Bán đảo Triều Tiên căng thẳng, Vương Nghị vội vã đi Nga

10/03/2016 16:29
Hồng Thủy
(GDVN) - Bắc Kinh lo sợ nguy cơ nổ ra chiến tranh, xung đột trên bán đảo Triều Tiên nên vội vã phái Vương Nghị đi Moscow tìm kiếm chi viện chiến lược.

Đa Chiều ngày 10/3 đưa tin, trong buổi họp báo ngày 9/3 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho hay, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ thăm Nga trong 2 ngày 10, 11/3 để "trao đổi các vấn đề hai bên cùng quan tâm".

Triều Tiên công bố ảnh phóng tên lửa tầm ngắn trong lúc căng thẳng leo thang trên bán đảo, ảnh: Yonhap News.
Triều Tiên công bố ảnh phóng tên lửa tầm ngắn trong lúc căng thẳng leo thang trên bán đảo, ảnh: Yonhap News.

Điều đáng nói là chuyến thăm này diễn ra có phần vội vã và dường như không được lên kế hoạch từ trước. Hôm 2/3 trước khi Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên, ông Nghị đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Sergei Lavrov để trao đổi về tình hình bán đảo.

Sớm hơn chút nữa, hôm 11/2 ông Nghị và ông Lavrov đã có cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị An ninh Munich. Trong khi gần đây không có hoạt động thăm viếng nào của các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc sang Nga, việc ông Nghị vội vã bay qua Moscow là dấu hiệu đáng chú ý.

Giới phân tích cho rằng, có 3 lý do thúc đẩy ông Nghị bay sang Moscow lúc này. Một là Bắc Kinh lo sợ nguy cơ nổ ra chiến tranh, xung đột trên bán đảo Triều Tiên nên vội vã phái Vương Nghị đi Moscow tìm kiếm chi viện chiến lược. Đặc biệt là cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn năm nay có quy mô chưa từng có kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam đến nay.

Bình Nhưỡng cũng không kém cạnh, trước các động thái của liên quân Mỹ - Hàn, Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa tầm ngắn ra biển Nhật Bản, tuyên bố ngừng toàn bộ giao dịch với Seoul, thanh lý toàn bộ tài sản của Hàn Quốc trên lãnh thổ của mình, vô hiệu hóa mọi thỏa thuận từ trước đến nay giữa 2 miền bán đảo.

Lý do thứ hai, Bắc Kinh muốn cùng bàn với Moscow cách ngăn chặn Washington và Seoul lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Ba là tìm kiếm "tư duy mới" trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên.

Hồng Thủy