Báo cáo Mỹ điểm danh những vũ khí mới của Trung Quốc

10/05/2013 08:44
Việt Dũng
(GDVN) - Báo cáo Mỹ dành sự quan tâm tới nhiều loại vũ khí mới của TQ như tên lửa DF-21D, DF-31A, máy bay J-15, J-20, J-30, các tàu ngầm hạt nhân mới...
Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D Trung Quốc

Ngày 6/5, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố báo cáo về sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Báo cáo này đã liệt kê cụ thể sự tiến triển trong nghiên cứu chế tạo và trang bị các vũ khí mới của Trung Quốc.

Mặc dù giống như trước đây, những nội dung này phần lớn đều không được Trung Quốc xác nhận, nhưng qua đây có thể thấy một số vấn đề quan tâm nhất của Mỹ đối với hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.

Theo bài viết, báo cáo về sức mạnh quân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ toàn văn dài 92 trang, có 6 chương, 4 chuyên đề và 3 phụ lục.

Theo báo cáo, về khả năng hiện có của Quân đội Trung Quốc, đứng đầu chính là lực lượng Pháo binh 2, trong đó lần đầu tiên chứng thực tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21D (DF-21D) đã triển khai thực tế.

Báo cáo cho rằng, loại tên lửa này có tầm phóng trên 1.500 km, trang bị đầu đạn có thể cơ động thay đổi quỹ đạo, giúp cho Quân đội Trung Quốc có khả năng tấn công các loại tàu chiến cỡ lớn như tàu sân bay ở Tây Thái Bình Dương.

Tên lửa xuyên lục địa của lực lượng Pháo binh 2 cũng là một loại vũ khí gây căng thẳng cho Lầu Năm Góc. Báo cáo cho rằng, tầm phóng của tên lửa xuyên lục địa Đông Phong-31A (DF-31A) Trung Quốc đã đạt 11.200 km, có khả năng phục vụ tấn công nước Mỹ.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A Pháo binh 2 Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A Pháo binh 2 Trung Quốc

Ngoài ra, báo cáo phỏng đoán, Trung Quốc có thể đang nghiên cứu chế tạo một loại tên lửa xuyên lục địa cơ động đường bộ mới có thể trang bị nhiều đầu đạn hạt nhân và độc lập tấn công các mục tiêu khác nhau, có thể tăng lớn hiệu quả răn đe của tên lửa hạt nhân.

Trong lĩnh vực hải quân năm 2013, báo cáo về sức mạnh quân sự Trung Quốc trước hết tập trung chú ý tới tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh của Trung Quốc. Báo cáo cho rằng tàu sân bay Liêu Ninh trong ngắn hạn có năng lực hoạt động ở biển Hoa Đông và Biển Đông, nhưng muốn thực hiện nhiệm vụ phức tạp hơn thì phải có thời gian.

Báo cáo viết: “Hình thành cụm chiến đấu tàu sân bay sẽ làm cho Hải quân Trung Quốc có sức chiến đấu toàn diện, đồng thời nâng cao khả năng tác chiến tầm xa”. Báo cáo cho rằng, cảng chính của tàu sân bay Liêu Ninh đặt tại căn cứ Thanh Đảo, nơi này có cảng nước sâu, cơ sở tiếp tế và sửa chữa, sân bay ở khu vực xung quanh còn có thể cung cấp bảo trì và bảo dưỡng cho máy bay hải quân, “căn cứ Tam Á ở đảo Hải Nam có thể là một căn cứ tàu sân bay thích hợp khác”.

Còn về máy bay hải quân, báo cáo phỏng đoán, trong mấy năm tới tàu sân bay Liêu Ninh tiến hành thử nghiệm và huấn luyện máy bay chiến đấu hải quân, nhưng trước năm 2015 vẫn không thể mang theo biên đội máy bay chiến đấu hải quân có thể vận hành.

Trung Quốc đã cho máy bay chiến đấu hải quân J-15 cất/hạ cánh thử trên tàu sân bay Liêu Ninh
Trung Quốc đã cho máy bay chiến đấu hải quân J-15 cất/hạ cánh thử trên tàu sân bay Liêu Ninh

Báo cáo cho rằng: “Máy bay chiến đấu J-15 tuy có bán kính tác chiến 1.200 km khi cất cánh từ mặt đất, nhưng do ảnh hưởng của phương thức kiểu nhảy cầu, khi cất cánh từ tàu sân bay, hành trình và vũ khí mang theo của máy bay chiến đấu này sẽ bị hạn chế rất lớn”.

Báo cáo cho rằng, trình độ công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc đã phát triển mạnh, tàu sân bay nội địa đầu tiên có khả năng đi vào hoạt động trong giai đoạn 2015-2020.

Ngoài tàu sân bay, Lầu Năm Góc cho rằng, Hải quân Trung Quốc sẽ đặt xây dựng lực lượng tàu ngầm lên vị trí ưu tiên. Báo cáo cho rằng, 3 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Tấn Type 094 đã biên chế và tên lửa xuyên lục địa phóng ngầm Cự Lang-2 (JL-2) giúp cho Trung Quốc lần đầu tiên sở hữu sức mạnh răn đe hạt nhân trên biển đáng tin cậy.

Trong tương lai, Trung Quốc sẽ chế tạo 5 tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094, hỗ trợ cho nó là 2 tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Thương Type 093 và chuẩn bị tiếp tục chế tạo 4 tàu phiên bản cải tiến tiên tiến hơn. Báo cáo cũng lần đầu tiên xác nhận Trung Quốc sẽ chế tạo tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 096 và tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 095 trong 10 năm tới, Type 095 có khả năng phóng ngầm tên lửa hành trình tấn công đối đất.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Tấn Type 094 Trung Quốc
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Tấn Type 094 Trung Quốc

Điều được quan tâm nhất trong các chương trình chế tạo tàu chiến mặt nước của Hải quân Trung Quốc còn có tàu khu trục tên lửa lớp Lữ Dương III Type 052D. Báo cáo này cho biết, chiếc tàu khu trục tên lửa lớp Lữ Dương III đầu tiên sẽ đi vào hoạt động năm 2014, nó được trang bị 1 hệ thống phóng thẳng đứng đa năng của Hải quân Trung Quốc, có thể đồng thời lắp tên lửa hành trình chống hạm, tên lửa hành trình tấn công đối đất, tên lửa phòng không và chống tàu ngầm chống tàu ngầm.

Lầu Năm Góc suy đoán, Trung Quốc sẽ chế tạo trên 12 chiếc tàu khu trục lớp Lữ Dương III để thay thế cho tàu khu trục lớp Lữ Đại kiểu cũ.

Lầu Năm Góc cho rằng, Không quân Trung Quốc đã chú ý tới thách thức công nghệ từ các máy bay chiến đấu tiên tiến F-22, F-35 của Mỹ, đang dốc sức vào phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm có tính năng tàng hình, thiết bị điện tử hàng không tiên tiến, tuần tra siêu âm, muốn dựa vào các máy bay chiến đấu tiên tiến như J-20, J-31 để cải thiện khả năng can dự trên không khu vực, tăng cường khả năng tấn công đối với các cơ sở mặt đất.

Báo cáo dự đoán, do bị tác động bởi các nhân tố như phát triển động cơ tiên tiến, loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm đầu tiên của Trung Quốc không có nhiều khả năng được biên chế sớm hơn năm 2018.

Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc

Báo cáo còn cho rằng, ngoài sử dụng công nghệ tàng hình cho máy bay chiến đấu có người lái, Trung Quốc còn ứng dụng công nghệ này cho máy bay không người lái làm nhiệm vụ tấn công đối đất.

Trong lĩnh vực phòng không, Lầu Năm Góc cho rằng, Trung Quốc sở hữu một trong những lực lượng phòng không có quy mô lớn nhất thế giới, gồm có tên lửa phòng không SA-20 do Nga chế tạo và tên lửa HQ-9 do Trung Quốc sao chép (trang bị cho Không quân); và tên lửa phòng không CSA-16, pháo phòng không tự hành PGZ-07 (trang bị cho Lục quân).

Theo bài báo, Trung Quốc cũng sẽ điều lực lượng tên lửa phòng không tiên tiến nhất tới miền Tây tiến hành huấn luyện dã ngoại trong thời gian dài, thử nghiệm khả năng tác chiến ở khu vực vùng cao và trong môi trường tác chiến mạng.

Tên lửa phòng không HQ-9 Trung Quốc
Tên lửa phòng không HQ-9 Trung Quốc
Việt Dũng