"Bị 'chặt chém' ở Sầm Sơn nhưng tôi đã không cầu cứu được một ai"

27/07/2012 14:06
Độc giả Lai Thành
(GDVN) -Tôi không biết phải nói gì lúc này, ngoài nỗi thất vọng tràn trề về lần bị chặt chém ở biển Sầm Sơn. Tôi đã từng 2 lần đến Sầm Sơn du lịch, nhưng cả 2 lần tôi bị chặt chém, ăn quỵt. Quá bức xúc, tôi đã gọi điện để cầu cứu, nhưng tôi không thể liên hệ được với một cá nhân, tổ chức nào để giải quyết việc của tôi gặp phải....
Ngay sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết Chủ tịch UBND Thị xã Sầm Sơn thẳng thừng bác bỏ về nạn "chặt chém", tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến của độc giả.

Một trong số đó là ý kiến của độc giả La Thành có gửi đến báo điện tử Giáo dục Việt Nam một bài viết chia sẻ và mong muốn tòa soạn gửi đến các vị lãnh đạo ở thị xã Sầm Sơn. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin đăng tải bài viết của độc giả La Thành.
 
Kính gửi những vị lãnh đạo thị xã Sầm Sơn - Thanh Hóa, đầu tháng 7 vừa rồi là lần thứ 2 tôi đưa gia đình đi du lịch ở Sầm Sơn. Tôi đã ra học tập và công tác cũng như sinh sống Hà Nội hơn mười năm. Sầm Sơn cách nhà tôi gần ba mười cây số, đưa vợ con đi du lịch cũng là dịp về quê chơi thăm ông bà. Cũng muốn cho hai đứa con nhớ nguồn cội, nên nếu cả gia đình đi du lịch biển tôi luôn chọn Sầm Sơn trước tiên. Trước khi kể sự việc vừa rồi, tôi xin kể vắn tắt hai lần đến du lịch Sầm Sơn trước đây. Lần đầu tiên gia đình tôi đi du lịch ở Sầm Sơn vào năm 2009, ngày đó tôi đưa cả gia đình vào. Dù bạn bè khuyên ngăn nói về nạn chặt chém, lừa tiền ép giá du khách nhưng tôi không tin. Khi vừa đặt chân đến, tôi như bị mê hoặc bởi sự đon đả của những 2 bác xích lô. Vừa mệt nên cả gia đình lên 2 chiếc xích lô để đi tìm phòng, cũng là ngắm biển cho thư thái. Lòng vòng nửa tiếng họ chở gia đình tôi đến một nhà nghỉ khá gần bãi tắm. Xuống xích lô gia đình tôi được giúp đỡ tận tình vào gặp chủ nhà nghỉ lấy phòng xách đồ lên tận phòng.
Biển Sầm Sơn, nơi diễn ra nhiều tình trạng "chặt chém" du khách
Biển Sầm Sơn, nơi diễn ra nhiều tình trạng "chặt chém" du khách
Chưa kịp hoảng hồn vì giá phòng ngày đó 450.000 một phòng ba giường. Vợ chồng tôi lại phải móc hầu bao trả cho hai xích lô gần 300.000 đồng lý do chở 4 người. Giá là 10.000 đồng/ km họ nói chở chúng tôi 6 km, 60.000 đồng/1 người, cùng với 50.000 đồng tiền xách đồ, tổng cộng  mất đến 290.000 đồng. Kết quả bà xã tôi lủng bủng cả buổi tối hôm đó. Sau đó tôi còn cùng anh em trong phòng du hí chuyến vào Sầm Sơn. Biết trước nạn chặt chém nên chúng tôi dè dặt với các dịch vụ ăn uống, đi lại ấy vậy vẫn xảy ra chuyện. Cùng phòng tôi có anh bạn đi dạo đêm, không biết thế nào nghe mấy tay xe ôm đến quán tẩm quất trá hình, chả biết sao lại bị lấy mất ví cuối cùng anh em trong đoàn phải đến trả gần 1 triệu đồng. Biết là chuyện không hay nhưng anh bạn đồng nghiệp ngao ngán: “Ở đây chặt chém lừa đảo ghê quá”.
Chỉ mấy con cua ghẹ gia đình tôi mất cả triệu bạc vì giá thức ăn chín tăng theo giá thị trường (ảnh minh họa, nguồn Internet)
Chỉ mấy con cua ghẹ gia đình tôi mất cả triệu bạc vì giá thức ăn chín tăng theo giá thị trường (ảnh minh họa, nguồn Internet)
Cho tới đầu tháng 7 vừa rồi, mặc vợ tôi ngăn cản tôi vẫn quyết định đưa cả nhà về Sầm Sơn mừng cô con gái cả đỗ trường chuyên, cùng với suy nghĩ “chắc giờ làm nghiêm sẽ khác”. Đúng là mới xuống đường phố sạch sẽ hơn, thoáng đãng hơn. Vì bị một lần “xích lô dù” nên tôi cạch mặt gọi chiếc taxi đến nhà khách của một ngành do tôi có anh bạn làm công tác tổ chức ở tỉnh. Nên chỗ ở khá yên tâm giá phòng hơi cao nhưng chấp nhận được.
Ngay buổi chiều hôm đầu sau khi nhận phòng cả gia đình tôi đi ăn trưa tại một ki-ốt thuộc bãi tắm A. Chọn bàn ăn trên bãi cát để hưởng cái gió biển. Thấy mấy món cua ghẹ ghi giá thỏa thuận. Vợ tôi tinh ý hỏi giá tiền, thì được biết vì là đặc sản nên những món ăn này sẽ được tính tùy theo giá tăng lên hoặc giảm đi của giá thực phẩm đầu vào. Nhưng sau khi dùng bữa chủ quán mang hóa đơn gấp tới 3 lần so với giá dự tính ban đầu. Cụ thể cả nhà tôi ăn 1,5 kg cua và ghẹ biển, giá ban đầu nhà hàng đưa ra là 500.000 đồng/ 1kg. Cùng với đó mấy bát cháo ngao, đồ uống nước ngọt…Dự tính nhiều lắm cũng đến 1 triệu là cùng. Ngạc nhiên với tờ thanh toán tới gần 2 triệu bạc khi hỏi lại thì nhân viên và chủ nhà hàng giải thích giá cua ghẹ khi hỏi là lúc sống, còn khi chế biến món ăn tăng lên mỗi 1 kg là 200.000 đồng. Đồng thời vì là giá thỏa thuận tăng theo thời giá của cua ghẹ sống, nên giờ cua ghẹ giá cao hơn lúc trước…Trăm nẻo lý do, trong thâm tâm tôi đã biết mình đã bị lừa và chặt chém. Vợ tôi bức xúc nhất mực hơn thua, nhớ đến anh bạn làm công tác tổ chức tại một cơ quan trong tỉnh, tôi gọi điện anh bạn gửi cho một loạt các số điện thoại của lãnh đạo địa phương, lãnh đạo tỉnh và nói phản ánh đến đó sẽ được hướng dẫn yên tâm. Chưa đầy phút 3 tôi đã có số điện thoại của các ông quan chức, những người có trách nhiệm ở thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh hóa, các số điện thoại đường dây nóng... Để lấy tiếng, tôi nói với chủ quán gọi lãnh đạo địa phương, các cơ quan chức năng để phản ánh kiểu chặt chém. Tuy nhiên không những không sợ, chủ quán còn thách thức “có gọi ông giời cũng không sợ”, mà rằng “không trả tiền đừng hòng đi khỏi quán”. Không giữ được bình tĩnh, tôi lấy máy gọi điện vào mấy số điện thoại anh bạn cho. Nhưng than ôi 1, 2 rồi 3, vv... tất cả 3 số điện thoại đều không một ai ghe máy, tôi thử gọi vài lần nữa nhưng vẫn vô vọng. Thấy thế bà chủ quán cười khinh khỉnh đắc trí ra mặt. Còn tôi vừa mất tiền vừa bị phen xấu hổ tím măt. Trên đường về nhà nghỉ tôi lại tiếp tục nhận “bài ca” của vợ. Và điều chúng tôi cảm thấy xấu hổ, thất vọng nhất đó là cả hai lần về Sầm Sơn tôi đều gặp nghịch cảnh chặt chém này. Tôi thấy xấu hổ với chính vợ mình, tôi tự trách vì không nghe lời khuyên của vợ. Có một điều làm tôi băn khoăn cứ nghĩ mãi, phải chăng anh bạn tôi cho không đúng số điện thoại cần gọi. Hay các vị lãnh đạo, những đường dây nóng của ban quản lý kia chẳng buồn nghe máy để nhận những ý kiến của du khách bị “chặt chém” như tôi. Qua đây, tôi cũng chỉ muốn nói lên chút cảm nhận của mình khi nhắc đến những nỗi lòng và sự bức xúc của du khách đối với nạn chặt chém ở Sầm Sơn mang lại.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử, nạn chặt chém khách du lịch trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Độc giả Lai Thành