Cai và quản lý sau cai nghiện ma túy: Phối hợp 3 bên

09/11/2013 08:32
Theo DIỄM LỆ/Báo Quảng Nam
(GDVN) - Một hội nghị bàn về biện pháp cai và quản lý sau cai nghiện ma túy vừa được Sở LĐ-TBXH tổ chức. Sự phối hợp chặt chẽ giữa trung tâm chuyên trách quản lý cai nghiện, địa phương và gia đình được xem là giải pháp hàng đầu nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này.
Nhiều mô hình hay

Theo số liệu từ Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh, Quảng Nam hiện có 117/244 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy, với 700 đối tượng nghiện có hồ sơ quản lý. Trong số này, có 335 người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, 118 người cai nghiện tại trung tâm. Số đối tượng thuộc diện quản lý sau cai nghiện là 347 người, có trên 100 người cai nghiện thành công, trong đó có 25 người đã được hỗ trợ vốn học nghề và tạo việc làm. Con số này chưa phản ánh hết thực trạng nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh, bởi thực tế không có hồ sơ quản lý còn cao hơn nhiều. Nhiều gia đình có người nghiện không hợp tác với chính quyền, không khai báo nên việc lập hồ sơ quản lý rất khó khăn.

Ông Huỳnh Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết: “Có nhiều mô hình hay trong công tác cai và quản lý sau cai nghiện theo phương thức tự nguyện tại gia đình. Nhiều đối tượng sau cai đã về với gia đình, được cộng đồng giúp đỡ, làm ăn hiệu quả”. Những mô hình hay, theo ông Thanh, như: hỗ trợ cai nghiện ma túy tại gia đình ở huyện Đại Lộc, mô hình “1+6” ở Hội An, mô hình câu lạc bộ phòng, chống tệ nạn xã hội ở Núi Thành, câu lạc bộ nhóm kỹ năng sống ở Điện Bàn...

Từ các mô hình này, nhiều đối tượng nghiện ma túy đã biết chăm chỉ làm ăn, tránh xa các đối tượng nghiện và mua bán ma túy. Ví như trường hợp của anh V.V.S. (xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước), sau cai nghiện, đã chăm chỉ làm nghề sửa xe để nuôi vợ con. Hiện nay anh còn làm công an viên của xã Tiên Thọ, quay lại bảo vệ cái thiện, đẩy đuổi cái xấu ra khỏi chính con người anh và bảo vệ bình yên cho xóm làng. Hay anh Đ.B. (phường Cẩm Châu, TP.Hội An) sau cai nghiện đã tu chí làm ăn với nghề sửa chữa xe máy, trở thành một thanh niên gương mẫu, được chính quyền địa phương tin tưởng, giao làm thành viên đội dân phòng của phường. Những con người từng lầm đường lạc lối này, khi đã thức tỉnh và trở thành người lương thiện, là tấm gương cho những người cùng cảnh ngộ sớm nhận ra lỗi lầm và cai nghiện thành công.

Các đại biểu tham dự hội nghị đều có chung quan điểm là cần phối hợp “tay ba” để cai và quản lý sau cai nghiện tốt hơn. Ảnh: D.L
Các đại biểu tham dự hội nghị đều có chung quan điểm là cần phối hợp “tay ba” để cai và quản lý sau cai nghiện tốt hơn. Ảnh: D.L

 Phối hợp 3 bên

Tại hội nghị, nhiều ý kiến thừa nhận, công tác cai và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều lỗ hổng, hạn chế cần được khắc phục, nhất là sau vụ việc học viên cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục - lao động xã hội bỏ trốn tập thể vào tháng 9.2012. Thực ra, chức năng cai nghiện được bổ sung cho đơn vị này chứ Quảng Nam chưa có một đơn vị chuyên trách quản lý cai và sau cai nghiện ma túy.

Ông Nguyễn Thùy, Giám đốc Trung tâm Giáo dục - lao động xã hội tỉnh, cho biết: “Trung tâm chưa thực hiện tốt công tác cai và quản lý sau cai vì nhiều lý do. Đối tượng được đưa vào trung tâm chưa được cai trước, nên tâm lý không tốt. Trung tâm cũng chưa phân loại được học viên theo loại ma túy sử dụng, theo số lần cai nghiện để quyết định thời gian cai nghiện phù hợp, hầu hết đều lấy mốc thời gian tối đa là 24 tháng. Cạnh đó, các địa phương và gia đình người nghiện chưa có sự phối hợp chặt chẽ với trung tâm trong quá trình cai và quản lý người sau cai”. Vì thế, theo ông Thùy, cần có sự phối hợp “tay ba” gồm trung tâm- gia đình - địa phương nhằm giúp người nghiện trước và sau cai có thể hòa nhập cộng đồng.

Đối với việc cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, nhiều địa phương, ngành đều cho rằng rất khó khăn. Ông Huỳnh Đức Hoàng, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ, chia sẻ: “Thường thì gia đình có người nghiện ma túy đều là những gia đình mà cha mẹ mải mê lo làm ăn, không quan tâm con cái nên con cái rơi vào nghiện ngập. Mà đã thế thì gia đình không chịu phối hợp, khiến công tác quản lý tại địa phương gặp nhiều khó khăn. Vì thế, trung tâm- gia đình và địa phương phải phối hợp mới mong giúp người nghiện cai nghiện thành công”.

Ông Nguyễn Tư, Phó Trưởng Công an huyện Quế Sơn, cho biết: “Quế Sơn chưa thực hiện được công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Bởi, việc bố trí cán bộ y tế xã, thị trấn cắt cơn cho đối tượng khó thực hiện, do nghiệp vụ không có, lực lượng lại quá mỏng, bác sĩ hạn chế; trạm y tế xã không có phòng cắt cơn, giải độc riêng. Chúng ta cũng cần xem lại công tác cai nghiện tập trung đã hiệu quả chưa, chứ sau cai, đối tượng lại quay lại con đường cũ, công an lại lo đi bắt, rồi lại đưa vào trung tâm thì chưa hiệu quả”. Ông Tư cho rằng ngoài gia đình, các địa phương nên quan tâm thăm hỏi học viên là người của địa phương khi cai nghiện tập trung, tạo cho đối tượng niềm tin, giúp họ có động lực để cai nghiện thành công.  “Cai nghiện thành công hay không do bản lĩnh của người nghiện, nhưng rất cần sự trợ sức của gia đình, địa phương” - ông Tư khẳng định.

Theo DIỄM LỆ/Báo Quảng Nam