Cảnh báo những thảm án kinh hoàng trong mỗi gia đình

27/12/2011 07:27
Tội ác không còn là chuyện ngoài đường, ngoài xã hội nữa mà nó đang xảy ra ở trong chính gia đình của mỗi người.
Một trong những nguyên nhân chính bắt nguồn từ khủng hoảng giá trị gia đình
Trong khi câu chuyện cháu giết bác để cướp xe máy ở phố Lạc Trung (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) chưa kịp lắng xuống thì chỉ vài hôm sau, ngày 25-12, người dân lại bàng hoàng khi nghe tin một cụ già bị giết đẩy xuống ao mà kẻ thủ ác lại chính là đứa cháu ruột của mình.

Phan Thanh Tùng tại cơ quan công an
Phan Thanh Tùng tại cơ quan công an

Vì bạn gái, giết bà nội

Khoảng 19 giờ 30 phút ngày 24-12, Phan Thanh Tùng (SN 1993, ở xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì - Hà Nội) đến nhà bạn là Trương Trung Hiếu (SN 1994, ở cùng xã) và rủ sang nhà cô ruột của mình để thực hiện mưu đồ cướp vàng của bà nội - bà Nguyễn Thị Nhạn (SN 1937). Lúc này, bà Nhạn đang ở chơi nhà con gái Phan Thị Bích. Đến nhà cô, Tùng nói dối: “Bà về nhà có khách”.

Tin lời cháu nội, bà Nhạn lên xe máy đi cùng. Hai kẻ tội lỗi đã chở bà Nhạn ra đồng ruộng. Tại đây,  Tùng bóp cổ bà nội của mình cho đến chết rồi vứt xác bà xuống ao, lấy đôi hoa tai vàng tây và 30.000 đồng. Ngay trong ngày 25-12, cả hai bị bắt.
Vì muốn có tiền mua quà tặng bạn gái, Phan Thanh Tùng nhẫn tâm giết bà nội mình. (Ảnh do cơ quan công an cung cấp)
Điều đau lòng là tại cơ quan điều tra, Tùng thú nhận lý do ra tay sát hại bà nội của mình vì muốn có tiền để mua quà tặng bạn gái trong đêm Noel. Sau khi bán đôi hoa tai được 400.000 đồng, Tùng đưa cho Hiếu 100.000 đồng, cho một người bạn khác ở cùng thôn vay 50.000 đồng, số tiền còn lại Tùng dự định mua gấu bông tặng bạn gái.
Trước đó, ngày 22-12, xảy ra vụ giết người, cướp xe máy táo tợn tại một căn nhà ở ngõ 69B phố Lạc Trung (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng). Bà Nguyễn Thị Yên (SN 1945) bị cắt cổ, chiếc xe máy cũng biến mất. Chỉ 2 ngày sau, hai đối tượng gây án đã đến công an đầu thú là Nguyễn Duy Hà (SN 1990, trú tại phường Điện Biên, quận Ba Đình) và Vũ Ngọc Lương (SN 1986, nhà ở phường Văn Chương, quận Đống Đa). Điều cũng hết sức đau lòng ở vụ giết người này. Hung thủ lại chính là cháu họ của nạn nhân.  Hà khai do bà Yên ngăn cản con gái bà không cho y mượn tiền nên đã tức giận chụp lấy chày giã cua đập nhiều cái vào đầu rồi dùng dao sát hại bác ruột của mình.
Mất kiểm soát
Trao đổi với phóng viên ngày 26-12, PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học), cho rằng các vụ án có người thân trong gia đình là kẻ thủ ác không phải là chuyện lạ. Từ xưa tới nay, đã có nhiều trường hợp thương tâm xảy ra không chỉ ở Việt Nam mà thế giới cũng đã có rất nhiều. “Dù vậy, có thể thấy trong các vụ án gia đình, phần nhiều trong số đó là những gia đình không có nền nếp, không có truyền thống đạo lý, nhân văn, văn hóa… Tội ác luôn có một môi trường nhất định” - PGS-TS Trịnh Hòa Bình nhận định.
Về hiện tượng giới trẻ ngày càng dễ dàng xuống tay với người thân của mình, PGS-TS Trịnh Hòa Bình lý giải: Do còn trẻ nên kinh nghiệm, “bản lĩnh” chưa có. Chính vì thế, về tâm lý, người trẻ rất sợ xuống tay với người lạ. Bởi người thân thì thường không có sự đề phòng nên gây tội ác sẽ dễ dàng hơn. Quá trình tiếp xúc thường xuyên, ý nghĩ đen tối nảy ra và xuất hiện nhiều thì thúc đẩy thành hành động. Xét đến cùng thì hành vi trên xuất phát từ tâm trạng bệnh hoạn, đã để ý nghĩ bất thiện xâm chiếm, điều khiển ý thức.
Sâu xa hơn, PGS-TS Trịnh Hòa Bình cũng cho rằng trước đây, gia đình sống với nhau có nhiều thế hệ, tình cảm ông bà, con cháu gắn kết nhiều hơn. Ngày nay, sự khủng hoảng của gia đình, mối quan hệ giữa các thành viên lỏng lẻo, không vững chắc, gia đình không còn kiểm soát nhau nhiều như trước. Mọi người đều bị cuốn vào các mối quan hệ xã hội, tìm kiếm các giá trị khác mà quên đi giá trị gia đình.
Thiết chế gia đình bị xuống cấp
Theo PGS-TS Trịnh Hòa Bình, thiết chế gia đình hiện nay rõ ràng là bị xuống cấp, hàng loạt chức năng của nó bị rạn nứt, trong đó có chức năng xã hội hóa, giáo dục, chức năng tình cảm, chăm sóc lẫn nhau. “Cơ hội để thủ ác, để mọc mầm, nảy nọc những điều bất thiện sẽ ít hơn nếu gia đình quan tâm tới nhau hơn. Nếu củng cố lại thiết chế gia đình, hàn gắn được các chức năng của nó thì con trẻ sẽ trong sáng hơn, lương thiện hơn, từ đó ngăn chặn được nguy cơ tội ác có thể xảy ra.” – PGS-TS Trịnh Hòa Bình phân tích.
Nguyễn Quyết/Người lao động