Bà Bùi Thị An: “Có đồng chí tư lệnh ngành từng gợi ý tôi đừng chất vấn”

09/05/2021 12:15
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Có đồng chí trưởng ngành nói thẳng với tôi rằng đừng chất vấn họ, nhưng rồi họ đồng tình với chất vấn của tôi”, bà An chia sẻ.

Đại biểu là người của dân, phải hết lòng vì dân

Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị, quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn và bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Tham gia bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Chính vì vậy, là vị trí ứng viên đại biểu hay cử tri bầu cử đều mang một ý nghĩa, nghĩa vụ, trách nhiệm, bổn phận đối với đất nước.

Là Đại biểu Quốc hội khoá XIII được người dân yêu quý, tin tưởng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An chia sẻ với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam về những kinh nghiệm quý báu khi ngồi ghế nóng nghị trường: “Trở thành đại biểu dân cử là một vinh dự rất lớn nhưng cũng mang trách nhiệm rất cao. Để trở thành người đại biểu dân cử thực sự xứng đáng thì việc đầu tiên là xác định mình phải hết lòng vì dân.

Ngoài việc tiêu chuẩn, đủ tầm, đủ tâm thì trong cách làm mình luôn phải xác định là đại biểu được dân chọn, dân bầu thì luôn phải đặt lợi ích của người dân lên đầu tiên, thể hiện được nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Đại biểu phải biết tiếp nhận phản ánh của cử tri, chủ động kiến nghị với các cấp có thẩm quyền giải quyết. Nếu là vấn đề có sự ảnh hưởng rộng lớn hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới nhân dân ở nhiều vùng, nhiều địa phương thì phải kiên quyết phát biểu tại Quốc hội, chất vấn các tư lệnh ngành và kiên quyết giám sát”.

Bà Bùi Thị An khẳng định, đã là Đại biểu Quốc hội thì phải hết lòng, hết sức vì nhân dân. Ảnh: quochoi.vn

Bà Bùi Thị An khẳng định, đã là Đại biểu Quốc hội thì phải hết lòng, hết sức vì nhân dân. Ảnh: quochoi.vn

Theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, mỗi Đại biểu Quốc hội có ba chức năng cần thực hiện tốt: Một là thay mặt nhân dân, cử tri, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước; Hai là thực hiện vai trò giám sát các cơ quan, tổ chức của nhà nước thực hiện luật và nghị quyết mà Quốc hội ban hành; Ba là thay mặt nhân dân xây dựng các bộ luật mang tính định hướng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

“Muốn làm tốt ba chức năng, nhiệm vụ của mình thì bản thân phải xác định mình đang thay mặt nhân dân và phải làm đúng với những gì nhân dân yêu cầu.

Ví dụ về thời gian, đã là đại biểu dân cử thì phải dành thời gian để tham gia những hoạt động của Quốc hội. Có thời gian để gần dân, lắng nghe ý chí, nguyện vọng của dân. Nhiều khi đó không chỉ là những cuộc họp, những lần tiếp xúc cử tri mà phải dành thời gian gần được nhân dân mọi nơi, mọi lúc.

Đại biểu muốn gần dân phải đến với nhân dân, phải đặt địa vị của mình là người dân chứ không phải đặt vị trí lãnh đạo. Khi xác định được mục tiêu như vậy thì tất cả mọi việc đều tiến hành rất đơn giản”, bà An cho biết.

Chương trình hành động phải chân thành, thẳng thắn

Chương trình hành động là một trong những tiêu chí cụ thể để đánh giá trình độ, năng lực công việc nếu ứng viên được bầu làm Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân.

Tuy nhiên, theo bà Bùi Thị An trên thực tế, vì chương trình hành động là công cụ thuyết phục nên có những người ứng cử nói quá, không thiết thực và không đạt được những mong muốn, kỳ vọng của nhân dân.

“Quá trình vận động bầu cử là để cử tri bầu mình, họ gửi gắm kỳ vọng, mong đợi vào các vị đại biểu. Chính vì thế đại biểu hãy thẳng thắn, thật thà và chân thành với những gì mình đang có và có thể làm được. Phải cam kết những gì mình có thể làm được chứ đừng hứa những điều cao sang, đừng nói quá lên.

Trong những cuộc bầu cử ở các khóa trước, có người lúc vận động bầu cử rất hoành tráng, chương trình hành động rất oai phong nhưng khi vào thực hiện lại im lặng, thậm chí không dành đủ thời gian tiếp dân.

Sự khác biệt giữa chương trình hành động và thực tế hành động của nhiều Đại biểu Quốc hội đã làm ảnh hưởng tới niềm tin của một bộ phận cử tri.

Vì vậy, tôi nhấn mạnh lần nữa nếu đã là đại biểu của nhân dân, hứa việc gì mình phải làm việc đó và phải được cam kết đến cùng”, bà An nhấn mạnh.

Việc bầu cử là lựa chọn được những đại biểu tốt, xứng đáng với nhân dân, với đất nước. Chính vì vậy, các cơ quan phải có trách nhiệm cung cấp thông tin, minh bạch về các ứng viên.

Bà Bùi Thị An cho rằng, đối với cá nhân tất cả các thông tin bao gồm thân nhân, quá trình hoạt động trong cơ quan nhà nước, quan hệ ứng xử với cơ quan….; đối với doanh nghiệp, họ có nợ thuế, dối trá hay không… phải được cung cấp một cách đầy đủ các thông tin về ứng viên đã được kiểm soát. Thậm chí nếu cử tri hỏi liên quan đến tài sản cá nhân thì cũng phải công khai.

Về phía cử tri, bà An cũng tha thiết mong muốn các cử tri tìm hiểu kỹ thông tin, tiểu sử của đại biểu để lá phiếu bầu cử của mình là xứng đáng.

“Nếu cứ bầu theo số đông mà không tìm hiểu sẽ dẫn tới những sai lầm, hối tiếc, vì điều đó ảnh hưởng tới vận mệnh của đất nước, của nhân dân. Đây là trách nhiệm của cử tri đối với bản thân mình, chọn những người đại diện cho mình để cùng phát triển đất nước”, bà An nhận định.

Trong quá trình hoạt động để đại biểu có trách nhiệm hơn, theo bà Bùi Thị An ngoài việc công khai chương trình hành động thì cử tri phải giám sát thực hiện chương trình hành động đó. Trong quá trình nếu họ thực hiện không đúng thì nên có những biện pháp kiến nghị Quốc hội xử lý.

Áp lực nghị trường, chất vấn tư lệnh ngành

Từng có nhiều chất vấn, ý kiến thẳng thắn trên nghị trường, bà Bùi Thị An từng để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri, nhân dân cả nước.

Còn nhớ, tại phiên thảo luận về Dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, bà An đã thẳng thắn chỉ ra sự lãng phí, không tiết kiệm của một số cán bộ nhà nước: “Không phải đi xe sang là có tầm đâu, nhiều đồng chí cán bộ cao cấp giản dị, nhưng cũng có một số người còn nặng về hình thức. Đề nghị tăng giám sát, công khai chế độ trong phạm vi nào đó để mọi người giám sát”.

Bức xúc về tình trạng lãng phí, bà Bùi Thị An nhận định, đất nước còn nghèo nhưng tình trạng lãng phí lại rất phổ biến. Dân nghèo nhưng tổ chức cưới phải hoành tráng rồi còng lưng đi làm trả nợ. Cán bộ thay đổi chức vụ là thay đổi xe mới.

Cũng chính vì những chất vấn, góp ý thẳng thắn trên nghị trường nên bà Bùi Thị An chia sẻ, trong quá trình là Đại biểu Quốc hội không ít lần bà gặp những gợi ý của trưởng ngành đề nghị phát biểu nhẹ nhàng hơn, thậm chí là xin không chất vấn.

“Khi chất vấn trên nghị trường cái đầu tiên chính là vấn đề, nội dung chất vấn, đối tượng chất vấn và thời điểm chất vấn cần phải đúng.

Áp lực chất vấn trên nghị trường chắc chắn là có, thậm chí rất căng thẳng. Có đồng chí bộ trưởng, tư lệnh ngành từng nói thẳng với tôi rằng đừng chất vấn họ. Tôi hiểu tâm tư và áp lực họ đang đối diện và rất chia sẻ, tuy nhiên tôi phải lựa chọn lợi ích của nhân dân, đất nước chứ không phải vì một sự nhờ vả, đề nghị nào đó. Hơn nữa, mình chất vấn để nhằm thúc đẩy giải quyết vấn đề chứ không nhằm vào phê phán cá nhân lãnh đạo ngành”, bà An chia sẻ.

Theo Phó Giáo sư Bùi thị An, lúc đầu có đồng chí bộ trưởng không hài lòng, nhưng sau đó các vấn đề tồn đọng của lĩnh vực chất vấn được giải quyết thì họ đồng tình vì có sự quyết liệt của đại biểu mà vấn đề được xử lý nhanh.

Điều đó theo bà Bùi Thị An là quan trọng nhất bởi thực hiện đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

“Khi chất vấn, bản thân tôi luôn tự nhắc nhở mình rằng đây là vấn đề chung của cử tri, chính vì thế phải gạt bỏ vấn đề cá nhân sang một bên và làm đúng nhiệm vụ mà cử tri giao phó, như vậy là tường minh và đạt được hiệu quả chung”, bà An nhấn mạnh.

Cao Kim Anh