Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Cả gia đình đại gia đi Mỹ, ngân hàng lao vào làm... thủy sản

19/11/2012 11:08
Trúc Linh
(GDVN) - Bốn thành viên trong gia đình ông Lâm Ngọc Khuân đều có tên trong HĐQT Công ty Phương Nam. Thế nhưng cả gia đình này đã bay sang Mỹ và không về nên nhiều ngân hàng phải lao vào... làm thủy sản.
Từ ba tháng trước, lãnh đạo 8 ngân hàng có quan hệ tín dụng với Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) như ngồi trên lửa khi nhận được thư cáo bệnh của Chủ tịch HĐQT công ty này là ông Lâm Ngọc Khuân gửi về từ Mỹ. 
Theo ông Khuân, ông rất muốn cùng các ngân hàng chủ nợ ngồi lại với nhau để bàn chuyện tái cơ cấu Công ty Phương Nam nhưng vì lý do sức khỏe. 
Công ty do ông Khuân làm Chủ tịch HĐQT đang nợ trên 1.595 tỷ đồng. Trong đó, nhiều nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh Sóc Trăng chiếm đến gần 500 tỷ đồng. Tiếp đến là Ngân hàng Phát triển (VDB) chi nhánh Sóc Trăng (341,4 tỷ đồng), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) chi nhánh Sở Giao dịch Hậu Giang (328,5 tỷ đồng), Vietcombank 140,8 tỷ đồng, Sacombank 146,9 tỷ đồng, ABBank trên 81 tỷ đồng, Ngân hàng Việt Thái 49,9 tỷ đồng và Vietinbank 8 tỷ đồng.
Tổng hợp dư nợ của Công ty Phương Nam tại 8 ngân hàng và kế hoạch góp vốn. Ảnh: Trúc Linh
Tổng hợp dư nợ của Công ty Phương Nam tại 8 ngân hàng và kế hoạch góp vốn. Ảnh: Trúc Linh

 Dù ông Khuân cho rằng rất có thiện chí khôi phục lại doanh nghiệp nhưng vợ, con gái có tên trong HĐQT Công ty Phương Nam và con trai có tên trong Hội đồng thành viên Công ty TNHH KM Phương Nam (công ty con) nhưng không ai về Việt Nam để ngồi vào bàn đàm phán với các chủ nợ.
Vì vậy, nhiều tháng qua, các ngân hàng chủ nợ của Công ty Phương Nam phải “tự cứu lấy mình” bằng cách thành lập ra tổ tái cơ cấu do ông Nguyễn Hoài Bảo (LienVietPostBank) làm tổ trưởng. 
Theo đề án này, Công ty Phương Nam đặt tại vùng nuôi tôm công nghiệp trên 45.000 ha cho ra sản lượng tôm nguyên liệu lên đến 53.000 tấn mỗi năm. Việc đặt vùng nuôi tôm tại vị trí này sẽ giúp các tỉnh lân cận như Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre và Kiên Giang, các công ty có điều kiện thu mua nguyên liệu dễ dàng bằng cả đường thủy lẫn đường bộ.
Sau nhiều năm hoạt động hiệu quả, đến cuối năm 2011, tổng tài sản của Công ty Phương Nam được thống kê khoảng 1.427 tỷ đồng. Trong đó nhà xưởng, trang thiết bị trên 547 tỷ đồng; kho bảo quản, khu nuôi tôm, cá gần 186 tỷ đồng; bất động sản, phương tiện vận chuyển khoảng 400 tỷ đồng, tài sản khác trên 287,8 tỷ đồng. Với khối tài sản có giá trị  và hiện đại này, Thủy sản Phương Nam có thể hoạt động hết công suất 50.000 tấn thành phẩm mỗi năm, thu hút trên 2.000 lao động.
Công ty Phương Nam. Ảnh: Trúc Linh.
Công ty Phương Nam. Ảnh: Trúc Linh.

 Đầu năm nay, Công ty Phương Nam gặp khó khăn thì một số ngân hàng giảm dư nợ vì thắt chặt tín dụng dẫn đến mất thanh khoản. Công ty sử dụng vốn ngắn hạn đầu tư vào tài sản cố định và tài sản không phục vụ sản xuất kinh doanh chính cũng là nguyên nhân làm cho Thủy sản Phương Nam mất cân đối so với tổng tài sản.
Nếu được tái cơ cấu, năm 2013 công ty sẽ đạt tổng doanh thu thành phẩm trên 1.700 tỷ đồng và tăng lên 2.800 tỷ đồng vào năm 2014. Đến năm 2020 sẽ đạt mốc hơn 4.500 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận trước thuế trên 522 tỷ đồng. Như vậy, đến năm 2018, Công ty Phương Nam có thể hoàn vốn, không còn nợ ngân hàng.

Theo phương án do thành viên HĐQT duy nhất còn ở lại Việt Nam là ông Huỳnh Phúc Quế ký thì sau khi trừ 200 tỷ đồng được xử lý dứt điểm bằng tài sản cố định ngoài nhà máy, nợ của Công ty Phương Nam còn lại khoảng 1.395 tỷ đồng. Để tái cơ cấu, vốn điều lệ mới được chuyển từ dư nợ sang tham gia góp vốn sẽ tăng từ gần 300 tỷ đồng lên trên 465 tỷ đồng. Trong đó ông Quế sẽ đại diện một phần vốn góp do chủ nợ nào đó ủy quyền, tức không còn đồng nào của cá nhân.

Cụ thể, Agribank lấy 50 tỷ đồng từ dư nợ để tham gia góp vốn, VDB góp trên 120 tỷ đồng, LienVietPostBank trên 128 tỷ đồng, Sacombank gần 187 tỷ đồng và ABBank trên 79,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại cuộc họp cuối tuần qua nhiều thành viên tham dự không đồng tình với phương án góp vốn này bởi theo quy định thì tổ chức tín dụng không được tham gia góp vốn vào doanh nghiệp quá 11%. Bên cạnh, có thể vì diễn biến xử lý nợ nần và một vài cơ chế mà Ngân hàng Nông nghiệp, Công thương, Ngoại thương và Việt Thái không tham gia góp vốn. Đối với tân Giám đốc Công ty Phương Nam là ông Trần Văn Trí sẽ góp vốn 20% trên tổng vốn điều lệ của công ty.

Theo luật sư Nguyễn Hồng Lâm (đại diện phát ngôn cho Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân), hiện nay các ngân hàng chủ nợ tiến hành lập thủ tục xử lý nợ phù hợp nhằm tái cơ cấu xong vào tháng 12/2012. Nếu ngân hàng nào góp vốn sẽ cử người tham gia vào HĐQT để đại hội cổ đông, bầu lại HĐQT mới.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Trúc Linh