Cải cách chính sách an ninh của Nhật Bản tác động như thế nào đến Biển Đông?

20/09/2015 10:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Nếu Philippines bị đe dọa và yêu cầu giúp đỡ, Nhật Bản hiện nay đã có thể điều quân tới Biển Đông theo dự luật an ninh mới này.
Cảnh sát biển Việt Nam thực thi nhiệm vụ trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam trong khủng hoảng giàn khoan 981. Sự hiện diện của Nhật Bản ở Biển Đông sẽ có tác động tích cực đến việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
Cảnh sát biển Việt Nam thực thi nhiệm vụ trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam trong khủng hoảng giàn khoan 981. Sự hiện diện của Nhật Bản ở Biển Đông sẽ có tác động tích cực đến việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực.

Ngày 20/9 Chu Vĩnh Thắng, một nhà nghiên cứu Nhật Bản từ học viện Ngoại giao Trung Quốc nói với South China Morning Post: "Sau khi có quyền hành động, Nhật Bản có thể sử dụng nó để tham gia vào một cuộc chiến tranh khu vực khi xét thấy cần thiết".

Giang Lập Phong, một cựu Giám đốc Viện nghiên cứu Nhật Bản tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, di chuyển mới của Thủ tướng Shinzo Abe là để nhằm vào Trung Quốc, đặc biệt là các tranh chấp (Bắc Kinh nhảy vào) ở Biển Đông.

"Dự luật an ninh mới tuyên bố rằng, Nhật Bản có thể triển khai hành động quân sự không chỉ khi lợi ích riêng của mình đang bị đe dọa, mà còn bao gồm tình huống đồng minh và các nước thân thiện bị đe dọa", ông Phong lưu ý.

"Trên Biển Đông, Nhật Bản hiện đang hợp tác với Philippines và xem họ là một quốc gia thân thiện. Nếu Philippines bị đe dọa và yêu cầu giúp đỡ, Nhật Bản hiện nay đã có thể điều quân tới Biển Đông theo dự luật an ninh mới này", Giang Lập Phong bình luận.

Cùng chung quan điểm này, Shuhei Kuromi và Yujỉo Okabe, hai biên tập viên của tờ Yomiuri Shimbun ngày 20/9 bình luận, chính sách an ninh mới sẽ nâng cao mức độ răn đe của liên minh Mỹ - Nhật, đảm bảo rằng Nhật Bản đã sẵn sàng xử lý tình hình căng thẳng ở Đông Nam Á.

Nền kinh tế Nhật Bản phụ thuộc rất lớn vào việc nhập khẩu dầu thô và khí đốt tự nhiên, vì vậy việc đảm bảo an toàn cho tuyến đường hàng hải huyết mạch qua Biển Đông là ưu tiên hàng đầu.

Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nhật Bản giấu tên nói với Yomiuri Shimbun: Để tránh một cuộc đụng độ với Trung Quốc, điều quan trọng là phải cho thấy rằng Nhật Bản và Hoa Kỳ là thống nhất.

Thủ tướng Shinzo Abe nhận định rằng, môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đã trở nên ngày càng nghiêm trọng. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nakatani thì nói thẳng ra rằng, sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang thúc đẩy Bắc Kinh leo thang ở Hoa Đông và Biển Đông.

"Nếu chúng ta xây dựng pháp luật sau khi đã xảy ra một cái gì đó thì nó là quá muộn. Chúng ta phải lường trước mọi tình huống và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và liền mạch", Thủ tướng Shinzo Abe nói. Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đã đồng loạt lên tiếng ủng hộ động thái này của Nhật Bản, The Straits Times ngày 20/9 cho biết.








Hồng Thủy