Bờ biển bốc mùi hôi, dân gom cá chết bán cho thương lái

27/04/2016 14:11
Thủy Phan
(GDVN) - Có người đã phải thốt lên rằng, bờ biển đã bốc mùi, còn đâu nữa mà “rừng vàng biển bạc”, còn đâu nữa bầu không khí trong lành, mát mẻ khi ra ngắm biển.

Vẫn còn tình trạng cá chết

Hiện tượng cá chết vẫn còn xảy ra ở một số bờ biển của Quảng Bình.

Theo ghi nhận của phóng viên sáng 27/4, tại một số bờ biển ở các xã Thanh Trạch (Bố Trạch), Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn), Quảng Phú (Quảng Trạch), xác cá chết vẫn trôi dạt vào bờ, nhiều nhất là ở bãi biển Đá Nhảy (xã Thanh Trạch, Bố Trạch).

Chị Nguyễn Thị N., nhân viên một công ty du lịch ở gần bãi tắm Đá Nhảy (Bố Trạch) cho biết: “Mấy hôm nay cá vẫn chết nhiều, cả cá “lờ đờ” nữa, có hôm người dân thu gom phải đến mấy tạ. 

Tình hình thế này, người dân chúng tôi không biết phải sống thế nào, trong khi đó các cấp chính quyền vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Có khi chúng tôi phải vùng dậy biểu tình mất
”. 

Xác cá chết ở bờ biển Quảng Phú, huyện Quảng Trạch. (Ảnh: Huy Hoàng)
Xác cá chết ở bờ biển Quảng Phú, huyện Quảng Trạch. (Ảnh: Huy Hoàng)

Trước tình trạng cá chết, mặc dù người dân và nhiều đơn vị đã tổ chức đi thu gom, xử lý, nhưng khi đến đây, nhiều người không thể chịu nổi vì mùi hôi thối bốc lên. 

Anh Qúy Linh, một người dân ở Quảng Bình ra bờ biển và chứng kiến cảnh cá chết với mùi hôi thối bốc lên khi đi qua nhiều chỗ xác cá đã phải thốt lên rằng:

Bờ biển đã bốc mùi, còn đâu nữa mà “rừng vàng biển bạc”, còn đâu nữa không khí trong lành mỗi khi ra ngắm biển”.

Anh này cũng cho rằng, hiện tượng cá chết dọc bờ biển nhiều tỉnh miền Trung không chỉ dừng lại ở mỗi vấn đề cá chết, mà còn kéo theo biết bao nhiêu hệ lụy. Cá chết, kế sinh nhai của hàng vạn người cũng chết theo, du lịch đi xuống và nhiều vấn đề khác nữa.

Hôm qua tôi có đến một địa điểm du lịch, chủ nơi đó tâm sự rằng, trước khi có thông tin cá chết, khách du lịch đã đặt kín phòng cho dịp lễ.

Nhưng bây giờ họ hủy chỉ còn một nửa so với ban đầu. Không biết phải mất bao lâu nữa, Quảng Bình và các tỉnh miền trung mới được trả lại môi trường biển như trước đây”, anh Linh nói.

Bờ biển bốc mùi hôi, dân gom cá chết bán cho thương lái ảnh 3
Người dân gom cá bán cho thương lái. (Ảnh: Thủy Phan)

Một chủ nhà hàng ven biển ở Bố Trạch tâm sự, cứ vào dịp lễ mấy năm trước, khách đổ về đây đông nghịt, chúng tôi phục vụ không kịp. Nhưng năm nay, có lẽ bãi biển này sẽ đìu hiu lắm. 

Mùa hè rồi mà bãi biển không có ai ngoài những người đi thu gom cùng với xác cá chết. Nhiều xác cá thu gom không kịp đã bốc mùi hôi thối.

Hôm qua, tôi cũng ra biển vớt xác cá, tôi có lội xuống biển nhưng được một lúc thì thấy cay mắt mà không biết vì lý do gì. 

Giờ người dân ai cũng sợ cá biển, thậm chí cả những loại cá được dự trữ trước đó cũng không ai dám ăn. Cá biển là một loại thực phẩm chiếm thị phần rất lớn, mà giờ như thế này thì chúng ta sẽ bị thiệt hại nặng nề
”.

Gom cá chết bán cho thương lái

Ở một số bãi biển Quảng Bình như bãi Đá Nhảy, Lý Hòa (Bố Trạch); Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn) mấy hôm nay xuất hiện tình trạng dân gom cá chết hoặc cá “lờ đờ” bán cho thương lái.

Bờ biển bốc mùi hôi, dân gom cá chết bán cho thương lái ảnh 4
Bờ biển bốc mùi hôi thối vì cá chết. (Ảnh: Thủy Phan)

Bà N. (một người dân thôn Đá Nhảy, xã Thanh Trạch) cho biết: “Mấy hôm trước tôi cũng đi gom cá chết bán. Thấy nhiều người đua nhau đi gom nên vợ chồng tôi cũng đi. Mỗi ngày trung bình tôi có thể kiếm được 300 nghìn đồng, chứ ở nhà thì chẳng biết làm gì”.

Nhiều người thả lưới vớt cá chết nhiều hơn là cá sống, mà nếu có cá sống thì cũng là những con cá “lờ đờ” rồi. Cứ đi một buổi sáng thì thu được vài yến cá, nhưng không biết họ lấy về bán cho ai và để làm gì”, một người dân ở Lý Hòa, xã Hải Trạch, Bố Trạch cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong khoảng 3-4 ngày trở lại đây, nhiều xe đông lạnh từ khắp nơi đã đổ về một số khu vực ven biển Quảng Bình để mua hàng tấn cá do người dân thu gom lại.

Nhiều người phải bịt mũi, đeo khẩu trang khi ra bờ biển (Ảnh: Thủy Phan)
Nhiều người phải bịt mũi, đeo khẩu trang khi ra bờ biển (Ảnh: Thủy Phan)

Ông Nguyễn Văn Lào, Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch xác nhận: “Mấy ngày qua, trên địa bàn xã có một số xe đông lạnh của các doanh nghiệp trực tiếp đến bãi biển khu vực Đá Nhảy để thu mua cá của người dân. 

Những doanh nghiệp này thu mua cá của những ngư dân đi thuyền thúng ra gần bờ bắt vớt các loại cá lờ đờ và cả những loại cá đã chết dạt vào bờ. Còn họ mua để sử dụng vào mục đích gì thì chúng tôi không thể biết được
”. 

Sáng 27/4, đoàn thanh niên của Viettel Quảng Bình đi gom và đào hố chôn cá chết ở bãi tắm Đá Nhảy. Nhiều người cũng không chịu nổi vì mùi hôi thối bốc lên. (Ảnh: Thủy Phan)
Sáng 27/4, đoàn thanh niên của Viettel Quảng Bình đi gom và đào hố chôn cá chết ở bãi tắm Đá Nhảy. Nhiều người cũng không chịu nổi vì mùi hôi thối bốc lên. (Ảnh: Thủy Phan)

Cùng vấn đề này, chiều 26/4, Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn và Cảnh sát môi trường tỉnh Quảng Bình đã về các địa bàn ven biển kiểm tra thì phát hiện một xe đông lạnh của thương lái đang thu mua cá do ngư dân vớt ở phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn.

Chiếc xe này được xác định là đến từ Hà Tĩnh. Theo khai nhận, chủ xe này cho biết không mua cá đã chết mà chỉ mua cá sống và cá đang “lờ đờ”. Cá sau khi thu mua sẽ được đem đi bán lại.

Thời điểm phát hiện, chiếc xe mới chỉ mua được một ít cá do ngư dân vớt ven bờ lên bán. Số cá này ngay lập tức đã bị lực lượng chức năng yêu cầu chủ xe tiêu hủy và nghiêm cấm việc thu mua trên.

Ngày 26/4, UBND tỉnh Quảng Bình đã khẩn cấp chỉ đạo Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên môi trường, Sở Y tế và UBND các địa phương có biển phải kiểm soát chặt chẽ các hoạt động chế biến thực phẩm, mua bán, vận chuyển hải sản trong thời gian này, đồng thời phải tổ chức thu dọn và xử lý cá chết. Việc người dân thu gom cá chết để làm thức ăn cho vật nuôi cũng bị nghiêm cấm.

Trước đó, ngày 25/4, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải ý kiến của Luật sư Trương Anh Tú cho biết: 

Cá chết là sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguy cơ nhiễm độc cao, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người dùng.

Bà con nhân dân cần biết rằng việc cung cấp, buôn bán vận chuyển những hải sản này là một hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 5, Luật An toàn thực phẩm, cụ thể:

3. Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

4. Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

d) Thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc, tác nhân gây ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép.


Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Cụ thể: Phạt tiền từ 70.000.000 (bảy mươi triệu đồng đến 100.000.000 (một trăm triệu đồng) đối với hành vi

“Sử dụng động vật mắc bệnh truyền nhiễm, động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, buộc phải tiêu hủy theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để sản xuất, chế biến thực phẩm” được quy định tại điều 5 Nghị định số 178/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Ngoài ra người vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng do hành vi vi phạm gây ra như chi phí y tế, bồi dưỡng hồi phục, tổn thất tinh thần… thậm chí cả mai tang phí nếu có người bị thiệt mạng.

Không chỉ có vậy, người vi phạm rất có thể sẽ bị xử lý hình sự về “Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” theo quy định tại điều 224 Bộ luật hình sự.

Để ngăn chặn tốt nhất nguồn thực phẩm bẩn này có thể bị các đối tượng gian thương cấp đông, lưu giữ dài ngày để đem đi tiêu thụ ở những tỉnh xa như miền Nam, miền Bắc, chúng ta cần lập ngay các chốt kiểm dịch tại các tỉnh này, nhất là hai đầu Bắc - Nam của vùng ô nhiễm là Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, theo tôi các địa phương nơi bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm nên chủ động tiến hành thu gom hải sản chết để tiến hành chôn lấp, tiêu hủy nhằm tránh ô nhiễm môi trường nước và không khí.

Điều 244. Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm

1. Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ một năm đến năm  năm.

2.  Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến  mười năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công  việc nhất định từ một  năm đến năm năm.
Thủy Phan