65% doanh nghiệp bị nhũng nhiễu khi làm thủ tục
Phòng Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố nghiên cứu, điều tra chỉ số PCI cũng như đưa ra đánh giá, khảo sát của doanh nghiệp về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Theo đó, doanh nghiệp cho rằng công tác cải cách hành chính được cải thiện hơn thủ tục, giấy tờ đơn giản hơn. Doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để lấy con dấu và chữ ký, cán bộ nhà nước làm việc hiệu quả và thân thiện, nhiệt tình.
Đặc biệt, các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của ngành thuế cũng được ghi nhận rõ nét.
Hiện nay, thời gian thanh tra thuế đã giảm đáng kể từ 8 giờ xuống còn 4,5 giờ đối với trung bình một cuộc thanh tra, mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Theo VCCI 65% doanh nghiệp bị nhũng nhiễu khi làm thủ tục - ảnh có tính chất minh họa/ nguồn ảnh Báo Hà Tĩnh |
Tuy có chuyển biến ở thủ tục hành chính, tuy nhiên theo nghiên cứu của VCCI, doanh nghiệp vẫn phải bỏ ra chi phí không chính thức rất nhiều, tỉ lệ chi trả chi phí này tăng qua các năm từ 50% (2013), lên tới 64,5% (2014) và 66% (2015).
Hơn 11% doanh nghiệp tham gia điều tra năm nay cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ. Vẫn có 65% doanh nghiệp cho biết tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến.
Mặt khác nghiên cứu của VCCI cho biết, vấn đề cạnh tranh chưa bình đẳng đang diễn ra ở nhiều địa phương.
Theo khảo sát VCCI 2015, 39% doanh nghiệp thừa nhận “tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của Nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp”, tăng 4% so với năm 2014. Đồng thời, gần 49% doanh nghiệp cho rằng “tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân trong nước”.
Đo mức dân hài lòng với cán bộ, khác gì đo biển nông, sâu?(GDVN) - Giới phân tích kỳ vọng về sự thay đổi căn bản nền hành chính công ở Việt Nam. Vậy đâu là yếu tố quyết định sự thay đổi đó? |
Nghiên cứu của VCCI cũng chú trọng đến đánh giá của doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi có đến 97,6% doanh nghiệp này đang hoạt động tại Việt Nam và nắm giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.
Tuy nắm vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải chịu những gánh nặng thanh tra, kiểm tra, thủ tục hành chính.
VCCI cho biết, 74% doanh nghiệp từng đón tiếp các đoàn thanh kiểm tra trong tất cả các lĩnh vực.
Có một hiện tượng đáng lo ngại là các doanh nghiệp có quy mô càng lớn, gánh nặng về thanh kiểm tra càng cao. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông thường phải tiếp đón 1-2 cuộc thanh, kiểm tra trong năm. Với các doanh nghiệp quy mô lớn, con số này là khoảng 3 cuộc/năm.
Ngoài ra, 25% doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và 30% doanh nghiệp vừa cho biết nội dung thanh kiểm tra bị trùng lặp.
Về thủ tục hành chính, theo VCCI, doanh nghiệp vừa và nhỏ thời gian qua chưa phát triển mạnh mẽ bởi còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn lực như đất đai, vốn, khó khăn trong nắm bắt thông tin chính sách và pháp luật, chịu gánh nặng về chi phí không chính thức, chưa được hưởng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh chất lượng cao với chi phí phù hợp.
“Khoảng 75% các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết họ phải cậy nhờ đến các mối quan hệ để tiếp cận thông tin. Khoảng 65% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cho biết hiện tượng chi trả chi phí không chính thức là thường xuyên.
Không muốn mở rộng quy mô vì sợ kiểm tra
Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng khó tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Chỉ 20-30% doanh nghiệp cho biết đã từng sử dụng các dịch vụ này.
"Ngoài ra, chỉ 51-61% doanh nghiệp nhỏ và vừa có thông tin về các chính sách ưu đãi của các cơ quan trung ương và địa phương, thấp hơn nhiều so với nhóm doanh nghiệp lớn (77%)”, VCCI đánh giá.
Báo cáo cho thấy thực tế đáng lo ngại là quy mô doanh nghiệp càng lớn thì gánh nặng về thủ tục hành chính, thanh, kiểm tra của các cơ quan nhà nước càng gia tăng.
Chính vì vậy, theo khảo sát của VCCI chỉ có 43% doanh nghiệp siêu nhỏ, 54% doanh nghiệp nhỏ cho biết họ dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tiếp theo.
Để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong thời gian tới, VCCI đề xuất: Thứ nhất, cần thiết kế các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với các giai đoạn phát triển của doanh nghiệp.
Đối với giai đoạn mới thành lập và đi vào hoạt động, cần giúp các doanh nghiệp ứng phó với các thách thức về tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai, tìm kiếm khách hàng, nhà cung cấp, hỗ trợ về thủ tục hành chính.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác thông tin về chính sách, pháp luật liên quan tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các thông tin về quy hoạch, kế hoạch tại các tỉnh thành phố cần cập nhật thường xuyên trên cổng thông tin của các tỉnh thành phố, nên là những thông tin chi tiết, dễ sử dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cải thiện tính minh bạch của môi trường kinh doanh cũng là cách giảm bớt và xóa bỏ các chi phí không chính thức mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải gánh chịu.
Thứ ba, cải thiện chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó cần xác định đúng đối tượng thụ hưởng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các cơ quan chính quyền địa phương cần tính toán rút khỏi việc cung cấp trực tiếp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và chuyển giao cho các hiệp hội doanh nghiệp và khu vực tư nhân thực hiện chức năng này, nhà nước nên tập trung vào chức năng hoạch định chính sách và giám sát chất lượng dịch vụ.
Thứ tư, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, dễ hiểu và dễ tiếp cận với doanh nghiệp và người dân. Trong đó, cần tập trung vào một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang gặp nhiều phiền hà như bảo hiểm xã hội, đất đai, thuế, hải quan, an toàn phòng chống cháy nổ, lao động, thanh toán qua kho bạc.
Đồng thời, cần giảm bớt gánh nặng về thanh kiểm tra cho các doanh nghiệp, đặc biệt tránh trùng lặp, chồng chéo
Cuối cùng, quá trình xây dựng những chính sách, pháp luật này cần mang tính hệ thống và có sự phối hợp hiệu quả giữa nhiều bộ, ngành, cả trung ương và địa phương.
Cần tăng cường tham vấn cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt những mong muốn và nhu cầu thực sự của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.