Báo Nhật: Biển Đông - Trung Quốc đang tát vào mặt Mỹ

13/07/2012 07:14
Đông Bình (nguồn báo Phương Đông)
(GDVN) - Hành động gần đây của Trung Quốc trên biển Đông “hoàn toàn là ý đồ của Bắc Kinh”, Trung-Mỹ đang bước vào một cuộc đối đầu mới.
Trung Quốc chào thầu dầu khí phi pháp trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trong hình là khoảng cách từ các lô CNOOC gọi thầu đến bờ biển Việt Nam.
Trung Quốc chào thầu dầu khí phi pháp trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trong hình là khoảng cách từ các lô CNOOC gọi thầu đến bờ biển Việt Nam.

Ngày 11/7, tờ “Thời báo Nhật Bản” có bài viết cho rằng, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) tuyên bố đấu thầu quốc tế các lô dầu khí trên biển Đông (ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trắng trợn vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam).

Điều này gây ngạc nhiên cho cả khu vực. Điều quan trọng hơn là, Trung Quốc đưa ra tuyên bố này trước thềm Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).

Bài báo cho rằng, cho dù đây có thể là hành động đáp trả mang tính trả đũa (phi pháp, phi lý) đối với Việt Nam, nhưng đó là hành động thực sự quá đáng, khó có thể chấp nhận. Trung Quốc đưa ra chủ trương “vùng biển lịch sử” hay “quyền lợi lịch sử”, chắc chắn sẽ bị bác bỏ.

Điều này đương nhiên là mối lo ngại nhất của Mỹ: Trung Quốc một ngày nào đó có thể sẽ thực hiện chính sách này (không có tự do hàng hải) ở biển Đông.

Rõ ràng là, Trung Quốc lựa chọn “không để ý” đến cảm giác của ASEAN và sự khuyên bảo của Mỹ thúc đẩy họ chấp nhận trật tự hiện có và luật pháp quốc tế, sẽ tiếp tục đơn phương thực hiện và tăng cường đòi hỏi lãnh thổ mang tính “lịch sử”, từ chối sự hòa giải của bên thứ ba.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á Campbell đã liên tiếp đến thăm Đông Nam Á trong thời gian gần đây để “tạo thế”.

Như lời của Campbell nói: “Washington dự định để cho khu vực cảm thấy có sự hiện diện của Mỹ”. Những hành động gần đây của Trung Quốc không khác gì “đi đầu tát vào mặt” (đối với Mỹ).

Mỹ thúc giục Trung Quốc chấp nhận Bộ Quy tắc Ứng xử ở biển Đông (COC).
Mỹ thúc giục Trung Quốc chấp nhận Bộ Quy tắc Ứng xử ở biển Đông (COC).

Rõ ràng, sự phát triển của tình hình sẽ làm cho việc đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở biển Đông (COC) có tính ràng buộc hơn càng trở nên khó khăn.

Báo chí Trung Quốc dẫn nguồn báo Nhật cho biết, xem ra, Trung Quốc sẽ xung đột với Việt Nam và luật lệ quốc tế, từ đó xung đột với Mỹ và một số quốc gia ASEAN. Điều này cũng sẽ thúc đẩy một số nước ASEAN nghiêng về Mỹ.

Những câu hỏi được đặt ra là: Tại sao Trung Quốc làm như vậy vào lúc này? Phải chăng có liên quan đến thay đổi nhà lãnh đạo của họ? Hay phái quân sự theo chủ nghĩa dân tộc chiếm thế thượng phong? Hay tầng lớp lãnh đạo của họ “trong lòng đã quyết” và đang muốn “thể hiện bản lĩnh”?

Cho dù động cơ của Bắc Kinh là gì, hành động này làm cho khu vực cảm thấy lo ngại. Đương nhiên, Trung Quốc sẽ trỗi dậy (như rất nhiều nước trước đây, gồm có Mỹ) và dựa vào phương thức có lợi cho mình để thay đổi trật tự khu vực và quốc tế. Các hành động gần đây hầu như cho thấy đây hoàn toàn là ý đồ của Bắc Kinh.

Bài báo cho rằng, chính sách ngoại giao và quốc phòng của Mỹ hướng tới “tái cân bằng” châu Á, điều này gây ra sự lo ngại cho khu vực và làm trầm trọng hơn căng thẳng Mỹ-Trung.

Trung Quốc cho rằng, hành động này của Mỹ nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của họ. Hiện nay, Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh để tranh thủ lòng người của các nước Đông Nam Á.

Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc liên tục diễn tập quân sự trên biển Đông.
Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc liên tục diễn tập quân sự trên biển Đông.

Theo bài báo được truyền thông Trung Quốc dẫn nguồn tuyên truyền rằng: “Việt Nam và Philippines hoan nghênh sự chuyển hướng chính sách của Washington, nhưng các nước khác không nhiệt tình như vậy”. Một số nước ASEAN không muốn lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc (cho dù là một mình hay tập thể), lo ngại sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ chủ đạo các vấn đề chính trị của khu vực, làm trầm trọng hơn bất ổn và làm xói mòn vị thế trung tâm về chính trị và an ninh của ASEAN

'Tình hình căng thẳng sẽ lên xuống bất định cùng với trạng thái gây ảnh hưởng/chống ảnh hưởng, các công ty dầu khí quốc tế sẽ rời xa, điều này có hại, chứ không có lợi cho người dân Đông Nam Á và hòa bình, ổn định của khu vực". - báo Phương Đông, Trung Quốc thêm thắt và bình luận.

Trên thực tế, điều này sẽ có nghĩa là, Trung Quốc và Mỹ có thể đang bước tới một cuộc đối đầu về văn hóa, chính trị (có thể cuối cùng còn có quân sự), còn Đông Nam Á tiếp tục sẽ bị lôi kéo theo.

Lực lượng hàng không của Hạm đội Nam Hải vừa tổ chức diễn tập đổ bộ đường băng trong đêm
Lực lượng hàng không của Hạm đội Nam Hải vừa tổ chức diễn tập đổ bộ đường băng trong đêm
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theoGiaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Đông Bình (nguồn báo Phương Đông)