghiên cứu khiến nữ tiến sĩ ấn tượng và tự hào nhất là giải pháp “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống tự động kiểm soát chất lượng nước để nâng cao năng suất, chất lượng nuôi tôm thẻ chân trắng”. Công trình này đã đạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo Khoa học - Công nghệ và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình năm 2021.

Công trình được nghiên cứu, triển khai ứng dụng tại doanh nghiệp nuôi tôm trên địa bàn huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã thúc đẩy được việc đưa ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản.

Tiến sĩ Trần Thị Hòa cho biết, cô thực sự tự hào về công trình nghiên cứu này vì nó đã giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, giá trị cùng chất lượng sản phẩm.

Hành trình đến với nghiên cứu khoa học đối với một nhà khoa học nữ chưa bao giờ là dễ dàng. Cô Hòa cho biết: “Trong quá trình nghiên cứu khoa học, đôi khi tôi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tài liệu chuyên ngành và áp lực về thời gian thực hiện. Đặc biệt, việc tìm kiếm nguồn kinh phí để triển khai, thực hiện những đề tài nghiên cứu, công trình đã ấp ủ lâu nay thành hiện thực cũng có nhiều trở ngại.

Tuy nhiên, chính nhờ những khó khăn và vấp ngã trong hành trình theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu, tôi càng thêm trân trọng những thành quả đã đạt được. Khó khăn giúp tôi nhận ra niềm đam mê nghiên cứu của mình, hiểu rõ những hạn chế của bản thân và tiếp tục vượt qua những thử thách để hướng tới mục tiêu mới”.

Mặc dù nhiều lúc gặp áp lực tinh thần do những lo toan khác cho cuộc sống, sự nghiệp nhưng đam mê và niềm tin yêu khoa học đã thôi thúc nữ tiến sĩ tiếp tục con đường mình đã chọn.

Nhìn lại hành trình đã qua, Tiến sĩ Trần Thị Hòa nhận thấy điều quan trọng nhất mà cô đạt được chính là những công trình gắn liền với tên tuổi của mình và được mệnh danh là “bông hồng thép” tại đơn vị. Việc giữ lửa đam mê cùng sự sáng tạo là rất cần thiết cho nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ vào cuộc sống. Điều này không chỉ đóng góp vào sự phát triển của cơ quan, đơn vị mà còn đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

Dù ở bất cứ vai trò nào, nhà khoa học cũng cần "tận hiến"

Trong cuộc sống hàng ngày, Tiến sĩ Trần Thị Hòa vừa là một nhà lãnh đạo, một nhà nghiên cứu khoa học, đồng thời là người phụ nữ của gia đình. Dù ở vai trò nào cô Hòa cũng cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình bày tỏ: “Với tôi, gia đình luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Để cân bằng giữa đam mê nghiên cứu khoa học, việc chăm sóc gia đình và trách nhiệm điều hành các hoạt động địa phương, trong phạm vi có thể, tôi luôn cố gắng sắp xếp để quản lý quỹ thời gian của mình một cách khoa học và hợp lý nhất.

Tôi thiết lập ranh giới rõ ràng giữa công việc và gia đình, ưu tiên chăm sóc gia đình, con cái, đồng thời dành khoảng thời gian yên bình bên người thân. Khi làm việc và nghiên cứu, tôi cần sự tập trung cao độ, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để đạt được hiệu quả và mục tiêu mong muốn”.

Tiến sĩ Trần Thị Hòa khẳng định, dù ở bất cứ vai trò nào cũng phải tận hiến với tất cả tâm lực, đó chính là bí quyết giúp cô vừa giữ được lửa nghề vừa giữ được lửa ấm trong gia đình.

VNU - Le ton vinh Tri thuc KHCN tieu bieu 2024 (18).jpg
Tiến sĩ Trần Thị Hòa chụp ảnh kỷ niệm cùng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bào (bên trái) và Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quang Hải (bên phải) tại Lễ tôn vinh trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2024. (Ảnh: NVCC)

Có nhiều ý kiến cho rằng khoa học và công nghệ là những lĩnh vực chỉ dành riêng cho nam giới, xuất phát từ quan niệm rằng nam giới có khả năng tư duy logic và phân tích tốt hơn. Tuy nhiên, quan điểm này đã trở nên lỗi thời trong thời đại ngày nay, khi ngày càng có nhiều phụ nữ không chỉ tham gia mà còn đạt được những thành tựu nổi bật trong các ngành khoa học, công nghệ.

Chia sẻ về vai trò của nữ trí thức trong cuộc sống hiện đại, Tiến sĩ Trần Thị Hòa nhận định: “Nữ trí thức là nguồn lực quan trọng cùng với nam trí thức góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nhiều nữ trí thức đã cống hiến không ngừng nghỉ và thực hiện nhiều công trình được ghi nhận ở cấp quốc gia, khu vực và thậm chí trên toàn thế giới. Đặc biệt, với các chính sách cùng chế độ đãi ngộ từ Đảng và Nhà nước nhằm thu hút và trọng dụng trí thức, đặc biệt là trí thức trẻ, đây là điều kiện thuận lợi để nữ trí thức phát huy hết tiềm năng, trí tuệ của mình, đóng góp tích cực cho xã hội”.

hoa6.jpg
“Bông hồng thép” Trần Thị Hòa luôn tâm niệm việc giữ lửa đam mê và sự sáng tạo là rất cần thiết cho nghiên cứu khoa học. (Ảnh: NVCC)

Với tư cách là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình cùng những thành quả đáng tự hào trong vai trò nhà nghiên cứu khoa học cũng như nữ trí thức trong thời đại mới, Tiến sĩ Trần Thị Hòa nhắn nhủ tới các nhà khoa học trẻ rằng: “Hãy bắt đầu ngay khi có thể. Đừng chờ đợi thời điểm hoàn hảo vì chính những bước đi đầu tiên sẽ mở ra con đường cho những khám phá và thành công tiếp theo”.

Thúy Hiền