Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng Đà Nẵng bàn cách gỡ vướng dự án 23 năm trên giấy

19/05/2020 06:35
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Bộ Giáo dục và chính quyền Đà Nẵng thống nhất tập trung tối đa các nguồn lực để gỡ vướng cho dự án làng Đại học bị "treo" trên giấy suốt hơn hai thập kỷ qua.

Ngày 18/5, đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng để bàn phương án tháo gỡ, giải quyết vướng mắc trong việc triển khai dự án làng Đại học Đà Nẵng (trên địa bàn phường Hoà Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng để bàn cách gỡ vướng cho dự án làng Đại học Đà Nẵng. Ảnh: AN
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng để bàn cách gỡ vướng cho dự án làng Đại học Đà Nẵng. Ảnh: AN

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nhạ cho hay, đây là lần thứ 2 ông làm việc với lãnh đạo thành phố để giải quyết những khó khăn, tháo gỡ cho khu đô thị làng Đại học.

Dự án này đã trãi qua hơn 20 năm và Thủ tướng yêu cầu phải khởi động lại sớm. Tuy nhiên, tiến độ dự án đến nay vẫn chưa được suôn sẻ.

Theo Bộ trưởng thì hiện vốn của dự án đang có khoảng 400-500 tỷ đồng và sẽ được tiếp tục cung cấp thêm trong thời gian đến.

Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương

“Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là tái định cư, giải phóng mặt bằng. Nếu không tiến hành sớm trong năm nay thì sẽ không giải ngân được số vốn mà Trung ương cấp.

Khi đó, số vốn này sẽ được chuyển giao cho dự án khác, kéo theo đó là số vốn vay của ngân hàng WB cũng không giải ngân được”, Bộ trưởng Nhạ cho hay.

Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, dự án xây dựng Khu đô thị làng Đại học Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung vào ngày 9/12/1997 với quy mô đào tạo đến năm 2010 là 30.000 sinh viên hệ chính quy và diện tích sử dụng đất là 300 ha.

Từ năm 1997 đến 2017, tổng vốn đầu tư của Bộ cho Dự án xây dựng Đại học Đà Nẵng khoảng 300 tỷ đồng, trong tổng mức đầu tư dự kiến 7.700 tỷ đồng và được triển khai trong 3 giai đoạn.

Với khoản vốn đầu tư trên, Đại học Đà Nẵng đã giải phóng mặt bằng được 25,4 ha.

Trên phần đất đã được giải phóng mặt bằng này, Đại học Đà Nẵng đã xây dựng cơ sở học tập và hạ tầng nội khu. Hiện chỉ mới có 2.500 sinh viên đang học tập tại đây.

Sau khi nêu ra những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, Giám đốc Đại học Đà Nẵng đề xuất hai phương án.

Cụ thể, đề nghị thành phố Đà Nẵng xây dựng khu tái định cư mới để bố trí tái định cư cho những người dân trong diện giải toả của dự án bằng nguồn vốn ngân sách địa phương.

Dự kiến số vốn ban đầu bỏ ra khoảng 300 tỷ đồng, sau đó sẽ bán lại và thu về cho ngân sách địa phương từ 800-900 tỷ đồng.

Chấm dứt quy hoạch “treo” làng Đại học Đà Nẵng

Phương án thứ hai là thành phố có khu tái định cư chung cho các dự án khác nhau và người dân trong vùng giải toả làng Đại học có thể nhận tiền và đến đó mua.

Ngoài ra, Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ cũng đề xuất thành phố hỗ trợ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào dự án theo hình thức đối tác công tư.

Đại học Đà Nẵng có thể xem xét di chuyển một số cơ sở khu trung tâm ra vùng ngoại ô để có nguồn vốn đầu tư cho dự án.

Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho hay, vấn đề cấp bách nhất của dự án bây giờ là đền bù, giải toả.

Thành phố đã thống nhất phương án xây dựng Khu tái định cư mới để bố trí cho các hộ dân thuộc đối tượng di dời trong phạm vi giải phóng mặt bằng của Dự án xây dựng Đại học Đà Nẵng, từ nguồn kinh phí của địa phương.

Do đó, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm phê duyệt chủ trương đầu tư và dự án đầu tư để hệ thống tài chính và kho bạc mở mã dự án để giải ngân được.

AN NGUYÊN