2 triệu đồng của người giàu thì ít, nhưng là tài sản lớn của dân nghèo

06/07/2016 08:48
QUỐC TOẢN
(GDVN)- Đại biểu Quốc hội Nguyên Bá Thuyền đề nghị cần làm rõ “đối tượng tặng quà lưu niệm? tặng quà trong hoàn cảnh nào?” khi đề cập tới điều 25 của Dự thảo Luật PCTN.

Điều 25, Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng tiếp tục gây tranh cãi với đề xuất: “Cán bộ, công chức, viên chức chỉ được phép nhận quà tặng mang tính chất lưu niệm và có giá trị đến 2 triệu đồng trong thực hiện công vụ, nhiệm vụ”.

Không ít ý kiến cho rằng, việc quy định một cách chung

2 triệu đồng của người giàu thì ít, nhưng là tài sản lớn của dân nghèo ảnh 1

Cho công chức, viên chức được nhận quà không quá 2 triệu đồng sẽ làm hỏng cán bộ

chung như vậy sẽ tiếp tay cho hành vi tham nhũng. Theo đó, tham nhũng sẽ có điều kiện tham nhũng hơn nữa.

Nhận định thêm về điều 25 của Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, việc quy định cán bộ công chức, viên chức được nhận quà lưu niệm không quá 2 triệu đồng trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ" là không rõ ràng, không phù hợp với thực tế.

“Chống tham nhũng không phải việc quy định nhận quà hay không nhận quà.

Theo tôi, điều quan trọng nhất đối với công chức, viên chức trong việc thực hiện công vụ, nhiệm vụ là họ phải gương mẫu, không được nhận quà dưới bất cứ hình thức nào.

Đã là luật thì phải nghiêm minh, nghiêm khắc, không nên cố ý tạo khe hở để người khác lách luật”, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nhận định.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng). Ảnh: Infonet
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng). Ảnh: Infonet

Vị Đại biểu Quốc hội này nêu dẫn chứng: “Ở một số nước, họ có quy định cán bộ nhận quà lưu niệm, trong những trường hợp nhất định (đi thăm quan, giao lưu, học hỏi, quan hệ xã giao …), với giá trị quà lưu niệm cụ thể.

Người nhận món quà lưu niệm sau đó bị bắt buộc mở ra để cơ quan có trách nhiệm kiểm tra giá trị quà tặng.

Nếu giá trị quà tặng lớn hơn quy định thì người nhận không được phép sử dụng cho cá nhân, mà phải nộp lại cho cơ quan nhà nước...

Nói như vậy không có nghĩa người ta khuyến khích cho cán bộ được nhận quà đâu. Họ làm rất chặt chẽ chứ không quy định kiểu "được phép" như ở nước ta đâu.

Từ những nhận định trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền đề nghị, điều 25 phải quy định rõ, đối tượng tặng quà, và được tặng trong hoàn cảnh nào?

Mặt khác, phải làm rõ, phân biệt rạch ròi giữa việc nhận quà tặng lưu niệm không quá 2 triệu đồng, với hành vi đưa, nhận hối lộ.

"Nếu không làm rõ rất dễ người ta lợi dụng vào việc tặng quà lưu niệm để làm việc sai trái", Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cảnh báo.

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền, nếu cứ quy định chung chung như trên, thì dư luận rất dễ hiểu lầm rằng, khi đi làm việc thì cứ phải mang theo "quà lưu niệm" tặng cho cán bộ.

"Người ta cứ nói giá trị đồng tiền thấp. Nhưng thấp là đối với những người có tiền, chứ đối với người nông dân nghèo, đó cả một tài sản lớn.

Do đó, quy định chung chung như vậy, nhiều người sẽ nghĩ, việc nhận quà lưu niệm này sẽ khuyến khích cán bộ tham nhũng.

Tôi cho rằng, cần phải cân nhắc, nghiên cứu lại điều luật này một cách tổng thể", Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền nêu quan điểm”.

Về biện pháp chống tham nhũng, theo Đại biểu Nguyễn Bá thuyền, cơ quan có thẩm quyền càn thực hiện tốt việc quản lý được tài sản cán bộ. 

“Nên hạn chế việc giao dịch bằng tiền mặt. Thay vào đó, các giao dịch liên quan đến đồng tiền nên thông qua hệ thống tài khoản để kiểm soát nguồn tiền thu nhập của cán bộ.

Mặt khác, các khoản tiền lớn được người ta chi cho việc tiêu dùng khi bị phát hiện... đều phải chứng minh nguồn gốc, giải trình trước cơ quan giám sát.

Cần chú trọng việc công khai, minh bạch về tài sản của người có chức quyền, ở vị trí "nhạy cảm", đồng thời công bố rộng rãi cho dư luận, nhân dân được biết khi có kết quả điều tra về tham nhũng...

QUỐC TOẢN