Ấn Độ sẽ quyết tâm không để Trung Quốc làm lung lay vị thế ở Nam Á

23/06/2013 08:30
Đông Bình
(GDVN) - Bài báo cho rằng, "đối đầu lều vải" hoàn toàn có cấp độ thấp, không thể dẫn đến xung đột, nhưng Ấn Độ muốn có lý do tăng cường hiện đại hóa Quân đội.
Binh sĩ quân đội hai nước Trung-Ấn ở biên giới
Binh sĩ quân đội hai nước Trung-Ấn ở biên giới

Tờ "Bắc Kinh vãn báo" từng có bài viết cho rằng, trong 14 nước láng giềng trên đất liền của Trung Quốc thì chỉ còn 2 nước chưa ký hiệp định với Trung Quốc để xác định biên giới, đó là Ấn Độ và Bhutan.

Trong đường biên giới dài 220.000 km với các nước của Trung Quốc, đường biên giới với Ấn Độ dài khoảng 2.000 km chưa được xác định.

Gần đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, hiện nay, lực lượng biên phòng của Trung Quốc và Ấn Độ đã kết thúc đối đầu ở khu vực biên giới, Trung Quốc muốn sớm đạt được một "giải pháp công bằng, hợp lý" cho vấn đề biên giới với Ấn Độ.

Hạ tuần tháng 4/2013, truyền thông Ấn Độ trước tiên đưa tin cho biết, "binh lính Trung Quốc vượt qua tuyến kiểm soát thực tế biên giới đoạn phía tây của hai nước, dựng lều vải ở bên phía Ấn Độ". Sau đó, cuộc "đối đầu lều vải" giữa hai nước Trung-Ấn đã kéo dài hơn 20 ngày.

Mặc dù "cuộc đấu rồng-hổ" này thực ra hoàn toàn chưa diễn ra thực sự, mà là giải quyết hòa bình theo phương thức hai bên đều rút lui, nhưng dư luận lại hồi tưởng lại rất nhiều về cuộc xung đột quân sự Trung-Ấn nổ ra năm 1962.

Mặc dù việc này được truyền thông Ấn Độ và phương Tây tuyên truyền rất nhiều, tựa như một cuộc đại chiến sắp xảy ra, nhưng những người hiểu biết về quân sự thì có thể nhìn thấy được chân thực của tình hình: sẽ không có đánh nhau.

Bởi vì, lều vải dựng ở vùng núi cao là để phòng tránh mưa nắng cho binh lính, không thể chống đạn. Lều vải hai bên dựng lên cách nhau chỉ mấy trăm mét, hoàn toàn nằm trong tầm bắn của súng máy và pháo cỡ nòng nhỏ.

Cuộc đối đầu như vậy chủ yếu là thể hiện sự hiện diện, tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, chứ không phải là đối đầu kiểu giao chiến, bởi vì đối đầu kiểu giao chiến thì sẽ cần tới chiến hào và công sự, nếu ở trong lều vải thì chỉ có thể trở thành bia ngắm sống. Hai bên đều ở trong lều vải, rõ ràng đều không lo ngại đến đến an toàn của mình, tức là hoàn toàn không cho rằng đối phương sẽ sử dụng vũ lực.

Quân đội Trung Quốc muốn tăng cường hiện diện ở khu vực biên giới với Ấn Độ để đòi hỏi chủ quyền
Quân đội Trung Quốc muốn tăng cường hiện diện ở khu vực biên giới với Ấn Độ để đòi hỏi chủ quyền

Theo báo Trung Quốc, trong sự việc này, truyền thông cánh hữu và quân đội Ấn Độ "kẻ xướng người họa", bên quân đội cung cấp cho báo chí video và hình ảnh do máy bay thu được, còn báo chí lại cử phóng viên đến gần hiện trường đưa tin, từ đó mà "châm ngòi thổi gió".

Bài báo cho rằng, "đứng chân ở Nam Á, kiểm soát kiểm soát Ấn Độ Dương, tranh làm cường quốc thế giới" luôn là thực chất và mục tiêu chiến lược quốc gia của Ấn Độ, cũng là căn cứ cơ bản để chính phủ Ấn Độ các khoá trước đưa chính sách quốc phòng.

Cùng với sự tăng cường về thực lực quân sự và nâng cao trình độ hiện đại hóa, đặc biệt là phát triển vũ khí tấn công chiến lược tầm xa, Ấn Độ đã đưa ra chiến lược "răn đe cảnh báo". Căn cứ vào chiến lược này, chi tiêu quân sự của Ấn Độ có sự thay đổi rõ rệt.

Từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước đến nay, chính phủ Ấn Độ từng bước tăn đầu tư ổn định cho quân đội, trong năm tài khóa 2009-2010, chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ là 1.410 tỷ rupee, tăng 31% so với cùng kỳ, đây là lần tăng trưởng ngân sách quốc phòng lớn nhất kể từ cuộc xung đột biên giới Trung-Ấn năm 1962 đến nay.

Trong năm tài khóa 2011-2012, ngân sách quốc phòng của Ấn Độ từ 1.473,44  tỷ rupee (khoảng 32,74 tỷ USD) năm trước tăng  lên 1.644,15 tỷ rupee (khoảng 36,537 tỷ USD), mức độ tăng khoảng 11,6%.

Báo Trung Quốc tuyên truyền, do Ấn Độ lo ngại sự phát triển sức mạnh quốc gia tổng hợp và thực lực quân sự của Trung Quốc sẽ đe dọa địa vị chủ đạo Nam Á của họ, và muốn tìm lý do để phát triển sức mạnh quân sự của mình, Ấn Độ đã "tạo ra không khí căng thẳng", thậm chí coi hoạt động phát triển kinh tế, cải thiện dân sinh của Trung Quốc là hoạt động quân sự, nhất cử nhất động của Quân đội Trung Quốc ở biên giới Trung-Ấn đều được Ấn Độ theo dõi rất chặt chẽ.

Chính trong bối cảnh như vậy, các loại thông tin về "đối đầu lều vải" đã được tuyên truyền.

Đặc nhiệm Ấn Độ tiến hành diễn tập đối phó Trung Quốc
Đặc nhiệm Ấn Độ tiến hành diễn tập đối phó Trung Quốc

Chưa phân định biên giới - sản phẩm của thực dân Anh?

Bài báo cho rằng, sở dĩ đối đầu giữa quân đội hai nước trên tuyến biên giới xảy ra các sự việc như "đối đầu lều vải" chủ yếu là do hai bên không thừa nhận tuyến biên giới của đối phương. Biên giới Trung-Ấn dài khoảng 2.000 km, phân làm 3 đoạn - đông, giữa, tây.

Khu vực tranh chấp giữa hai bên có diện tích khoảng 125.000 km2, trong đó đoạn phía đông dài khoảng 90.000 km2, đoạn giữa khoảng 2.000 km2, đoạn phía tây khoảng 33.000 km2.

Bài báo tuyên truyền, từ xưa đến nay, Trung Quốc và Ấn Độ là láng giềng với nhau, quen coi biên giới là phía nam núi Himalayas. Nhưng từ sau khi Anh chiếm đóng Ấn Độ, chính phủ Anh-Ấn tách Tây Tạng ra khỏi Trung Quốc, tạo ra mầm họa cho tranh chấp Trung-Ấn sau này.

Năm 1848, Anh đã chiếm đóng Kashmir, đồng thời cũng chiếm lấy khu vực Ladakh của Tây Tạng. Anh sau đó lại đưa ra "tuyến Johnson" và "tuyến Ardagh", đẩy bắc tuyến biên giới của Ấn Độ thuộc Anh tới tuyến đầu núi Karakoram và núi Kunlun, đưa khu vực rộng lớn trong đó có Aksai Chin của Tân Cương vào bản đồ Ấn Độ thuộc Anh. Hành động đơn phương của Anh đã tạo ra mầm họa để cho Aksai Chin trở thành khu vực tranh chấp sau này.

Năm 1941, đại diện Chính phủ Anh Henry McMahon và đại diện khu vực Tây Tạng đã sử dụng phương thức bí mật trao đổi văn kiện ở New Delhi Ấn Độ, đã đưa ra "tuyến biên giới", tức "tuyến McMahon".

Nhưng qua nhiều khóa, Chính phủ Trung Quốc không thừa nhận đối với tuyến này. Sau khi Ấn Độ độc lập vào năm 1947, không chỉ đã kế thừa lãnh thổ do Anh để lại, mà còn tiếp tục "xâm chiếm" khu vực rộng lớn của Trung Quốc, vào năm 1953 mở rộng tới "tuyến McMahon".

Liên đội súng trường Asam (Ấn Độ) ở phía đông biên giới Trung-Ấn
Liên đội súng trường Asam (Ấn Độ) ở phía đông biên giới Trung-Ấn

Năm 1954, Ấn Độ chuyển "biên giới chưa xác định" thành "biên giới đã xác định". Năm 1959, căn cứ vào bản đồ của mình, Ấn Độ đưa ra đòi hỏi lãnh thổ đối với khu vực Aksai Chin, Tân Cương, Trung Quốc.

Chiến tranh nổ ra

Theo báo Trung Quốc tuyên truyền, Chính phủ Nehru của Ấn Độ đã áp dụng "chính sách Tiến lên" tiến hành “xâm lược lãnh thổ Trung Quốc”, mục tiêu là tìm mọi cách thiết lập nhiều trạm gác ở khu vực kiểm soát của Trung Quốc, từng bước làm thay đổi cán cân sức mạnh quân sự, hơn nữa thiết lập trạm gác và lực lượng tuần tra của Ấn Độ ở phía Trung Quốc, ngăn chặn đường tiếp tế của Trung Quốc, sau khi có đầy đủ ưu thế sẽ trục xuất quân đội Trung Quốc.

Phía Ấn Độ cảm thấy, phía Trung Quốc chỉ có những lời đe dọa trống rỗng, chứ sẽ không có phản ứng gì lớn hơn.

Đối với hành động của Ấn Độ, ngày 6/10/1962, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Trung Quốc đã truyền chỉ thị của Trung ương và Mao Trạch Đông tới lực lượng biên phòng: "Nếu Quân đội Ấn Độ tiến công vào ta thì phải đánh mạnh, ngoài chuẩn bị cho tuyến phía đông - Tây Tạng, tuyến phía tây cũng phải phối hợp. Nếu họ tiến công, không chỉ phải đánh lui, mà còn phải đánh kiên quyết và đánh đau".

Ngày 20/10, hơn hai vạn quân Ấn từ hai tuyến đông và tây, đồng thời phát động tiến công quy mô lớn nhằm vào Trung Quốc. Trong giai đoạn bắt đầu chiến tranh, quân Ấn đã thiết lập Bộ chỉ huy trên cao ở chiến trường chính - nơi đóng quân vùng núi tuyết "tuyến McMahon" của núi Himalayas, do Trung tướng Cowl chỉ huy.

Quân ủy Trung ương Trung Quốc quyết định: Chính diện của cuộc phản kích do cánh quân nhỏ đánh nghi binh, làm mê hoặc kẻ thù; còn 1 sư đoàn dò đường, bí mật tiếp địch, sau khi thành công, sẽ do lực lượng lớn cùng tiến diệt địch.

Sư đoàn phụ trách dò đường đánh tiên phong, đã lựa chọn Yadong, tuyến phía đông giáp giới của 3 nước Trung Quốc-Ấn Độ-Sikkim, ở đó vẫn chưa giao chiến, không gây chú ý, nhưng đã có binh lực Ấn Độ chốt giữ.

Trung tướng Cowl, chỉ huy cao nhất của Quân đội Ấn Độ trong cuộc chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962
Trung tướng Cowl, chỉ huy cao nhất của Quân đội Ấn Độ trong cuộc chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962

Tuy nhiên, nội bộ Quân đội Ấn Độ mâu thuẫn, chỉ huy không nhạy, sĩ quan chỉ huy cao nhất tiền tuyến quân Ấn, Trung tướng Cowl cũng do do thiếu thông tin, đã cùng với cố vấn quân sự Mỹ ngồi trên máy bay trực thăng tùy tiện thị sát tuyến đầu Yadong. Khi họ vừa xuống máy bay liền gặp ngay binh sĩ Trung Quốc, nên đã vội vàng thoát thân, bỏ lại chiếc máy bay này.

Cuộc chiến chỉ diễn ra hơn 10 ngày, lực lượng của Quân đội Trung Quốc đã tiến đến khu vực cách New Delhi chỉ  hơn 300 km, giết hại 8.700 binh sĩ quân Ấ. Nehru vội vàng tuyên bố cả nước nằm ở trong tình trạng khẩn cấp, New Delhi đã tiến hành xây dựng công sự trên đường lớn.

Trong thời điểm đó, lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông đã ra quyết định rút quân. Binh sĩ Quân đội Trung Quốc đã rút về "tuyến truyền thống" và triệt thoái về sau 20 km, thoát khỏi tiếp xúc với Quân đội Ấn Độ. Rút kinh nghiệm về cuộc chiến tranh này, Mao Trạch Đông cho rằng, cách đánh "vu hồi" là một cách đánh "không chỉ Quân đội Ấn Độ, mà quân đội nào cũng sợ".

Trong chiến tranh năm 1962, Ấn Độ thiết lập nhiều trạm gác cắt đường tiếp tế của Quân đội Trung Quốc.
Trong chiến tranh năm 1962, Ấn Độ thiết lập nhiều trạm gác cắt đường tiếp tế của Quân đội Trung Quốc.

Tương lai biên giới Trung-Ấn

Theo bài báo, cuộc chiến tranh biên giới năm 1962 giữa Trung-Ấn đã đi vào lịch sử, bài học cho cả hai nước là phải chung sống hòa bình, cùng cố gắng thông qua các biện pháp hòa bình để giải quyết bất đồng, không để cho gánh nặng lịch sử trở thành vật cản cho sự phát triển quan hệ hai nước.

Cuộc "đối đầu lều vải" ở biên giới Trung-Ấn tuy đã giải quyết hòa bình, nhưng trong tương lai còn tiếp tục bùng phát xung đột hoặc chiến tranh hay không? Bài báo cho rằng, hiện nay chưa nhìn thấy khả năng này. Bởi vì, Trung Quốc và Ấn Độ có thành quả hợp tác rất đáng kể trên các lĩnh vực như chính trị, kinh tế thương mại, nhân văn… Quân đội hai nước đã triển khai giao lưu hữu nghị bằng nhiều hình thức. Nhân dân và quân đội hai nước đều muốn có môi trường hòa bình, tích cực bảo vệ hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.

Còn nếu như tiếp tục xảy ra chiến tranh, ai sẽ chiếm ưu thế. Khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình NDTV Ấn Độ, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cho biết, thực sự quân sự Trung Quốc có thể vượt Ấn Độ, Ấn Độ hiện "đang sử dụng các nguồn lực có hạn của mình để đuổi theo", truyền thông Ấn Độ không nên sử dụng cách làm đe dọa để xử lý bất đồng giữa hai nước.

Cựu Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ Sureesh Mehta từng khiêm tốn nói, Ấn Độ “không phải là đối thủ” của Trung Quốc, tiến hành hợp tác chứ không phải cạnh tranh hoặc xung đột với Trung Quốc sẽ thích hợp hơn.

Binh sĩ Trung Quốc trong chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962
Binh sĩ Trung Quốc trong chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962
Đông Bình