Từ khi anh em Phương “Ninh Hột” lâm vòng lao lý, Dũng "mặt sắt" đã nhanh chóng soán ngôi “ông trùm” vùng biên giới Móng Cái, Quảng Ninh. Hầu như giới làm ăn biên mậu muốn đưa hàng qua Trung Quốc đều phải răm rắp tuân theo sự sắp xếp của người đàn ông có khuôn mặt lạnh như tiền này.
Cảnh sát cơ động bảo vệ hiện trường vụ khám xét nhà của Dũng "mặt sắt" hôm 6.5 - Ảnh: Thiên Bình |
Âm thầm chờ thời
Dũng "mặt sắt" tên thật là Hà Tuấn Dũng, Giám đốc Công ty Tuấn Đông, trụ sở đặt tại TP.Móng Cái. 39 tuổi đời, Dũng đã nổi tiếng là kẻ khôn ngoan. Cuối năm 2005, Dũng thành lập Công ty Tuấn Đông, sau đó phất lên nhanh chóng nhờ buôn bán cao su. Thế nhưng, khi đó trong giới làm ăn Dũng chỉ được xếp “chiếu dưới” bởi người làm mưa làm gió vùng biên thời kỳ này là “trùm” Nguyễn Tiến Phương, tức Phương “Ninh Hột” (Giám đốc Công ty Quang Phát). Vì thế, Dũng vẫn âm thầm chuẩn bị lực lượng và chờ đợi thời cơ để vươn lên soán ngôi.
Cơ hội đến với Dũng khi xảy ra vụ án nhân viên của Lê Hữu Vinh, tức Vinh “trắng” (em rể Dũng “mặt sắt”) bị Phương “Ninh Hột” chỉ đạo đàn em thủ tiêu vào tháng 5.2009. Nhóm nhân viên của Vinh đã đi vào khu vực xuất hàng do Phương “Ninh Hột” đang trấn giữ, bị đàn em của Phương bắt giữ, đánh đập rồi đưa nạn nhân qua bên kia biên giới tra tấn đến chết, sau đó ném xác vào vùng rừng núi Thập Vạn Đại Sơn và lòng sông Ka Long để phi tang.
Vụ án được điều tra rốt ráo, Phương lâm vòng lao lý. Sau nhiều lần xét xử, tháng 7.2012, Phương bị TAND tối cao tuyên án tử hình. Ngay sau khi anh em Phương bị bắt, Dũng “mặt sắt” thu thêm đệ tử, thành lập thêm công ty để khuếch trương thanh thế nhằm soán ngôi “trùm” đường biên.
Việc đầu tiên, Dũng “mặt sắt” giành lĩnh vực buôn bán động vật vốn hái ra tiền từ gia đình Phương; sau đó tiếp tục lấn sân thao túng toàn bộ hoạt động tạm nhập tái xuất ở khu vực biên giới.
“Thu xâu... hái tiền”
Theo giới làm ăn, khi trở thành ông “trùm”, Dũng bắt đầu các hoạt động nhằm dằn mặt những tay anh chị trong giới giang hồ. Vào thời điểm Phương “Ninh Hột” còn thao túng mọi hoạt động tại khu vực biên giới, các tay anh chị như Hùng “lốp”, P. “hằng”... vẫn được phép hoạt động theo từng lĩnh vực nhỏ. Thế nhưng Dũng “mặt sắt” thì khác, y thâu tóm hầu như mọi lĩnh vực, mọi mặt hàng. Hầu hết các tay anh chị đều quy dưới trướng Dũng, như P.“hằng” - từng hái ra tiền ở lĩnh vực tạm nhập tái xuất. Riêng Hùng “lốp” tỏ ra cứng đầu, vùng vẫy một thời gian rồi trong một lần nổi máu côn đồ đánh chết người và phải bỏ Móng Cái trốn biệt.
Còn theo một người làm ăn lâu năm trong lĩnh vực tạm nhập tái xuất, nếu trước kia anh em Phương “Ninh Hột” thường sử dụng đám đàn em thân tín tổ chức đánh đập, dằn mặt những kẻ không chịu làm luật, những đối tượng định qua mặt, thì Dũng “mặt sắt” nuôi nhiều đàn em chỉ để “thu tiền xâu” (thu tiền làm luật) chứ không manh động, xuống tay. Vì vậy, Dũng “mặt sắt” hầu như không dính líu đến án hình sự. Trong khi đó, tiền “xâu” của Dũng trong các lĩnh vực buôn bán hàng hóa qua biên giới cao gấp 2-3 lần so với thời của Phương “Ninh Hột”.
Giới làm ăn ở Móng Cái còn cho biết, chỉ sau hơn hai năm thao túng đường biên, gia tài của Dũng “mặt sắt” đã lên tới hàng trăm tỉ đồng. Sự thao túng của Dũng khiến giới làm ăn tại Móng Cái bằng mặt nhưng thực tế lại chống đối ngầm. Nhà ở của Dũng đã từng bị quăng mìn. Vinh “trắng” cũng từng bị ốp mìn vào xe hồi tháng 6.2012...
Điều đáng nói, theo một điều tra viên của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an tỉnh Quảng Ninh, sau những cuộc đụng độ, thậm chí cả khi là bị hại, Dũng “mặt sắt” cũng luôn chọn cách tự dàn xếp chứ không bao giờ trình báo công an. Ngay khi nhà bị quăng mìn, Dũng vẫn tỏ ra không hợp tác với cơ quan công an để điều tra tìm thủ phạm.
Nhưng sự nghiệp “ông trùm” của Dũng “mặt sắt” đã kết thúc lúc 23 giờ đêm 5.5. Gần 100 cảnh sát của Bộ Công an bất ngờ kiểm tra lô xe gồm hơn 30 chiếc ô tô diện tạm nhập đang chờ tái xuất ở khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh (H.Hải Hà, Quảng Ninh). Lô xe trên gồm nhiều loại xe sang như BMW, Mercedes, Porsche, Bentley... do Công ty Tuấn Đông và 2 công ty khác làm thủ tục tái xuất. Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, Hải quan Cái Lân (thuộc Hải quan Quảng Ninh) đã làm thủ tục cho hơn 50 chiếc xe diện tạm nhập tái xuất của 3 công ty trên. Vì thế, khi công an ập vào, hàng chục tài xế, giới buôn hàng đã hoàn toàn bất ngờ bởi sự “xuất quỷ nhập thần” của các chiến sĩ cảnh sát cơ động và lực lượng CSĐT của Bộ Công an. Trong quá trình điều tra tới đây, có thể nhiều mảng tối trong hoạt động làm ăn của Dũng "mặt sắt" sẽ còn bị phanh phui.