Bộ trưởng làm các đại gia xăng dầu hốt hoảng là ai?

27/09/2011 06:19
Hải Hà (tổng hợp)
(GDVN) -  “Vì hơn 80 triệu người dân chứ không vì 11 doanh nghiệp xăng dầu", Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định.

Những ngày gần đây, ông Vương Đình Huệ đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm bởi những ý kiến và quan điểm về vấn đề giá xăng trong nước, với câu nói được hầu hết người dân ủng hộ: “Vì hơn 80 triệu người dân chứ không vì 11 doanh nghiệp xăng dầu".

Tiểu sử

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ

GS-TS Vương Đình Huệ sinh ngày 11.7.1957, quê quán tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc - Nghệ An là Uỷ viên Trung ương Đảng khoá X và XI, ĐBQH Khóa XIII. Trước khi được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Tài chính vào tháng 8.2011, ông đã trải qua các chức vụ là Phó Tổng Kiểm toán, rồi Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Trước đó, ông là giảng viên Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội; nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Kinh tế Bratislara, Cộng hòa Slovakia; Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội...

Ngày 03 tháng 8 năm 2011 Quốc hội Khóa XIII đã phê chuẩn danh sách nội các Chính phủ, ông chính thức trở thành tân Bộ trưởng Bộ Tài chính (Việt Nam).

Bộ trưởng Vương Đình Huệ từng bị đem bán

Nhiều bạn đọc đánh giá, Bộ trưởng Vương Đình Huệ là người mang đầy đủ phẩm chất "đầy tớ" của dân, qua sự kiện điều hành xăng dầu. Ít ai biết người "đầy tớ" của dân này đã có một tuổi thơ "dữ dội"

Theo lời mẹ của Bộ trưởng Vương Đình Huệ, bà Võ Thị Cầm (SN 1922) với Pv Dân Việt, khi Vương Đình Huệ còn nhỏ, chuyện thiếu ăn đối với gia đình xảy ra thường xuyên. Không có gạo, bà Cầm phải đi nhặt hạt bo bo về đập giập nấu cháo cho các con ăn. Có những đận chồng và các con ốm đau phải đi viện hàng tháng trời, không còn cách nào khác, bà đã đứt ruột bán Vương Đình Huệ cho một gia đình giàu có để cứu gia đình.

Hai năm sau, khi trận cơ hàn qua đi, bà mới đến nhà người ta chuộc con về. "Bán con là trường hợp bất khả kháng. Những năm tháng xa con, lòng tui khi mô cũng như lửa đốt".

Theo lời kể của bà Cầm, từ năm 6 tuổi, cu Huệ đã phải quần quật làm việc nhà, tìm rau nấu cám cho lợn, cùng anh chị ra biển cào nghêu, bắt ốc, nhặt cá rơi: "Những năm học cấp 1 rồi lên cấp 3, trên người nó lúc nào cũng chỉ độc có 1 cái áo thôi. Lỡ gặp mưa là phải vắt phơi khô để mặc lại. Đói ăn, thiếu mặc nhưng chưa khi mô nó đòi hỏi điều gì. Nó hiểu được nỗi vất vả của mẹ nên hễ đi học về là lại lao ra biển cào nghêu, bắt ốc để đỡ đần mẹ, rồi đi chăn trâu cho người ta kiếm gạo".

Một tấm gương hiếu học, hiếu thảo

Nói về việc học của con trai Vương Đình Huệ, bà Cầm nhớ lại: "Huệ nó chăm học lắm, có nhiều lúc nó chong đèn học thâu đêm. Những khi đèn dầu hết, nó học nhờ ánh trăng và bắt chước người xưa bắt đom đóm bỏ vào quả cà rỗng để học. Có hôm nó học khuya quá, thương con, nhà còn nắm gạo, tui nấu cháo cho nó nhưng nó không chịu ăn. Nó bảo mẹ ăn đi mà lấy sức, con không đói đâu. Nó bê cháo đến nài cho mẹ ăn làm tui cảm động cứ ôm lấy con mà khóc”.


Những phát ngôn gây chấn động

Hàng loạt những câu nói “đanh thép” và quyết đoán về quản lý công tác tài chính, điều hành xăng dầu,… của Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã gây “chấn động” trên các phương tiện đại chúng.

Sáng 4/8, phát biểu tại phiên họp tổ Quốc hội khóa 13, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng, cần kiểm soát giá cả trên cơ sở minh bạch hoá giá thành của điện lực và xăng dầu cũng như các mặt hàng khác.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định: Kiểm soát giá là vấn đề quan trọng nhất trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định: Kiểm soát giá là vấn đề quan trọng nhất trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Mục tiêu chung của công tác tài chính trong nhiệm kỳ tới là phải tổ chức huy động một cách hợp lý tất cả các nguồn lực của xã hội cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội để đảm bảo an ninh quốc phòng và tăng trưởng cũng như an sinh xã hội, đặc biệt là phải huy động vốn cho thực hiện các đột phá chiến lược. Chúng ta cần một khối lượng vốn cực kỳ lớn cho thời kỳ 5 năm, 10 năm tới.

Còn cơ quan đầu tiên tôi sẽ làm việc khi nhậm chức là Cục Quản lý giá. Trong bối cảnh kinh tế đang đặc biệt khó khăn như hiện nay thì kiểm soát giá là vấn đề quan trọng nhất.

Theo tôi, doanh nghiệp kêu lỗ thì cũng cần làm rõ khái niệm lỗ ở đây là gì. Ví dụ với Petrolimex. Giá bán rẻ xăng dầu được xây dựng trên cơ sở giá định hướng, giá cơ sở. Giá cơ sở được tính toán bao gồm giá CIF, cộng với thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, nhân với tỷ giá, sau đó cộng với chi phí lưu thông xăng dầu. Sau đó, doanh nghiệp được cộng thêm lãi định mức 300 đồng một lít, cộng thêm quỹ bình ổn giá với mức cao nhất 500 đồng và một số khoản phụ phí khác.

Cách thức điều hành của chúng ta lâu nay là khi giá định hướng này cao hơn giá bán lẻ trong nước do yếu tố khách quan như giá thế giới tăng, khi đó có các biện pháp như giảm thuế, ngừng trích lập quỹ hoặc tăng giá được áp dụng. Còn khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ có nguyên nhân xuất phát từ việc doanh nghiệp tăng chi phí bán hàng, thì cái này doanh nghiệp phải chịu. Tương tự khi giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ do yếu tố như giá thế giới giảm, khi đó cần điều chỉnh giá bán lẻ xuống.

Như vậy, nói lỗ ở đây là chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ chứ không phải là doanh nghiệp lỗ, bởi họ đã có lợi nhuận định mức ở trong giá là 300 đồng mỗi lít rồi. Nếu không minh bạch cái này thì sẽ rất khó trong quản lý. Tôi sẽ yêu cầu Cục Quản lý Giá báo cáo kỹ hơn về vấn đề này.

Qua EVN, chúng tôi rút được bài học kinh nghiệm về trách nhiệm của DN trong việc cung cấp số liệu, thông tin. Một khi cơ quan chức năng tăng kiểm tra, giám sát, DN sẽ minh bạch hơn, chính quyền trách nhiệm hơn”.

Trong hội thảo “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay”  ngày 20/9, câu nói kinh điển “Doanh nghiệp đừng có dọa Nhà nước” của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã làm nức lòng dư luận cả nước.

Đáp lại những vướng mắc và bức xúc xung quanh vấn đề quản lý và điều hành xăng dầu, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã đưa ra khá nhiều quyết định khá “đanh thép” và quyết đoán.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ phát biểu trong hội thảo “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay” ngày 20/9
Bộ trưởng Vương Đình Huệ phát biểu trong hội thảo “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay”  ngày 20/9


“Việc giảm giá xăng là có cơ sở, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm cá nhân về vấn đề này"
, Bộ trưởng Huệ quả quyết.

"Bộ Tài chính luôn theo sát và không bỏ qua doanh nghiệp nào cả. Nếu cách điều hành của chúng tôi gây thiệt hại cho doanh nghiệp chúng tôi chịu trách nhiệm và bồi thường. Những vấn đề do Nhà nước điều hành khách quan dẫn đến tình trạng thua lỗ của doanh nghiệp, Nhà nước sẽ hoàn toàn có trách nhiệm để bù đắp, nhưng bù đắp những chi phí hợp lý chứ không thể nào đi gánh những khoản bất hợp lý của thị trường” - Bộ trưởng Huệ khẳng định.

Cùng với khẳng định này Bộ trưởng Huệ cũng đưa ra tuyên bố khá cương quyết: “Nếu doanh nghiệp nào thấy lỗ quá không làm được thì rút lui. Kể cả Petrolimex, nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập tổng công ty khác. Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được nhà nước”.

"Nếu cần công bố gian lận tôi sẽ công bố các gian lận... Doanh nghiệp (xăng dầu) nào kêu về việc giảm giá cứ làm đơn khiếu nại gửi thẳng đến tôi, muốn bỏ thị trường thì cho nghỉ ngay. Doanh nghiệp đừng có dọa Nhà nước" - Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nói.

Tôi đã có 10 năm làm kiểm toán Nhà nước, trong đó có 5 làm Tổng kiểm toán Nhà nước, nên tôi biết rõ hơn ai hết từng doanh nghiệp như thế nào và cũng thuộc các số liệu lỗ, lãi của doanh nghiệp như lòng bàn tay. Điều này có nghĩa, tôi thừa hiểu các nhà nhập khẩu xăng dầu lỗ hay lãi và sức chịu đựng của họ đến đâu. Vì vậy Bộ đủ sức đề điều hành 11 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu”, Bộ trưởng Huệ tuyên bố.

Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi xin tuyên bố sẽ không cho phép doanh nghiệp nào bỏ việc lưu thông xăng dầu, khó khăn nào cũng có thể giải quyết. Chúng tôi làm việc và điều hành có trách nhiệm, không phải vì 11 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, mà vì cả nền kinh tế và hơn 86 triệu người tiêu dùng xăng dầu trên lãnh thổ  này, Bộ trưởng Huệ, tái khẳng định.

Kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Huệ cũng không quên đưa ra những tuyên bố làm yên lòng bao nhiêu người tiêu dùng: “Giá xăng dầu trên thế giới là yếu tố nhạy cảm, biến động hàng giờ dưới những tác động của rất nhiều yếu tố về kinh tế - chính trị và xã hội. Mỗi một sự tăng, giảm của giá xăng dầu đều có tác động trực tiếp tới giá cả của hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trong nền kinh tế và điều đó sẽ ảnh hưởng ngay tới lợi ích của các đối tượng.


Từ nay đến cuối năm, tôi cho rằng không thể để giá theo Nghị định 84 được. Trong điều kiện hiện nay cũng không nên tăng giá xăng dầu mà sẽ sử dụng hết cách để bù lỗ cho doanh nghiệp, kể cả bù giá. Chúng ta nên bình tĩnh, Bộ sẽ làm hết sức mình. Để nắm rõ hoạt động lỗ, lãi của các doanh nghiệp xăng dầu, từ đó có cơ sở minh bạch trong điều chỉnh giá, Bộ Tài chính đã cử ba đoàn kiểm tra chịu trách nhiệm về vấn đề này”
. Bộ trưởng Huệ tuyên bố.

Hải Hà (tổng hợp)