Bước ngoặt Ramadi và bài học cho Mỹ

04/01/2016 06:16
Ngọc Việt
(GDVN) - Phải biết "chọn mặt gửi vàng" người có khả năng lãnh đạo, đoàn kết dân tộc chống lại thảm họa khủng bố thay vì chỉ biết "bòn tiền Mỹ"

Ngày 1/1, The Washington Post nhận định rằng, chiến thắng tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (ISIS hay IS) ở Ramadi dù chưa phải là sự khẳng định thành công của chiến lược chống khủng bố tại Iraq, nhưng đó là cột mốc quan trọng, một bước ngoặt trong cuộc chiến ác liệt này.

Từ khi Mỹ ném bom IS tại Iraq nhằm ủng hộ quân đội nước này chặn đứng lực lượng khủng bố, thì đây là chiến thắng có ý nghĩa lớn nhất, quan trọng nhất ghi lại dấu ấn của không lực Mỹ và khả năng chiến đấu của quân đội và lực lượng an ninh Iraq trong cuộc chiến chống IS.

Một người lính Iraq tại Ramadi sau khi tái chiếm được từ tay lực lượng khủng bố, ảnh: Reuters.
Một người lính Iraq tại Ramadi sau khi tái chiếm được từ tay lực lượng khủng bố, ảnh: Reuters.

“Tại Ramadi, các đơn vị Iraq được hỗ trợ bởi máy bay chiến đấu do Mỹ dẫn đầu đã chiếm lại các cứ điểm trọng yếu trong tuần này, bao gồm các cả các cơ quan chính quyền. Một cuộc tấn công đã tạo một cú sốc cực lớn cho các chiến binh IS, khi nó diễn ra chỉ cách Baghdad 80 dặm về phía tây”, theo The Washington Post.

Tuy nhiên, giá trị chiến thắng của quân đội và an ninh Iraq tại Ramadi có ý nghĩa hơn nhiều những gì mà người ta có thể đề cập bằng kết quả của chiến thắng ấy trong các chiến dịch quân sự. Chiến thắng Ramadi không chỉ đánh dấu một bước ngoặt trên chiến trường, mà nó còn mở ra một bước ngoặt trong chiến lược chống khủng bố của Mỹ trên toàn thế giới.

Bước ngoặt của Iraq

Có thể thấy rằng, trước nguy cơ IS có thể tiến vào Baghdad, đe dọa sự tồn vong của chính quyền trung ương tại Iraq nên chính phủ Hoa Kỳ mới phải quyết định ủng hộ lực lượng quân đội và an ninh nước này cản bước tiến như vũ bão của lực lượng khủng bố IS.

Do lực lượng tại chỗ của Iraq quá kém về khả năng tác chiến và cả tinh thần chiến đấu nên việc ngăn chặn đà tiến của IS chủ yếu là do bom đạn của không lực Hoa Kỳ ném xuống các cứ điểm của IS cũng như những hướng tiến quân của chúng.

Và kết quả của các chiến dịch không kích của Mỹ đã giúp cho quân đội Iraq từ chỗ chỉ biết tháo chạy đã chuyển sang chặn đà tiến công của IS và thực hiện các cuộc phản công lại chúng, buộc chứng phải co cụm và chống đỡ. Đây là thể hiện rõ rệt nhất thành công trong việc phối kết hợp giữa không lực Hoa Kỳ và bộ binh Iraq trên chiến trường nước này.

Như vậy, thực tế đã chứng minh Thủ tướng Iraq Haidar al-Abadi đã biết vực dậy một quân đội Iraq rất yếu và rất kém, sau nhiều năm được sự bảo trợ của quân đội Mỹ, đồng thời củng cố khối đoàn kết các lực lượng chính trị, sắc tộc và tôn giáo tại Iraq vốn cực kỳ phức tạp sau chiến tranh.

Kết hợp với các cuộc không kích hiệu quả và giúp đỡ về tình báo, huấn luyện của Hoa Kỳ, bước đầu lực lượng quân đội và an ninh Iraq đã có thể đảm đương được nhiệm vụ. Vì vậy, việc cần kíp đặt ra lúc này với Thủ tướng Iraq Haidar al-Abadi là phải nhanh chóng củng cố hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc và tăng sức chiến đấu cả về tinh thần lẫn vật chất cho quân đội Iraq.

Sẽ không thể có chiến thắng Ramadi nếu quân đội, an ninh Iraq dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Haidar al-Abadi tiếp tục rệu rã, không biết chiến đấu vì cái gì khi các phe nhóm chính trị chỉ lo công kích nhau và tham nhũng. Do đó, ngoại lực dù quan trọng đến đâu cũng không thể thay thế được sức mạnh nội lực. Hy vọng ông Haidar al-Abadi sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ chính sách đoàn kết dân tộc, đồng lòng tiêu diệt khủng bố.

Điều chỉnh chiến lược và bài học cho Mỹ

Việc thất bại liên tiếp của lực lượng Iraq trước IS đã làm tổn thương đến niềm kiêu hãnh của quân lực Hoa Kỳ, song bộ binh Mỹ sẽ không tham chiến nữa. Một phần vì người Mỹ không muốn con em họ phải đổ máu nơi chiến trường, nhưng một phần quan trọng là Mỹ không muốn chứng minh rằng tất cả tiền của họ đổ vào cuộc chiến Iraq như “đổ vào hang chuột”.

Việc củng cố lực lượng quân đội và an ninh của Iraq đã làm cho cuộc chiến chống IS tại nước này trong thời gian qua có phần lắng xuống và ngay cả Mỹ cũng hạn chế không kích IS hơn so với trước đây. Điều này làm cho dư luận có cảm tưởng có sự mâu thuẫn giữa Mỹ và Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố tại mặt trận này.

Lực lượng quân đội, an ninh Iraq mừng chiến thắng tại Ramadi, ảnh: Reuters.
Lực lượng quân đội, an ninh Iraq mừng chiến thắng tại Ramadi, ảnh: Reuters.

Nay chính phủ Iraq có thể tự tin hơn vào sức mạnh của mình trong việc đảm bảo sự tồn tại của chính thể quốc gia, giữ gìn an ninh và bảo vệ đất nước. Còn với Mỹ thì có lẽ bây giờ họ mới thấy được một kết quả, dù còn nhỏ nhoi, nhưng đã xứng đáng với “đồng tiền bát gạo” mà họ bỏ ra trong bao năm qua. 

Tuy nhiên, dù có ý nghĩa quan trọng như vậy, nhưng chiến thắng Ramadi sẽ không có những ảnh hưởng lớn đến việc thay đổi về mặt chiến lược của Iraq trong cuộc chiến chống IS, vẫn sẽ là những sự phối kết hợp giữa tác chiến của bộ binh Iraq với không kích yểm trợ của không lực Hoa Kỳ.

Quân đội Iraq sẽ có những chiến thắng quan trong tiếp theo, nhưng sẽ ác liệt hơn gấp bội so với Ramadi.

Việc IS có chiến thắng như chẻ tre trước quân đội Iraq làm cho nước Mỹ phải giật mình về những gì mà họ đã phải đánh đổi rất nhiều tiển của và cả sinh mạng của người Mỹ nhưng kết quả có được quá ít ỏi. Mỹ phải “mua” với  một cái giá quá đắt cho những toan tính của họ trong cuộc chiến chống khủng bố bên ngoài biên giới quốc gia.

Hàng chục năm trời chính quyền Mỹ tạo điều kiện, nâng đỡ và trợ giúp chính quyền của cựu Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki, nhưng Washington lại quá xem nhẹ việc chính phủ của ông Maliki đã làm được gì trong việc đoàn kết dân tộc, tạo nên sức mạnh quốc gia tại một trong những đất nước mà Mỹ hy vọng sẽ thay mình trong tuyến đầu chống lực lượng khủng bố quốc tế.

Mỹ đã quá lơ là trong việc xem xét lại nơi chỗ mình gửi gắm niềm tin. Do đó họ không biết những con người, những lực lượng mà họ kỳ vọng chỉ là những tổ chức chỉ biết sử dụng tiền của nước Mỹ, lợi dụng sức mạnh của quân đội Mỹ cho những toan tính của riêng họ. 

Vì vậy, chiến thắng Ramadi không chỉ là một sự đánh giá kết quả của quá trình củng cố sức mạnh của lực lượng an ninh và quân đội Iraq trong thời gian qua. Nó cho thấy chỉ dựa vào hoạt động huấn luyện trực tiếp của các cố vấn và chuyên gia quân sự, an ninh Mỹ cho quân đội, an ninh Iraq và hỗ trợ không kích là chưa đủ.

Điểm mấu chốt chính là phải biết "chọn mặt gửi vàng" người có khả năng lãnh đạo, đoàn kết dân tộc chống lại thảm họa khủng bố thay vì chỉ biết "bòn tiền Mỹ".

Chắc chắn Mỹ sẽ mang “tinh thần và bài học chiến thắng Ramadi” đi đến các quốc gia mà Mỹ cho rằng khủng bố đang bám rễ và khẳng định sức sống, đe dọa an ninh của nước Mỹ và đây chính là giá trị quan trọng nhất của chiến thắng Ramadi – một chiến thắng làm thay đổi chiến lược chống khủng bố của chính quyền Hoa Kỳ và làm tăng thêm hy vọng cho người dân thế giới vào chiến thắng chủ nghĩa khủng bố trong tương lai không xa.

Ngọc Việt