Dịch vụ ngân hàng điện tử (Internet Banking và Mobile Banking) chỉ mới phát triển ở Việt Nam vài năm gần đây nhưng đang thật sự bùng nổ, trở thành kênh giao dịch tài chính được nhiều người tin dùng.
Giao dịch “chớp nhoáng”
Đang ngồi làm việc, chị Mai Anh (ngụ quận 3, TP.HCM) nhận được thông báo từ tổng đài cước điện thoại trả sau của chị đã đến hạn thanh toán.
Chưa đầy 1 phút sử dụng dịch vụ M-banking trên điện thoại di động, chị đã thanh toán được cước cho nhà mạng.
“Mỗi tháng tôi đều gửi tiền phụng dưỡng vào tài khoản thanh toán cho ba mẹ ở quê thông qua Internet banking mà không phải tới tận điểm giao dịch của ngân hàng để gửi tiền mặt hoặc chuyển khoản như trước nữa.
Cũng bằng ứng dụng này, gần đây tôi chỉ cần vài thao tác vuốt và chạm là lập tức thanh toán hầu hết đơn hàng cho nhà cung cấp trên khắp cả nước mà khỏi phải xách xe chạy tới ngân hàng giao dịch”, chị Thanh Linh (chủ một shop bán thực phẩm sạch ở quận 10, TP.HCM) cho biết.
Thay thế các loại hình giao dịch Ngân hàng truyền thống như tại quầy hoặc qua máy ATM, hiện rất nhiều bạn trẻ, dân văn phòng đã chuyển sang giao dịch trực tuyến trên M-Banking (Internet Banking, Mobile Banking).
Trung bình một giao dịch chỉ mất chưa đến 1 phút bằng việc sử dụng các thiết bị “thân quen” hàng ngày như máy tính, laptop, máy tính bảng và điện thoại di động.
Cách thực hiện rất đơn giản, bạn chỉ cần sở hữu một tài khoản ở ngân hàng, nhân viên ngân hàng sẽ hỗ trợ bạn đăng ký M-banking, cài đặt để sử dụng tất cả các dịch vụ từ quản lý thông tin tài khoản, chuyển tiền giữa các tài khoản trong cùng ngân hàng và liên ngân hàng, đến thanh toán hóa đơn, nạp tiền, gửi tiết kiệm trực tuyến...
Với đặc thù thị trường Việt Nam, dân số 92 triệu người nhưng có đến 55% người sử dụng smartphone và truy cập Internet bình quân 2 giờ mỗi ngày thì rõ ràng ngân hàng trực tuyến chính là phương thức giao dịch tiện lợi và tiết kiệm về mọi mặt và đang trở thành xu thế lựa chọn của nhiều khách hàng.
Để đáp ứng xu thế đó, nhiều ngân hàng thương mại đã cung cấp các hình thức giao dịch ngân hàng trực tuyến đa dạng, hiện đại cho số đông khách hàng. Hiện có khoảng 45 ngân hàng cung cấp dịch vụ Internet Banking và 25 ngân hàng cung cấp dịch vụ Mobile Banking.
Số lượng khách hàng sử dụng và giao dịch trên ngân hàng điện tử ngày càng tăng, đơn cử tại Maritime Bank, số lượng khách hàng sử dụng M-Banking năm 2015 đã tăng gần gấp đôi so với năm 2014, đạt gần 3 triệu giao dịch/năm.
Thanh toán dễ dàng
Dù trời nắng hay mưa, quãng đường xa hay gần…, hầu hết hóa đơn sẽ được thanh toán chỉ đơn giản với dịch vụ ngân hàng điện tử M-banking.
Chỉ cần vài thao tác đơn giản là bạn đã có thể thanh toán tiền điện, cước điện thoại, truyền hình cáp, internet; trả tiền vé máy bay, nạp tiền trực tuyến, thanh toán dư nợ thẻ tín dụng…
Đặc biệt, M-Banking còn mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng qua dịch vụ thanh toán tự động (Hàng tháng tài khoản khách hàng sẽ được trích tự động để thanh toán các hóa đơn mà khách hàng đã đăng kí).
“Để mang lại tiện ích tốt nhất cho khách hàng, Maritime Bank đã và đang mở rộng kết nối với ngày càng nhiều nhà cung cấp dịch vụ để khách hàng dễ dàng thanh toán qua dịch vụ M-banking thay vì dùng tiền mặt”, đại diện Maritime Bank chia sẻ.
Tiết kiệm và sinh lợi
Không chỉ mang đến cho khách hàng nhiều tiện ích vượt trội, Maritime Bank còn miễn phí hầu hết các giao dịch trên M-Banking…
Đặc biệt, khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến trên M-Banking còn được hưởng lãi suất cao hơn so với gửi tại quầy; dễ dàng hơn với các khoản tiết kiệm gửi góp nhỏ hàng tháng.
Ba mẹ dễ dàng “bỏ ống heo” hàng tháng như một khoản đầu tư cho tương lai con trẻ. Các bạn trẻ cũng có thể dễ dàng tích lũy từ thu nhập hàng tháng để chuẩn bị cho các kế hoạch của chính mình.
Bà Đặng Tuyết Dung - Tổng giám đốc ngân hàng bán lẻ của Maritime Bank chia sẻ: “Không chỉ đáp ứng yếu tố tiện ích mà ngân hàng còn hướng đến yếu tố tiết kiệm và sinh lợi cho khách hàng từ tiện ích đó. Vì vậy, Maritime Bank luôn mang đến những trải nghiệm khác biệt, giúp gắn kết khách hàng với ngân hàng dài lâu”.