Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Fox News. |
Hoa Xã ngày 18/9 có bài xã luận tìm cách chia rẽ quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hòng phục vụ cho mưu đồ độc chiếm Biển Đông thành ao nhà mà Trung Nam Hải đang tìm mọi cách thực hiện.
Bình luận về chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc chĩa mũi dùi vào Nhật Bản nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận vào hành vi bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông khi rêu rao "Nhật Bản định mượn tay Việt Nam can thiệp vào Biển Đông khó thành".
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc dẫn lời giới phân tích cho rằng: "Quan hệ Việt - Nhật ngày càng gần gũi, nhưng mỗi bên có tính toán của riêng mình nên hiển nhiên không phải cái gì cũng thống nhất hết, Thủ tướng Shinzo Abe muốn mượn tay Việt Nam để khuấy đục Biển Đông trong khi Việt Nam chủ yếu tìm cầu lợi ích kinh tế trong quan hệ với Nhật Bản, e rằng ý đồ của Nhật khó có thể thực hiện".
Để chứng minh cho lập luận này, Tân Hoa Xã dẫn chứng: "Trong hội đàm giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Shinzo Abe, hai bên đồng ý tiếp tục thúc đẩy quan hệ chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản trong các lĩnh vực kinh tế thương mại, chính trị, quốc phòng an ninh, giáo dục, trong đó kinh tế thương mại là trọng điểm. Những năm gần đây hoạt động thăm viếng của lãnh đạo cấp cao 2 nước diễn ra thường xuyên.
Chỉ tính từ năm ngoái đến nay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm Nhật Bản. Trong khi năm 2013 khi tái đắc cử Thủ tướng Shinzo Abe đã lựa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên của ông". Tân Hoa Xã kết luận, động lực chủ yếu của quan hệ Việt - Nhật là hợp tác kinh tế, phớt lờ lĩnh vực hợp tác an ninh duy trì hòa bình, ổn định, bảo vệ luật pháp quốc tế và công lý ở Biển Đông.
Tân Hoa Xã muốn lái để dư luận hiểu rằng, Việt Nam chỉ cần tiền của Nhật Bản, còn Nhật Bản chỉ muốn mượn tay Việt Nam "khuấy đục Biển Đông" và kiềm chế Trung Quốc. Nhưng lối ngụy biện này của truyền thông nhà nước Trung Quốc khó đánh lừa được ai, và càng không thể chia rẽ nổi quan hệ hợp tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản. Hơn ai hết, người Việt và người Nhật biết rõ kẻ nào đang rắp tâm bành trướng Biển Đông, liếm láp lãnh thổ láng giềng.
Hơn ai hết, người Việt và người Nhật biết rằng một khi quân sự hóa xong xuôi các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp ở Biển Đông, Bắc Kinh sẽ đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh khu vực, bóp chẹt yết hầu tuyến hàng hải trọng yếu hàng đầu thế giới qua Biển Đông, nơi phần lớn lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và năng lượng của Nhật Bản cũng như các nước, vùng lãnh thổ Đông Á phải đi qua.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AP. |
Nhật Bản hay Mỹ không xâm lược và chiếm quần đảo Hoàng Sa, 7 bãi đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà là Trung Quốc. Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng không nghênh ngang bất chấp luật pháp quốc tế và phản đối của dư luận, đem giàn khoan cắm xuống vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ, mà đó là Trung Quốc. Người Việt không bao giờ nhầm lẫn về điều này.
Luận điệu "kiềm chế Trung Quốc" đã quá nhàm tai, nó như lấy giấy bọc lửa khi Bắc Kinh tiếp tục sử dụng chiêu bài này để làm bình phong che đậy cho các hoạt động bành trướng, hung hăng, bất chấp luật pháp quốc tế trên Biển Đông.
Tân Hoa Xã lý luận: "Trong buổi họp báo sau hội đàm, phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ yếu tập trung vào hiện trạng và triển vọng phát triển quan hệ song phương, chỉ nhắc qua về tình hình Biển Đông.
Các kênh báo chí lớn ở Việt Nam như Thông tấn xã chủ yếu đưa tin về hợp tác kinh tế, giáo dục, du lịch mà ít nhắc đến vấn đề Biển Đông. Giới phân tích cho rằng Việt Nam hy vọng hợp tác kinh tế thương mại sẽ thành trục chính trong quan hệ Việt - Nhật chứ không phải Biển Đông.
Mặt khác Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương quan hệ đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Do đó, Nhật Bản cổ vũ Việt Nam liên thủ đối phó với Trung Quốc chỉ là giấc mơ, khó thành hiện thực", hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc lập luận ngô nghê.
Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản mới nhắc đến việc quan ngại về căng thẳng leo thang trên Biển Đông, chống các hành động đe dọa sử dụng vũ lực, bảo vệ luật pháp quốc tế mà nhiều tờ báo Trung Quốc đã "nhảy dựng" lên chụp mũ cho Việt Nam và Nhật Bản bắt tay để kiềm chế Trung Quốc. Chỉ riêng Tân Hoa Xã xem sự kiềm chế ngôn từ này là "sự khác biệt" trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.
Bản chất các hoạt động hợp tác ở Biển Đông giữa Việt Nam, Nhật Bản, Hoa Kỳ không phải để kiềm chế Trung Quốc như họ tuyên truyền, mà là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, duy trì hòa bình ổn định, bảo vệ luật pháp quốc tế và công lý ở Biển Đông trước các hành động bành trướng ngày càng hung hãn.
Việt Nam chủ trương quan hệ đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, không theo nước này chống nước kia là hoàn toàn chính xác.
Nhưng không có nghĩa là độc lập tự chủ thì không cần giúp đỡ của bạn bè, đặc biệt là khi phải đối mặt với sự lấn lướt hung bạo của kẻ bành trướng. Việt Nam chỉ bảo vệ những gì là của mình một cách hợp pháp chứ không rảnh để đi chống lại nước này nước kia một cách vô cớ. Nhật Bản giúp Việt Nam ở Biển Đông cũng chính là giúp mình, không để yết hầu tuyến hàng hải trọng yếu này của quốc tế bị kẻ khác khống chế, đặt luật lệ và thu tô.