Trong cuộc họp báo ngày hôm qua 8/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra những tuyên bố hùng hồn đáng chú ý xung quanh vấn đề Biển Đông và khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.
Hai đểm nóng, hai sự việc tưởng chừng không liên quan gì đến nhau, nhưng thực chất lại nằm trong cùng một kịch bản của các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải, hòng mượn gió bẻ măng, nghi binh đánh lừa đối thủ với mục đích cạnh tranh vị thế siêu cường toàn cầu, tiến tới thay thế địa vị của Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ảnh: The Sydney Morning Herald. |
Bình luận về căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay, ông Nghị nói: "Cuộc đối đầu trên bán đảo Triều Tiên rất căng thẳng và đầy mùi thuốc súng. Trung Quốc sẽ không khoanh tay ngồi nhìn lợi ích an ninh của mình bị hủy hoại." Ông Ngoại trưởng đe, sẽ là một thảm họa cho tất cả các bên nếu sự căng thẳng gia tăng vượt tầm kiểm soát.
Bắc Kinh đứng sau cánh gà giật dây cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên
Sở dĩ người viết đặt ra vấn đề này là vì, bất chấp các nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc trừng phạt các động thái phát triển vũ khí hạt nhân mà CHDCND Triều Tiên đang theo đuổi, cho đến nay Trung Quốc vẫn tìm cách né tránh các biện pháp trừng phạt đủ sức mạnh răn đe đối với Bình Nhưỡng.
Trong khi thực tế các hoạt động kinh tế - thương mại và nguồn cung cấp năng lượng, trung chuyển tài chính của CHDCND Triều Tiên đều đang phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc.
Mặt khác, chính quyền ông Tập Cận Bình vẫn vui vẻ ngậm bồ hòn trước những phát ngôn và hành động bất cần của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, thậm chí kể cả là những động thái vỗ mặt Trung Nam Hải.
Mặc dù dư luận Trung Quốc ngày càng nhiều luồng quan điểm tỏ ra bức xúc, bất mãn trước các hành xử của Bình Nhưỡng mà họ cho là đang phải "chịu ơn mưa móc" từ nước láng giềng, nhưng lại coi Trung Quốc chẳng ra gì, Bắc Kinh vẫn kiểm duyệt tuyệt đối bộ máy truyền thông, không để một câu chỉ trích ông Kim Jong-un hay Bình Nhưỡng xuất hiện trên mặt báo.
Ông Kim Jong-un mới đây tuyên bố, CHDCND Triều Tiên đã "đạt chuẩn" trong chế tạo vũ khí hạt nhân. Ảnh: Yonhap. |
Nhìn bề ngoài, đó là một hiện tượng bất thường. Nhưng khi ráp lại các sự kiện, liên hệ thì có thể thấy những gì đang diễn ra không chỉ hết sức bình thường mà còn là tính toán thâm hiểm của Trung Nam Hải.
Đó là Bắc Kinh đang lợi dụng Triều Tiên làm con bài thu hút dư luận quốc tế, phân tán nguồn lực quân sự của Hoa Kỳ để rảnh tay đẩy mạnh quân sự hóa, tiến tới độc chiếm Biển Đông. Do đó, duy trì cục diện bán đảo Triều Tiên như hiện nay có thể nói là "lợi ích chiến lược" của Trung Quốc.
Hơn nữa, ông Kim Jong-un càng tỏ ra bất thường, khó đoán, hành động của Bình Nhưỡng càng tỏ ra phiêu lưu, nguy hiểm thì kế mượn gió bẻ măng của Bắc Kinh càng hiệu nghiệm.
Có lẽ đó là lý do tại sao Bắc Kinh để cho ông Kim Jong-un thoải mái bộc lộ các cung bậc cảm xúc, không chỉ thù địch với Hoa Kỳ mà còn xem thường Trung Quốc.
Điều này tưởng chừng sẽ che lấp được sự "vô can" của Bắc Kinh trong cục diện bán đảo Triều Tiên, nhưng ở một góc độ khác chính phản ứng bất thường ấy đang tố cáo kẻ đứng sau cánh gà giật dây, điều khiển.
Quay trở lại Biển Đông, khẩu khí của ông Nghị không có gì khác như khi nói về khủng hoảng bán đảo Triều Tiên, đó là Trung Quốc không cho phép cái này cái kia, Bắc Kinh không khoanh tay ngồi nhìn...Những tuyên bố thường chỉ thấy ở những "ông trùm", hay những kẻ khao khát giấc mộng làm "võ lâm minh chủ" trong truyện kiếm hiệp Trung Hoa.
Thủ đoạn của Trung Quốc trên hai điểm nóng này cũng không khác gì nhau, ngoài việc phát huy tối đa sở trường võ miệng, Trung Quốc đang rung cây dọa khỉ đe nẹt các bên liên quan.
Bản thân họ sẽ kiểm soát tình hình không để nổ ra khủng hoảng an ninh hay chiến tranh, bởi chiến tranh đối đầu lúc này họ cũng sứt đầu mẻ trán. Nhưng Bắc Kinh lại "mồi" cho nó đủ nóng để nghi binh ở Đông Bắc Á và leo thang quân sự hóa từng bước trên Biển Đông.
Làm sao tránh mắc mưu Trung Quốc?
Hàn Quốc đã từng rất kỳ vọng và có nhiều động tác lấy lòng Bắc Kinh với hy vọng họ sẽ kiềm chế tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Nhưng Seoul đã sớm phải thất vọng vì "nhìn nhầm người" và quan trọng hơn là đánh giá sai đối thủ.
Một ví dụ gần nhất chứng minh cho điều này, Reuters hôm nay cho biết Bắc Triều Tiên vẫn đang sử dụng các xe tải do Trung Quốc chế tạo để thực hiện các vụ phóng tên lửa trên bệ di động 5 ngày trước. Theo Reuters, điều này sẽ nhấn mạnh thêm khó khăn trong việc thực thi lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với CHDCND Triều Tiên.
Dù có vùng vẫy dọc ngang, bất cần Trung Quốc đến đâu thì Bình Nhưỡng vẫn khó thoát vòng kiềm tỏa của Bắc Kinh trên thực tế. Về kinh tế, thương mại, năng lượng, chính trị, ngoại giao và thậm chí là cả dưới góc độ quân sự, Triều Tiên không phải đối thủ của Trung Quốc, trong khi nhiều thứ còn lệ thuộc vào Bắc Kinh.
Máy bay ném bom chiến lược B-1 của Hoa Kỳ đang tìm cách được hiện diện thường xuyên tại Úc để đối phó với các tình huống bất trắc ở Biển Đông. Dù là đồng minh an ninh của Mỹ, Canberra vẫn lưỡng lự trước yêu cầu này. Ảnh: The Japan Times. |
Bản thân Seoul, Washington, Tokyo cũng nhìn thấy điều này. 3 nước đồng minh thừa hiểu Trung Quốc đủ khả năng kiểm soát Bình Nhưỡng, và quan trọng hơn là họ "không muốn" tỏ ra kiểm soát được Bình Nhưỡng.
Chỉ có điều lý do tại sao Bắc Kinh lại hành xử như vậy, còn có nhiều nhận thức khác nhau. Người viết cho rằng, yêu cầu Bắc Kinh "siết cổ" nước láng giềng Đông Bắc Á theo mong muốn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc hay Nhật Bản thì khác nào bảo Trung Quốc tự lấy đá ghè chân mình?
Còn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, có lẽ Bắc Kinh là người hiểu nhất. Để Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ là mối đe dọa vô cùng nguy hiểm cho Trung Quốc.
Ông Nghị đã khẳng định điều này trong cuộc họp báo hôm qua: "Chúng tôi luôn kiên định con đường phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và sẽ không chấp thuận bất cứ kế hoạch phát triển hạt nhân hay tên lửa nào của Triều Tiên".
Ông Nghị đã né tránh câu hỏi của phóng viên dự họp báo về việc liệu Trung Quốc và Triều Tiên có tiếp tục là đồng minh hay không, liệu có xảy ra Chiến tranh Triều Tiên 2 hay không. Đó là sự né tránh khôn ngoan, có chủ đích.
Theo lẽ thường, có thực mới vực được đạo. Muốn thực hiện giấc mơ sở hữu vũ khí hạt nhân, Triều Tiên trước hết phải sống được đã. Trong khi đó cấm vận tứ bề, chỉ có Trung Quốc là nguồn cung từ năng lượng, lương thực cho đến các loại hàng hóa, đồng thời cũng là thị trường cho các loại khoáng sản của Bắc Triều Tiên.
Do đó theo nhận xét chủ quan của người viết, Bắc Kinh chính là đối tượng đầu tiên phải kiểm soát tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Mỹ - Hàn - Nhật tập trung "binh hỏa lực" vào Bình Nhưỡng mà quên đi các điểm nóng khác, trong đó nổi bật nhất là Biển Đông thì đã mắc mưu Bắc Kinh.
Để tránh cái bẫy này theo cá nhân người viết, một mặt, liên minh này nên chủ động ngồi lại cùng nhau đánh giá thực chất mục đích, ý đồ, hành động của Trung Quốc.
Mặt khác cần tìm cách đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng, hãy từ bỏ trông chờ, ảo tưởng Trung Quốc sẽ giúp mình "kiểm soát hành vi" của CHDCND Triều Tiên. Trong 3 nước này, thì hiện tại Nhật Bản có vẻ là nước dễ nói chuyện với Triều Tiên nhất.
Người viết rất phục tài năng của cố nhà văn Nam Cao khi miêu tả hình tượng Chí Phèo, nhưng càng phục ông hơn qua cách thể hiện màn ứng xử linh hoạt của Bá Kiến và liên tưởng đến các cuộc khủng hoảng quốc tế ngày nay.
Hai nhân vật Bá Kiến và Chí Phèo trong tác phẩm điện ảnh "Làng Vũ Đại ngày ấy" chuyển thể từ tác phẩm của cố nhà văn Nam Cao. Ảnh: Internet. |
Tạm gác chủ đề, tư tưởng tác phẩm và đặc trưng hai nhân vật này sang một bên, riêng tình huống dưới đây Bá Kiến đối thoại với Chí Phèo, người viết cho rằng là một bài học ý nghĩa về tư duy giải quyết khủng hoảng mà Mỹ - Nhật - Hàn có thể tham khảo.
"- Khổ quá! Giá có tôi ở nhà thì đâu đến nỗi. Ta nói chuyện với nhau, thế nào cũng xong. Người lớn cả, chỉ một câu chuyện với nhau là đủ. Chỉ tại thằng lý Cường nóng tính không biết nghĩ trước nghĩ sau. Ai, chứ anh với nó còn có họ kia đấy.
Chí Phèo chẳng biết họ hàng ra làm sao, nhưng cũng thấy lòng nguôi nguôi. Hắn cố làm ra vẻ nặng nề, ngồi lên. Cụ bá biết rằng mình đã thắng, đưa mắt nháy con một cái, cụ quát:
- Lý Cường đâu! Tội mày đáng chết. Không bảo người ta đun nước, mau lên!
Cụ dắt Chí Phèo đứng dậy, giục thêm vài tiếng nữa, và Chí Phèo chịu đi: hắn chỉ cố khập khiễng cái chân như bị què. Là vì lúc ấy trong người hắn rượu đã hơi nhạt rồi, không còn kêu gào chửi bới, hắn thấy hình như không còn hăng hái nữa. Sự ngọt ngào làm mềm nhũn, vả lại những người đứng xem về cả rồi, hắn thấy hình như trơ trọi."
Người viết không có ý ám chỉ hay so sánh ai là Chí Phèo, ai là Bá Kiến trong chuyện này. Nhưng rõ ràng cách Bá Kiến xử lý tình huống này có thể là một bài học ứng xử rất có giá trị trong quan hệ đối ngoại, nhất là khi đối phương "nóng nảy, khó lường".
Tham vọng của Trung Quốc là bá chủ toàn cầu, Biển Đông là đột phá khẩu
Cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ ngày càng gay gắt trên Thái Bình Dương. Nhưng trong 2 điểm nóng Bắc - Nam, thì khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên chỉ là nơi Bắc Kinh nghi binh và phân tán "hỏa lực" của đối thủ, Biển Đông mới thực sự là nơi Trung Quốc chọn để đột phá vòng vây, vươn mình thành bá chủ.
Trung Quốc bắn tên lửa diễn tập trên Biển Đông. Ảnh: Quân Giải phóng. |
Mặt khác, trận đấu sống còn này không chỉ dừng ở trên mặt trận địa chính trị, địa chiến lược và địa quân sự. Nó đang diễn ra rất khốc liệt trên mặt trận năng lượng, tài chính, kinh tế và thương mại.
Tác giả Ngọc Việt đã có những bài viết phân tích sâu về đề tài này trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ví dụ như Trung Quốc đang trở thành trùm thao túng giá dầu thế giới như thế nào, sử dụng định chế tài chính AIIB để phá TPP ra sao, đặc biệt là những quy trình kinh tế đảo ngược nhằm khống chế và triệt hạ đối thủ.
Có thể thấy, tham vọng độc chiếm Biển Đông làm ao nhà chỉ là một phần, nhưng lại là phần yết hầu trong kế hoạch xưng hùng xưng bá thiên hạ mà Trung Quốc đang theo đuổi. Mỹ đang là đối tượng Trung Quốc cạnh tranh và tìm cách hạ gục để thay thế vai trò siêu cường lãnh đạo thế giới.
Do đó thiết nghĩ Hoa Kỳ cần bình tĩnh đánh giá lại chiến lược của mình và có giải pháp căn bản, lâu dài để bảo vệ trật tự quốc tế hậu Chiến tranh Lạnh, hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế trước tham vọng vĩ cuồng và các hành động leo thang bất chấp tất cả của Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn ra sức tuyên truyền cho cái gọi là trỗi dậy hòa bình. Nhưng hành động của họ lại thể hiện cách tiếp cận mục tiêu, thực hiện tham vọng bất chấp tất cả. Luật pháp và công lý cũng bị họ chà đạp, miễn là có thể đạt được mục tiêu.
Trung Quốc đã bồi lấp, quân sự hóa ở Trường Sa gần xong và đang quay lại bồi lấp đảo, quân sự hóa Hoàng Sa, hai quần đảo thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đã bị Trung Quốc thừa cơ cất quân xâm lược, chiếm đóng trái phép một phần và toàn bộ, làm bàn đạp độc chiếm Biển Đông.
Trong khi phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA xung quanh vụ kiện đường lưỡi bò sắp đến gần, ông Vương Nghị cao giọng tuyên bố: "Lịch sử sẽ chứng minh ai mới là chủ nhân của Biển Đông", một câu nói đầy ẩn ý, trong khi đã có học giả cảnh báo nguy cơ Bắc Kinh có thể rút khỏi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Nguy cơ này hoàn toàn hiện hữu, các bên liên quan bao gồm cả Hoa Kỳ cần tính đến khả năng này để tìm cách đối phó hiệu quả.