Bất ngờ: Đa số độc giả lên tiếng ủng hộ sự "phá cách" của TS Dương

14/03/2012 16:00
TC (tổng hợp)
(GDVN) - 'Về chuyên môn, cách giảng của TS Dương rất đáng được ghi nhận nhưng cũng không nên dùng những từ ngữ không đẹp như vậy'.
Sau khi đăng tải các bài viết liên quan đến video TS Lê Thẩm Dương có những lời lẽ tục tĩu trên bục giảng, tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều những ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Để rộng được dư luận, chúng tôi xin tổng hợp lại các ý kiến của độc giả.

Đâu là sự phá cách trong giảng dạy?

Ngay sau khi các bài viết liên quan video bài giảng của TS Lê Thẩm Dương được đăng tải, đã rất nhiều ý kiến của độc giả gửi về tòa soạn, trong đó đa phần các ý kiến đều đánh giá rất cao chuyên môn cũng như cách giảng dễ hiểu, gần gũi của vị giảng viên này.

Trong những ngày qua độc giả đã bày tỏ những ý kiến trái chiều xung quanh những lời lẽ trên bục giảng của TS Lê Thẩm Dương. (Ảnh chụp từ clip).
Trong những ngày qua độc giả đã bày tỏ những ý kiến trái chiều xung quanh những lời lẽ trên bục giảng của TS Lê Thẩm Dương. (Ảnh chụp từ clip).

"Mình không biết thế nào nhưng mình đã từng được học thầy, mình thấy cách giảng bài của thầy rất bình dị, chuyên môn của thầy thì khỏi chê vào đâu được. Trong giờ giảng, thầy nói rất thực tế, gần gũi, bình dị và đưa vào rất nhiều các ví dụ minh họa thực tế. Sinh viên của bọn mình ngồi trong giờ đúng như thầy nói chả ai buồn nghĩ đến chuyện khác kể cả trao đổi riêng thôi", độc giả Phạm Hùng chia sẻ.
Còn độc giả Chí Thành đánh giá: "Mình đã học qua nhiều thầy nhưng khi xem clip xong phải nói rằng mình rất nể phục thầy Dương bởi cách giảng bài của thầy không hề khô cứng, giáo điều, sách vở mà trái lại rất thực tế, dễ nghe, dễ hiểu. Nếu có dịp thì mình rất mong muốn được học thầy". Cũng đã từng học qua TS Dương, độc giả Lê Thu Ba nhận xét: "Tôi đã được học Thầy Dương từ năm 1993-1997 tại Đại Học Mở-Bán Công Tp.HCM. Xem lại Clip này vẫn thấy không thay đổi, vào thời điểm đó cứ đến tiết học của thầy là lớp không đủ chỗ ngồi, vì cách dạy của thầy bình dân và hấp dẫn, rất dễ tiếp thu. Hy vọng là mọi người có cách nhìn thoáng hơn trong vấn đề giảng dạy. Quan trọng nhất là học viên có tiếp thu được hay không".
Ngay trong phần thăm dò ý kiến độc giả của báo Giáo dục Việt Nam trong các bài viết cũng đã cho thấy rất nhiều bạn đọc đã đánh giá rất cao chuyên môn, cách giảng dạy, tạo ra sự hứng thú cho người nghe của TS lê Thẩm Dương.
Phần kết quả bầu chọn của độc giả báo GDVN cho thấy 89.3% độc giả đánh giá rất cao chuyên môn, năng lực của TS Dương.
Phần kết quả bầu chọn của độc giả báo GDVN cho thấy 89.3% độc giả đánh giá rất cao chuyên môn, năng lực của TS Dương.

Theo thống kê chưa đầy đủ đến sáng ngày 14/3 đã có 19712 lượt bạn đọc tham gia thăm dò, đánh giá và đã có hơn 17.611 lượt bạn đọc, chiếm 89,3% đánh giá cao chuyên môn, cách giảng dạy, truyền đạt của TS Lê Thẩm Dương. Còn lại hơn 2.000 bạn đọc, chiếm 10,7% cho rằng cách dạy đó là bình thường, không đem lại hiệu quả. Và chính trong phần trả lời PV báo Giáo dục Việt Nam, TS Trần Lan Phương, Phó viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh (Đại học FPT) cũng đánh giá rất cao năng lực, chuyên môn, cách giảng dạy, sự hiểu biết sâu rộng của TS Lê Thẩm Dương. "Thầy Dương là người hài hước, có hiểu biết học thức sâu rộng, việc thầy đùa cợt hay có nhắc về phụ nữ đó chỉ là dẫn dắt câu chuyện và đi vào vấn đề, như thế sẽ rất hấp dẫn, lôi cuốn học viên theo dõi. Thấy biết chuyển hóa những vấn đề phức tạp thành đơn giản, dễ hiểu. Bài giảng của thầy mang lại hứng thú cho học viên. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục mời Tiến sĩ Lê Thẩm Dương tham gia trò chuyện trong các buổi trao đổi tiếp theo”, TS Lan khẳng định. Không ít độc giả cũng đưa ra một thực tế, ở không ít trường đại học hiện nay có một thực tế, rất nhiều giảng viên giảng bài theo kiểu dập khuôn, máy móc, cứng nhắc và dựa chủ yếu vào sách vở, không có sự cải tiến linh hoạt, dễ dẫn đến "ru ngủ" cho người học thì cách giảng bài của TS Lê Thẩm Dương đã tạo ra một sự phá cách trong giảng dạy hiện nay. "Tôi đã từng phải học trong rất nhiều lớp học mà những người giảng theo một cách giáo điều, máy móc, như kiểu đọc chép của học sinh nên khi được xem video clip giảng bài của TS Lê Thẩm Dương thực sự tôi đã phải thốt lên là cách giảng bài quá hay. Dù nhiều từ, thầy nói nó chưa được hay lắm nhưng phải nói đó là một sự phá cách trong cách giảng bài, nó tạo được sự hăng say trong nghe giảng của người học, thực sự là tôi nghĩ chúng ta nên xem xét thật kỹ càng cách giảng này của thầy", độc giả Trần Thuyết bày tỏ .

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương (ảnh: Internet)
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương (ảnh: Internet)

"Sao lại cứ coi trọng cái hình thức khi mà hình thức chẳng mang được cái gì vào đầu sinh viên? Em cũng là một sinh viên, em hiểu những giờ giảng đúng lề lối, đúng văn hóa mọi người đang đề cao ca ngợi là như thế nào. Bạn thì ngủ, bạn thì nhắn tin, bạn thì chơi game. Rồi đến lúc thi mới chịu học vẹt, thi xong là quên hết. Nhưng được nghe những bài giảng thú vị, thì những kiến thức ấy còn mãi, chỉ cần nhớ đến những ví dụ sinh động là kiến thức vẫn còn. Đâu rồi cái tiêu chí phẩn đối thầy đọc trò chép, cái tiêu chí sinh viên phải tự chắt lọc thông tin, cái tiêu chí sinh viên chủ động? Bây giờ có những giờ giảng như thế, các thầy cô nỡ lòng lên án, loại bỏ sao? Các thầy cô đang bảo vệ quyền lợi của sinh viên chúng em, thì hãy theo dõi các diễn đàn những ngày qua đi ạ. Em nghĩ chúng ta cần có những người như TS Lê Thẩm Dương", độc giả Lê Dung nhấn manh.

Nhưng văng tục trên bục giảng là không chấp nhận được

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đánh giá cao về chuyên môn, trình độ, các giảng dạy mang tính sáng tạo, tạo nguồn cảm hứng cho người học cũng không ít ý kiến của độc giả cũng cho rằng, cần phải có sự xem xét lại việc sử dụng ngôn ngữ không đẹp của TS Lê Thẩm Dương dù là giảng hay là trò chuyện.

"Có thể chuyên môn, cách giảng của ông tạo ra được sự hứng thú đối với người nghe nhưng dù thế nào đi nữa thì việc đứng trước đám đông như vậy mà lại dùng những từ ngữ không đẹp đẽ, thiếu văn hóa, thậm chí là tục tĩu như vậy thì không thể chấp nhận được. Thêm vào đó mình lại đang mang danh là một giảng viên, một người thầy của một trường đại học lớn được người ta mời đến diễn thuyết cho người khác, cung cấp những kiến thức về quản trị kinh doanh mà lại nói như vậy thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách người thầy", độc giả Thanh Sơn bày tỏ.

Cùng với đó độc giả Nguyễn Tú cũng cho rằng: "Đâu phải cứ cho những từ ngữ nó tục tĩu vào thì bài giảng nó mới hay, mới phong phú. Vẫn có những thầy cô giảng những bài giảng không hề có những thứ dung tục, tục tĩu mà vẫn tao được tiếng cười, vẫn tạo được cảm hứng cho người nghe.

Chính như lớp đại học chúng tôi trước đây dù môn chủ nghĩa xã hội khoa học trước đây là một môn rất khô cứng, thường bị sinh viên xếp vào diện khó tiếp thu nhưng thầy giáo dạy chúng tôi trong mỗi tiết giảng lại đưa vào những ví dụ hết sức thực tế, đời thường, không hề thô tục chút nào. Cho nên mỗi giờ giảng của thầy đều thu hút rất đông sinh viên đến nghe giảng và hăng hay phát biểu".
TC (tổng hợp)