Bác sĩ công đã 'đẩy' người bệnh ra phòng khám tư

15/09/2012 07:42
Vĩnh Linh/vnexpress
Mẹ tôi phải trả 850.000 thay vì 650.000 đồng bởi phải ra phòng khám tư nội soi. Rất nhiều bệnh nhân ở xa không thể đợi được và bác sĩ bệnh viện bảo sang phóng khám tư đối diện.

Tuần trước tôi đưa mẹ đi khám bệnh ở một bệnh viện trên phố Quán Sứ, Hà Nội. Sau khi đăng ký gặp bác sĩ khám bệnh. Mẹ tôi được điều đi làm siêu âm vùng bụng và nội soi trực tràng. Khi ra tới quầy thu tiền nộp lệ phí thì tôi chỉ phải nộp mỗi tiền siêu âm là 40.000 đồng. Tôi có thắc mắc là còn tiền nội soi thì được người thu tiền giải thích rằng: “Ra đó sẽ nộp sau”.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Tới phòng nội soi. Sau khi chờ đợi rất lâu, mẹ tôi cũng được gọi vào. Chỉ vài phút sau đã thấy bà bước ra. Tôi có hỏi tại sao thì mẹ tôi bảo: “Bác sĩ nói hôm nay không nội soi nữa mà phải chờ 1 tuần nữa bệnh viện mới nội soi. Nếu muốn làm ngay thì sang phòng khám bên kia đường để làm dịch vụ”.

Vì mẹ tôi ở dưới quê lên không thể chờ được đến 1 tuần, đành chấp nhận sang làm dịch vụ. Lệ phí làm dịch vụ bên đó là 850.000 đồng, chưa kể phải tự bỏ thêm tiền túi ra mua nước rửa ruột (có người còn bị thu 900.000 đồng).

Trong lúc chờ đợi, tôi nói chuyện với một bác ngồi cạnh. Bác kể vợ bác làm 4 xét nghiệm bên bệnh viện bao gồm: siêu âm, nội soi, thử máu và một xét nghiệm gì nữa mà tôi cũng không nhớ. Tổng cộng có 650.000 đồng. Vẫn biết là làm dịch vụ bên ngoài là nhanh hơn thì sẽ đắt hơn, nhưng tôi không nghĩ là nó lại chênh nhau nhiều như thế.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Tôi thấy bên phòng khám có rất nhiều người từ bệnh viện sang làm xét nghiệm cùng với một lý do là nhà ở xa không thể chờ tới tuần sau mới làm được. Có người còn phải siêu âm rồi làm một số xét nghiệm (mà số tiền siêu âm hơn bên bệnh viện tới 5 lần). Lệ phí làm xét nghiệm cao như vậy nên có người bảo họ dành dụm mãi giờ mới đủ tiền đi khám bệnh, nhưng khám xong hết tiền rồi, không biết khi nào mới có tiền mua thuốc.

Rồi mẹ tôi cũng được đưa vào nội soi. Nhưng do phát hiện có polyp nên bà phải (tự nguyện) nộp thêm 300.000 đồng làm xét nghiệm thêm và được nhân viên nội soi bên phòng khám hẹn tới thứ 3 tuần sau mới có kết quả.

Thứ 3 tuần sau mẹ tôi lên lấy kết quả và chờ kết luận của bác sĩ. Nhưng đến đó họ lại hẹn tới hôm sau mới có. Hôm sau mẹ tôi lại đến thì được trả lời rằng: “Mẫu bệnh phẩm nhỏ nên bị tan hết” và yêu cầu cứ vào gặp bác sĩ khám để được tư vấn.

Mẹ tôi vào gặp bác sĩ thì được bác sĩ kết luận rằng chưa phải mổ. Giờ chỉ cần uống thuốc rồi theo dõi tiến triển theo định kỳ. Sau đó bác sĩ có kê một đơn thuốc cho mẹ tôi. Nhưng điều đặc biệt là cái đơn thuốc chỉ có ghi mỗi tên thuốc và địa chỉ mua thuốc (một cách kín đáo). Cũng lại là quầy thuốc của phòng khám. Còn ngoài ra bác sĩ không ghi cụ thể liều lượng uống là bao nhiêu? Và uống trước hay sau bữa ăn?

Khi được mẹ tôi hỏi là đơn thuốc đó giá khoảng bao nhiêu tiền (đơn uống trong 20 ngày) thì sau một hồi nhẩm tính vị bác sĩ bảo: “Khoảng 2-3 triệu”.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Mẹ tôi mang đơn thuốc ra nhà thuốc bệnh viện để hỏi mua thuốc chứ không theo như địa chỉ do bác sĩ chỉ định. Nhưng sau khi cầm sổ khám bệnh thì nhân viên bán thuốc nhanh chóng lật tới trang có ghi địa chỉ mua thuốc do bác sĩ ghi và trả lời rằng: “Ở đây không có, bác sang bên kia mua” rồi trả lại sổ khám bệnh.

Qua sự việc trên tôi cảm thấy rất bất bình về những hành động của bác sĩ và nhân viên ở bệnh viện. Họ thông đồng và móc ngoặc với những phòng khám tư bên ngoài để móc túi người bệnh.

Tôi không hiểu tại sao các bác sĩ lại có thể làm vậy khi mà ngày ngày họ vẫn chứng kiến cảnh những người dân nghèo phải nhịn ăn, nhịn tiêu để có tiền lên Hà Nội khám bệnh. Giờ nghỉ buổi trưa bệnh nhân nằm vật vạ ở vỉa hè, ở góc sân… rồi lại cơm nắm muối vừng để ăn cho qua bữa. Chưa kể chuyện lạ lẫm lên Hà Nội bị các thành phần xấu thi nhau lừa gạt tiền.

Tôi nhìn những cảnh đó mà thấy thương, thấy xót xa lắm. Tôi kể ra đây câu chuyện của tôi, mong rằng những ai đang làm trong nghề y, hoặc có liên quan tới nó thì hãy nghĩ đến những khó khăn của người nghèo khi bị bệnh mà giữ lương tâm, đạo đức nghề nghiệp cho xứng với câu “lương y như từ mẫu”.

Vĩnh Linh/vnexpress