"Campuchia đồng ý hợp tác an ninh hàng hải với Nhật là bất ngờ lớn"

19/11/2013 07:34
Hồng Thủy (Nguồn: Kyodo News)
(GDVN) - Khi tới Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia Hun Sen bất ngờ đồng ý với đề xuất của Nhật Bản ban hành một tuyên bố chung về hợp tác an ninh hàng hải mà Trung Quốc là đối tượng trong cuộc đàm phán sơ bộ.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm chính thức Campuchia ngày 16/11. Nguồn: The Phnom Penh Post.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm chính thức Campuchia ngày 16/11. Nguồn: The Phnom Penh Post.
Kyodo News ngày 18/11 đưa tin, chỉ trong 11 tháng vừa qua ngồi ghế Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe đã tới thăm tất cả 10 thành viên khối ASEAN, dấu hiệu cho thấy Tokyo đang tìm cách để củng cố hơn nữa mối quan hệ chiến lược với khu vực trong thời điểm quan hệ với Bắc Kinh vẫn còn căng thẳng. Khép lại chuyến đi đến Campuchia và Lào vào ngày Chủ nhật, Thủ tướng Shinzo Abe tỏ ra rất lạc quan trong cuộc họp báo tại Vientiane, nơi ông tuyên bố các cuộc đàm phán với lãnh đạo 10 nước ASEAN kể từ khi ông nhậm chức đã tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và họ đã thảo luận nhiều vấn đề khác nhau. ASEAN là một đối tác quan trọng của Nhật Bản trong việc đảm bảo tự do và an ninh hàng hải trong các vùng biển ở châu Á, Thủ tướng Nhật Bản nói trong cuộc họp báo. Trong số 10 nước ASEAN, Campuchia và Lào được xem là "đặc biệt gần gũi" với Trung Quốc, theo một nguồn tin ngoại giao Nhật Bản, điều này càng cho thấy ý nghĩa chuyến đi của ông Abe. Khi tới Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia Hun Sen bất ngờ đồng ý với đề xuất của Nhật Bản ban hành một tuyên bố chung về hợp tác an ninh hàng hải mà Trung Quốc là đối tượng trong cuộc đàm phán sơ bộ. "Đó là một sự bất ngờ đối với Campuchia để có một sự nhượng bộ lớn như vậy", một quan chức ngoại giao cấp cao nói với Kyodo News. Tuy nhiên việc các nước ASEAN trở nên quá thân thiết với Nhật Bản có thể khiến Bắc Kinh lo ngại.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Campuchia, Hun Sen.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Campuchia, Hun Sen.
Người ta có thể nghĩ rằng chiến lược ngoại giao của Nhật Bản đối với Đông Nam Á bị ảnh hưởng bởi chiến lược ngoại giao của Tokyo nhằm vào Trung Quốc, giáo sư Koichi Nakano từ đại học Khoa học chính trị Sophia nhận xét. Khi hội đàm với các nhà lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Nhật Bản thường đưa ra một tham chiếu tiềm ẩn về sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên biển thông qua việc nêu bật tầm quan trọng của đảm bảo tự do hàng hải, an ninh hàng hải, tuân thủ luật pháp quốc tế trên các vùng biển ở châu Á. Thủ tướng Abe đã hoàn thành chuyến thăm đến tất cả các nước ASEAN chỉ vài tuần trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Nhật Bản tại Tokyo từ 13 đến 15/12 đánh dấu kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Một bản sao dự thảo tuyên bố chung ASEAN - Nhật Bản mà Kyodo News có được nhấn mạnh Nhật Bản và ASEAN sẽ tăng cường hợp tác trong 4 lĩnh vực, gồm hòa bình và ổn định, thịnh vượng, chất lượng cuộc sống và quan hệ đối tác "từ trái tim đến trái tim". Để thực hiện vai trò chủ động hơn đối với hòa bình khu vực và toàn cầu, Nhật Bản và ASEAN sẽ nhấn mạnh phải tuân thủ luật pháp quốc tế và giải quyết hòa bình các tranh chấp, một tham chiếu tiềm ẩn liên quan đến vấn đề lãnh hải với Trung Quốc. Dự thảo kêu gọi Nhật Bản và ASEAN tăng cường hợp tác hơn nữa về an ninh hàng hải và sẽ làm việc cùng nhau trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng các hoạt động (bất hợp pháp) trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

Hồng Thủy (Nguồn: Kyodo News)