Nữ NGƯT tỉnh Hòa Bình: Tự học là cách tốt nhất giúp giáo viên nâng trình độ

19/08/2024 09:01
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - "Mình phải chịu khó tìm tòi, học hỏi, có như vậy mới chỉ bảo, hỗ trợ được giáo viên", NGƯT Phạm Thị Thu Hương chia sẻ.

Vừa qua, cô Phạm Thị Thu Hương (Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Văn Nghĩa - phụ trách khối Tiểu học, Lạc Sơn, Hòa Bình) là một trong 3 giáo viên của tỉnh Hòa Bình vinh dự được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2024.

Cô Phạm Thị Thu Hương đã gắn bó với ngành giáo dục đến nay đã 33 năm. Trong quãng thời gian đó, cô có 11 năm đứng lớp giảng dạy, ôn luyện học sinh giỏi;

Và 22 năm giữ vai trò lãnh đạo quản lý, cô đã góp phần đưa 2 ngôi trường liên cấp đạt chuẩn quốc gia là Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Lập, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Văn Nghĩa. Cùng với đó là cô đã hướng dẫn, giúp đỡ nhiều giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp.

Cô cũng đã mạnh dạn thay đổi phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh để đem lại kết quả khách quan trong học tập.

gdvn_co-pham-thi-thu-huong (2).jpg
Cô Phạm Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Văn Nghĩa. (Ảnh: NVCC)

Không để ý mình đạt tiêu chí xét tặng Nhà giáo ưu tú

Cô Hương chia sẻ với phóng viên, năm 2023, có một viên chức trẻ làm công tác thi đua khen thưởng của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện nhắn với cô: “Cô ơi, cô đủ các tiêu chí để đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Cô làm hồ sơ đi vì đợt này đang xét duyệt”.

Khi này, cô Phạm Thị Thu Hương cũng bất ngờ và nhớ đến những tiêu chí bản thân đã đạt được để đề nghị xét tặng. Đó là cô đã đạt tiêu chí 10 năm đứng lớp giảng dạy, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, từng được nhận bằng khen cấp tỉnh về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giáo dục, bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo...

Ở vai trò cán bộ lãnh đạo quản lý nhà trường, cô đã giúp nhiều giáo viên đạt được thành tích giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và học sinh có thành tích cao trong học tập, thi đua.

“Nếu như đối với giáo viên, chỉ cần có thành tích của cá nhân, còn với cán bộ quản lý như chúng tôi thì cần có thêm thành tích tập thể”, cô Hương chia sẻ

Chia sẻ về cảm xúc khi được xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, cô Phạm Thị Thu Hương cho hay, cô cảm thấy rất vinh dự và tự hào, cô tự nhủ sẽ tiếp tục cố gắng phấn đấu dù bản thân “đã già”.

Giáo viên phải luôn luôn tự học nâng cao năng lực, trình độ

Năm học 2020-2021, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu được đưa vào giảng dạy với học sinh lớp 1. Vào năm học này, cô là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Lập (Lạc Sơn, Hòa Bình).

Để chuẩn bị cho năm học mới, cô Hương chủ động tìm tòi, học hỏi, sử dụng các phần mềm giảng dạy, phần mềm kế toán... Am hiểu về việc sử dụng các phần mềm, cô hướng dẫn các giáo viên áp dụng vào trong giảng dạy, thậm chí còn hướng dẫn cho nhân viên kế toán sử dụng.

gdvn_co-pham-thi-thu-huong (7).jpg
Cô Phạm Thị Thu Hương (thứ ba từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm trong Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (Ảnh: NVCC)

“Tôi tự học là nhiều, cũng có mua các phần mềm để hướng dẫn soạn giảng. Mình phải chịu khó tìm tòi, học hỏi, có như vậy mới chỉ bảo, hỗ trợ được giáo viên.

Tôi cũng tham mưu cho phụ huynh, học sinh mua tivi, máy chiếu để phục vụ cho con em học tập”, cô Hương chia sẻ.

Theo cô Hương, việc áp dụng công nghệ vào trong giảng dạy đã giúp giáo viên đỡ vất vả trong việc biên soạn giáo án, đồng thời cũng giúp học sinh tiếp thu kiến thức dễ hơn.

Kết quả đạt được là ngay trong năm học này, nhà trường đã được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Học sinh tham gia các sân chơi trí tuệ, kỳ thi trên mạng đạt được nhiều giải, giáo viên đạt dạy giỏi cấp huyện…

Tập thể nhà trường cũng được trao tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc.

Ở vai trò lãnh đạo quản lý nhà trường, với kinh nghiệm chuyên môn dày dặn, cô Phạm Thị Thu Hương đã truyền tải cho giáo viên nhiều kinh nghiệm, kiến thức để họ đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp.

Năm học 2022-2023, cô Hương chuyển về phụ trách Trường Tiểu học và Trung cơ sở Văn Nghĩa. Trong năm học này, nhà trường có giáo viên được giải ba giáo viên tiểu học dạy giỏi cấp tỉnh.

Đến năm học 2023-2024, giáo viên của nhà trường đạt giải nhất giáo viên tiểu học dạy giỏi cấp tỉnh.

Để có kết quả cao trong kỳ thi giáo viên dạy giỏi các cấp, cô Hương chia sẻ, giáo viên phải chuẩn bị báo cáo đổi mới, hướng đến sự mới mẻ, thuyết phục với số liệu cụ thể.

“Giáo viên phải có phương pháp giảng dạy mới mẻ, tiết học sôi nổi mới thuyết phục được ban giám khảo”, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Văn Nghĩa nói.

Mạnh dạn thay đổi để kiểm tra, đánh giá học sinh khách quan nhất

gdvn_co-pham-thi-thu-huong (8).jpg
Cô Phạm Thị Thu Hương đã mạnh dạn thay đổi phương pháp đánh giá học sinh (Ảnh: NVCC)

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Văn Nghĩa, phụ huynh luôn mong muốn, yêu cầu chất lượng giáo dục cho con em mình ngày càng cao. Đây cũng là mong muốn, hướng đến của ngành giáo dục, các trường học. Vì vậy, giáo viên phải cho phụ huynh thấy được sự nỗ lực cố gắng của thầy cô là đưa chất lượng nâng lên.

Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức kiểm tra định kỳ, học kỳ bằng hình thức chia phòng thi. Bài thi được dọc phách. Tiếp đó, giáo viên của các khối lớp khác sẽ chấm bài theo kết quả có sẵn, như vậy sẽ có kết quả đánh giá khách quan, không có sự ưu ái.

“Tôi áp dụng phương pháp tổ chức như trên kể từ năm 2020-2021 đến nay, phụ huynh rất phấn khởi khi con của họ được đánh giá thực chất kết quả học tập.

Trong phương pháp giảng dạy, giáo viên luôn phải có sự đổi mới, đáp ứng được nhu cầu của học sinh trong giảng dạy, cũng như yêu cầu cần đạt trong giáo dục”, cô Hương nói.

Cô Hương tâm sự, cô có hai con nhưng không có ai theo nghề nghiệp của mẹ, bởi các con thấy nghề giáo viên vất vả, áp lực, bận bịu cả tối khi ở nhà. Cô tôn trọng lựa chọn của các con và thấy rằng muốn gắn bó với nghề giáo cần sự yêu nghề và biết chấp nhận những đặc thù của công việc này.

Mạnh Đoàn